Thứ Hai, 23/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 4/6/2016 10:10'(GMT+7)

Ký ức nhà Dài

Sinh hoạt của người Mạ bên nhà Dài truyền thống.

Sinh hoạt của người Mạ bên nhà Dài truyền thống.

Ngược miền ký ức

Giữa đại ngàn nam Tây Nguyên còn tồn tại một ngôi nhà Dài (hìu rọt) cổ xưa của người Mạ, tại bon B’Đăng, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Bà Ka Dít (63 tuổi, chủ nhân ngôi nhà) cũng không nhớ nổi ngôi nhà được xây dựng từ lúc nào. Trong trí nhớ nhạt nhòa, bà chỉ biết rằng, bà lấy ông K’Rệ và khăn gói theo chồng về ở trong ngôi nhà này. Và các thế hệ trong dòng tộc cứ tiếp nối, để bếp lửa nhà Dài không bao giờ tắt…

Nhưng giờ đây, trong ngôi nhà chỉ còn duy nhất một bếp lửa. Những đứa con trai của bà Ka Dít lập gia đình và lần lượt ra ở riêng. Phà khói thuốc vấn vít lên tận mái lá nhà Dài, xuôi dòng ký ức, bà kể: Xưa, ở miền đất Lộc Bắc này có khoảng chục nóc nhà Dài tại bon B’Lạch A, B’Lạch B; dài năm, sáu chục mét, có nóc dài đến cả trăm mét, với mười bếp lửa, tương đương chục hộ cùng huyết thống cư ngụ. Con mình bắt vợ, con người ta chịu ở rể đều phải nối thêm nhà để làm nơi ở cho đôi vợ chồng mới, mỗi hộ một sải (2 đến 3m). Rồi đến đời cháu, nhà cứ thế dài ra...

Nhà của già Ka Dít đã dài hơn 10 sải, nhưng vẫn còn quá khiêm tốn so với những ngôi nhà dài tới hàng trăm mét, theo một số người Pháp có mặt ở vùng đất này những năm đầu thế kỷ 20 ghi nhận. Tác phẩm Rừng người Thượng của tác giả người Pháp Ăng-ri Mét-tơ-rơ cho thấy tác giả từng lên tới đỉnh rừng thông cao nguyên Djiring (huyện Di Linh, Lâm Đồng ngày nay). Trên hành trình đó, Mét-tơ-rơ có cuộc “chạm trán” với người Mạ ở một miền bí ẩn nơi “khúc quành” của dòng Đạ Dâng. Những câu chuyện, cũng là niềm tự hào về tầm vóc bon người Mạ ngày xưa cứ nối dài bên bếp lửa nhà Dài. Chủ tịch UBND xã Lộc Bắc K’Tư nhớ lại: Trong những bữa cơm gia đình, ông ngoại K’Đu kể rằng thời đó, làng người Mạ có tới mấy trăm người, nhưng chỉ cư trú trong mấy nóc nhà Dài như những bức trường thành, bao bọc lấy buôn làng giữa đại ngàn hùng vĩ, dài như “tiếng chiêng ngân” trong Trường ca Ðam San. “Nhà Dài, trong tâm thức người Mạ, là nơi thiêng, chốn thần linh hiện hữu, nơi chứa đồ cổ truyền lại cho thế hệ sau. Và chỉ trong không gian nhà Dài, các nghi lễ, tập tục của người Mạ mới diễn ra bài bản, trọn vẹn” - K’Tư thổ lộ.

Nhà Dài với đời sống của người Mạ giống như tiếng chiêng quấn quyện ngọn lửa thiêng và rượu cần của người Tây Nguyên, ba thứ đó phải gắn kết với không gian đại ngàn và các nghi lễ truyền thống. Khi đó, tiếng chiêng mới nồng nàn, huyễn hoặc… Bà Ka Dít châm thêm bếp lửa, hương rượu cần đã ám đến tận mái lá. Không gian đượm nồng, già làng K’Diệp, chiến sĩ cách mạng một thời, từ tốn nâng cần trúc mời khách uống rượu cần, bảo: “Nhà Dài không chỉ để ở, chống chọi với thiên tai, thú dữ, mà còn là nơi gắn kết bao thế hệ dòng tộc. Nhà dài như tiếng chiêng không có vách ngăn, nghĩa là không có sự ngăn cách về không gian sinh hoạt, mỗi hộ chỉ phân định bằng bếp lửa. Sống quần tụ, nhưng hầu như không xảy ra mâu thuẫn. Giờ thì hiếm rồi”.

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, các dân tộc bản địa Cơ Ho, Mạ, Chu-ru… tại Lâm Đồng đã cố gắng tìm cách tổ chức buôn làng mình một cách hợp lý nhất với môi trường sống, gắn với các hoạt động kinh tế, văn hóa. Và một trong những tiêu chí dễ nhận ra “tầm vóc” của các buôn làng là số lượng nóc nhà, thường là nóc nhà Dài. Nhưng giờ đây, nhà Dài có lẽ không còn là thước đo “tầm vóc” của buôn làng nữa…

Không gian nhà Dài tại xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng).

Nhà Dài ngày càng… ngắn

Thước đo nhà Dài không nằm ở độ dài, độ ngắn. Bởi khái niệm nhà dài, nhà ngắn được xây dựng trên cơ sở cảm tính. Già K’Diệp, người rành về văn hóa nhà Dài của người Mạ, khi được hỏi bắt đầu từ bao nhiêu mét trở lên thì gọi nhà Dài và ngược lại, cũng lúng túng cho rằng nhà Dài là trong đó có nhiều hộ cư trú, nhà ngắn thì một hộ thôi. Như vậy, nhà Dài ở đây được “đo” bằng thiết chế đại gia đình.

Giữa thung lũng B’Đăng, nhìn tổng thể, nhà Dài của bà Ka Dít còn mang hình thái của kiến trúc cổ xưa, với mái lợp lá mây khum hình mai rùa; vách đan bằng lồ ô, tre nứa và một kho thóc tách biệt ngoài nhà Dài, như cha ông từng làm hàng nghìn năm trước. Bên trong nhà vẫn giữ nguyên cách thức bài trí truyền thống, với không gian thiêng (nao), nơi trú ngụ của thần linh ở vị trí cao nhất; Yàng Hìu - vị thần nhà, cũng ngụ ở không gian này. Phần sinh hoạt chung, nơi tiếp khách, nấu ăn, chỗ ngủ của thiếu niên, thanh niên chưa vợ và khách nam; chỗ ngủ của thiếu nữ chưa chồng và khách nữ; phần sàn sát vách sau của không gian này là nơi để chiêng, ché, các loại nhạc cụ truyền thống; khoảng giữa mặt sàn là mha tơm (bếp chung), nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng, đoàn tụ đại gia đình. “Ngày xưa, đêm đêm bên bếp lửa hồng, người già thường kể Khan cho con cháu nghe, truyền dạy kinh nghiệm sản xuất, kỹ năng săn bắn và hát yal yau, tăm pớt… Phần này cũng dẫn ra phía cửa chính nhà Dài” - Già K’Diệp cho biết. “Lãnh thổ” của các gia đình trong nhà Dài được bố trí liền kề nhau theo ngôi thứ. Bắt đầu từ chỗ nằm của vợ chồng pô hìu (chủ nhà), sau đó theo quan hệ trưởng, thứ và thế hệ. Có thể quan sát số lượng bếp (mha) để biết nhà Dài có bao nhiêu gia đình sinh sống.

Buổi chiều. Những hạt mưa rừng lấm tấm trải thảm bên sườn đồi. Không gian đượm màu cổ tích. Khơi ngọn lửa hồng, bà Ka Dít bảo: “Bếp lửa là linh hồn trong ngôi nhà Dài của mình. Lửa là một vị thần và hầu hết lễ nghi đều bắt đầu từ nghi thức “xin lửa”. Lúc không đun nấu thì ủ than dưới lớp tro để khi cần lại thổi lên, vì vậy mà bếp lửa nhà Dài hầu như không bao giờ tắt”. Vào dịp lễ hội, cưới xin, đặt tên cho con, hay có khách quý đến nhà…, mọi thành viên đại gia đình quần tụ quanh bếp chính, lửa được thổi bùng lên, quấn quyện cùng thanh âm huyền ảo của cồng chiêng, khèn bầu luồn qua nhà Dài và vòng xoang “nở” rộng trong ngất ngây men rừng.

“Xưa nhà Dài vòng cả bon, mỗi dịp lễ hội, bà con tấu chiêng vòng ngoài hành lang. Bây giờ, hình ảnh đó chỉ tồn tại trong ký ức, qua lời kể” - Chủ tịch UBND xã Lộc Bắc K’Tư giọng trầm buồn. Cuộc sống hiện đại, xu thế gia đình có tính độc lập đã lan tỏa đến các buôn làng nam Tây Nguyên. Lớp trẻ đều muốn tách hộ, rời khỏi nhà Dài hun hút không vách ngăn. K’Thân, con trai bà Ka Dít bày tỏ: “Ở nhà Dài không tiện lắm, nên ra ở riêng thôi”. Bởi thế, nhà Dài cổ xưa của người Mạ còn hiện hữu giữa đại ngàn đã “ngắn” lại, chỉ còn một bếp lửa đơn độc.

Quyết tâm tìm lại

“Nhà tường xây, lợp mái tôn thì đốt lửa sao được, khói sẽ ám vào đâu? Rồi làm sao mời được Yàng lửa về sưởi ấm buôn làng…” - Già K’Diệp bày tỏ tâm tư. Nhờ tâm huyết của những người như vợ chồng già Ka Dít, mà đại ngàn nam Tây Nguyên còn giữ được nhà Dài. Nhận thức rõ giá trị của nhà Dài trong việc giữ gìn, phát huy những tập tục tốt đẹp của đồng bào dân tộc bản địa, ngành văn hóa tỉnh Lâm Đồng đã nhiều lần hỗ trợ kinh phí để tôn tạo, sửa chữa nhà Dài giữa bon B’Đăng, xã Lộc Bắc; cùng với việc phục dựng lễ hội Mừng lúa mới của người Mạ. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: “Thời gian tới, tỉnh tiếp tục duy trì chương trình này, đồng thời khảo sát, điền dã thêm để giúp bà con nhận thức được tầm quan trọng trong bảo tồn bản sắc văn hóa của mình; đồng thời phát hiện những nét mới để có phương án khôi phục, phát huy, phục vụ các hoạt động khác. Đó là định hướng lâu dài”.

Trước kia, giữa miền trung nguyên tràn nắng gió, khi bất cứ ai được gặp những ngôi nhà Dài bình dị, không gian cư trú độc đáo, nhân văn của người Thượng nam Tây Nguyên, lòng không khỏi gợn lên những xúc cảm lạ thường. Cuộc sống quần cư thị tộc kéo họ vào vòng xoang đoàn kết không so đo, toan tính; phóng khoáng như không gian nhà Dài. Tại đây, người Mạ còn nuôi được cái chiêng, cái ché và ngọn lửa thiêng; những tập tục văn hóa tốt lành, những điệu yal yau, tăm pớt, điệu chiêng cổ… được truyền dạy từ đời này sang đời khác. Bây giờ, nguy cơ mai một văn hóa nhà Dài đang hiển hiện. “Sắp tới, chúng tôi quyết tâm phục dựng thêm nhà Dài, đặt ngay trung tâm xã; đồng thời sưu tầm đồ cổ, không thì sẽ mất hết. Không làm, sau này lớp trẻ sao biết được nhà Dài” - Chủ tịch UBND xã Lộc Bắc K’Tư quả quyết.

Chiều trôi dịu nhẹ, mặt trời đã ngả sau lưng nhà Dài. Bà Ka Dít khơi ngọn lửa hồng, chuẩn bị bữa tối với sản vật núi rừng. Những nếp nhà của người Mạ nhòa khói lam chiều. Vít cong cần rượu tiễn biệt, già K’Diệp nắm chặt tay tôi: “Nếu không “nuôi” cái nhà Dài, mai này, giữa đại ngàn nam Tây Nguyên sẽ không còn kiến trúc cổ xưa...”.

Bài và ảnh: Mai Văn Bảo/Báo Nhân Dân 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất