Thứ Năm, 3/10/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 20/5/2010 13:45'(GMT+7)

Kỳ thi tuyển sinh ÐH, CÐ 2010: Bắt đầu "cuộc đua"

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Số lượng hồ sơ dự thi giảm

Năm nay số lượng hồ sơ ÐKDT của TS tiếp tục giảm đáng kể so với năm trước. Xu hướng này vốn đã rất rõ ràng khi lượng hồ sơ giảm mạnh trong kỳ tuyển sinh năm 2009. Số lượng hồ sơ ÐKDT của thí sinh trên địa bàn Hà Nội, vốn là địa phương có số lượng thí sinh đông nhất nước, năm nay chỉ bằng 81,5% so với năm 2009. Toàn thành phố có 159.660 hồ sơ, giảm mạnh tới 33.156 hồ sơ so với năm 2009. Với số hồ sơ như trên, tính trung bình, mỗi học sinh Hà Nội chỉ nộp 1,9 hồ sơ. Thanh Hóa từ nhiều năm nay vẫn có lượng hồ sơ lớn (chỉ sau Hà Nội), năm nay nhận được hơn 92.000 hồ sơ, giảm 14.000 so với năm 2009. Nếu so với cách đây 2 năm thì Thanh Hóa giảm tới hơn 29.000 hồ sơ. Tại TP Hồ Chí Minh, số hồ sơ nhận được là 140.900 bộ, giảm 9.000 bộ so với năm trước. Tương tự, Hải Phòng có tổng số 44.368 HS, giảm khoảng 15%; Hà Nam có 22.000 HS, giảm 20%; Vĩnh Phúc có 22.000 HS, giảm khoảng 30% .

Nhận định về tình hình này, các chuyên gia giáo dục cho rằng, ngoài lý do một số nơi có số học sinh tốt nghiệp THPT giảm thì tác động của việc tư vấn tuyển sinh và định hướng nghề nghiệp trước kỳ thi giúp thí sinh xác định rõ mục tiêu để chọn trường một cách dứt khoát, một lý do quan trọng khác là thí sinh phải nộp lệ phí thi cùng lúc với lệ phí đăng ký lại ở mức cao hơn nên thí sinh đã có sự cân nhắc kỹ hơn. Ngoài ra, một số lượng lớn thí sinh không đỗ ÐH của các kỳ tuyển sinh trước đã có thêm sự lựa chọn là đăng ký vào học tại các trường ngoài công lập, vốn rất phong phú hiện nay. Theo nhận định của các trường ÐH, CÐ thì đây là tín hiệu tốt bởi số HS có thể giảm nhưng tỷ lệ dự thi sẽ cao. Số TS ảo sẽ bớt đi, bớt tốn kém cho toàn xã hội.

Nhiều thí sinh chọn y, dược

Tổng số hồ sơ ÐKDT vào các trường ÐH, CÐ năm nay giảm mạnh nhưng lượng hồ sơ đăng ký vào từng trường ÐH, CÐ lại tăng giảm khác nhau tạo nên nhiều diễn biến bất ngờ. Trong kỳ thi tuyển sinh năm nay, xu hướng chọn trường gần nhà thể hiện khá rõ trong cơ cấu chọn trường của hầu hết học sinh các địa phương. Hơn một phần ba học sinh tỉnh Quảng Nam chọn thi vào ÐH Ðà Nẵng, kế đến là ÐH Huế, Quy Nhơn, Quảng Nam. Tại Khánh Hòa, với 28.200 hồ sơ ÐKDT, Trường ÐH Nha Trang nhận được nhiều hồ sơ nhất với 7.500 bộ. Tại Ðác Lắc, gần một phần ba học sinh với 14.855 hồ sơ chọn thi vào Trường ÐH Tây Nguyên. Tương tự, hầu hết học sinh Ðồng Tháp chọn trường thi trong tỉnh hoặc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong số 24.044 hồ sơ ÐKDT, có tới 6.754 hồ sơ lựa chọn Trường ÐH Ðồng Tháp, 2.288 hồ sơ chọn Trường CÐ Cộng đồng Ðồng Tháp...

Theo ghi nhận ban đầu, các trường có đào tạo kỹ thuật, công nghệ, nông nghiệp, công nghiệp là những nơi thu hút số lượng lớn thí sinh đăng ký. Tại các địa phương, các trường ÐH Công nghiệp, Nông nghiệp, Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên; ÐH Ðiện lực và CÐ Giao thông vận tải... luôn có tỷ lệ TS ÐKDT chiếm vị trí cao nhất. Trong khi đó, xu hướng ÐKDT vào các trường có nhóm ngành kinh tế tuy vẫn đông nhưng không còn giữ vị trí đầu bảng. Năm nay, khối các trường sư phạm ít thu hút thí sinh hơn khi nhận được số hồ sơ không nhiều. Theo thống kê của Sở GD-ÐT, Trường ÐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh chỉ nhận được 2.241 bộ, Trường ÐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh: 1.819 bộ. Ngay cả Trường ÐH Sài Gòn, nơi có số hồ sơ cao nhất thì các ngành sư phạm cũng không thu hút thí sinh. Cụ thể, ngành sư phạm toán chỉ có 60 bộ, sư phạm lý 31 bộ, sư phạm hóa 26 bộ, sư phạm sinh 68 bộ...

Một xu hướng nổi bật trong kỳ tuyển sinh năm nay là số TS đăng ký vào khối ngành y - dược rất đông. Trường ÐH Y Hà Nội năm nay có tới gần 16.000 hồ sơ, tăng tới 50% so với năm ngoái, trong khi chỉ tiêu của trường này là 1.000. Trường ÐH Ðiều dưỡng Nam Ðịnh thu hút hơn 4.000 hồ sơ của thí sinh. ÐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh (tuyển sinh toàn quốc) năm nay bắt đầu tuyển sinh Khoa Y nên đã có thêm 1.350 bộ hồ sơ. Tại Bắc Giang, rất đông TS nộp hồ sơ vào các trường như ÐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Tại Thanh Hóa, số hồ sơ ÐKDT vào ÐH Y Hà Nội là 2.399, ÐH Ðiều dưỡng Nam Ðịnh: 1.085, ÐH Y tế Công cộng: 1.987.

Thí sinh biết "lượng sức"

Việc cắt giảm bớt hồ sơ đăng ký, thực tế ÐKDT cho thấy xu hướng "lượng sức" để chọn trường phù hợp đã rõ nét hơn. Ðiều này thể hiện ở việc lượng thí sinh lựa chọn các trường ÐH địa phương, trường gần nhà hoặc trường tốp giữa - thường có mức điểm chuẩn trung bình 14-18 điểm - đồng loạt gia tăng ở nhiều địa phương. Ở phía bắc, Trường ÐH Công nghiệp Hà Nội có khoảng 52.000 hồ sơ trong khi thời điểm này năm ngoái có khoảng 64.000 hồ sơ. Trường ÐH Thương mại có số hồ sơ xấp xỉ năm ngoái với 39.000 bộ. Trường ÐH Giao thông Vận tải cơ sở 1 đã thu hơn 17.800 hồ sơ, giảm 5% so với năm ngoái. Viện ÐH Mở mặc dù giảm hơn 10.000 hồ sơ nhưng vẫn có tới 25.000 trong khi chỉ tiêu tuyển sinh là 3.000. Tại phía nam, theo số liệu tổng hợp được từ hầu hết các sở GD-ÐT, trường ÐH Tài chính Marketing đã nhận được 35.261 bộ (so với 16.000 HS năm 2009 thì con số này tăng gấp đôi. Trường ÐH Sài Gòn cũng nhận được khoảng 8.000 HS từ 22 sở GD-ÐT và trực tiếp tại trường. Trường ÐH Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh tính đến nay cũng đã thu được hơn 7.000 HS, đây cũng là con số cao hơn năm 2009.

Thí sinh dường như đã thực tế hơn khi nhận định về học lực của mình thể hiện qua sự chuyển dịch luồng hồ sơ từ các trường có truyền thống ấn định điểm chuẩn cao sang các trường có điểm chuẩn vừa phải. Nếu những năm trước các trường ÐH Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân, Bách khoa, Xây dựng, Học viện Bưu chính viễn thông, Học viện Tài chính, Học viện Ngoại giao... thường là lựa chọn hàng đầu của hầu hết các thí sinh thì năm nay số thí sinh ÐKDT đã giảm mạnh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc giảm hồ sơ ÐKDT không có nghĩa điểm chuẩn của các trường sẽ giảm theo, bởi chất lượng thí sinh đâm đơn vào các trường đều rất cao. Thạc sĩ Nguyễn Văn Ðương - Phó trưởng Phòng đào tạo Trường ÐH Kinh tế cho rằng: "Hồ sơ ÐKDT của TS vào trường năm nay giảm rõ rệt, tỷ lệ "chọi" cũng giảm theo nhưng không bảo đảm mức độ cạnh tranh giữa các TS sẽ giảm và chưa thể đoán được điểm đầu vào". Dự thi vào những trường này, TS cần có học lực tốt, nếu không sẽ rơi vào tình trạng có số điểm thi cao mà vẫn trượt./.

(Theo: ND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất