Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 3/12/2012 19:22'(GMT+7)

Lãi suất cần dưới 9% để hỗ trợ các doanh nghiệp

(Ảnh minh họa: TTXVN).

(Ảnh minh họa: TTXVN).

Xuất khẩu vẫn dựa vào FDI

Tại buổi họp giao ban trực tuyến công tác tháng 11 do Bộ Công Thương tổ chức sáng 3/12, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 11 của cả nước ước đạt 20,45 tỷ USD.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 10,2 tỷ USD, giảm 1,2% so với thực hiện tháng 10/2012, còn nhập khẩu ước đạt 10,25 tỷ USD và như vậy, ước nhập siêu tháng 11/2012 khoảng 50 triệu USD.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tháng 11 có hai nhóm đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cụ thể là mặt hàng dệt và may mặc, điện thoại các loại và linh kiện.

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu dệt may tiếp tục dẫn đầu, tháng 11/2012 ước đạt 1,3 tỷ USD, tính chung 11 tháng ước đạt gần 13,8 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, trong tháng một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt khá như: dầu thô đạt gần 805 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 790 triệu USD; thủy sản 550 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng 340 triệu USD.

Như vậy, tính chung mười một tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 104 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ. Riêng xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt gần 57,85 tỷ USD, tăng 34,5%.

"Đến thời điểm này, về cơ bản ngành công thương sắp hoàn thành mục tiêu đề ra, dự kiến cả năm xuất khẩu có thể đạt 114,5 tỷ USD," ông Vỵ cho hay.

Còn về nhập khẩu, theo người đứng đầu Vụ Kế hoạch, tháng 11/2012 ước đạt 10,25 tỷ USD, tăng nhẹ so với thực hiện tháng trước. Tính chung 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 103,99 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ.

Trong số đó, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 49,03 tỷ USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 47,1%; kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 54,96 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 52,9% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Một số mặt hàng nhập khẩu nhiều như: ngô tăng 64,9%, đậu tương tăng 70,4%, thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 9,2%, quặng và khoáng sản khác tăng 10,5%, dầu thô tăng 14,0%, nguyên liệu dược phẩm tăng 55,1%, dược phẩm tăng 20,8%, sản phẩm từ chất dẻo tăng 23,2%, giấy các loại tăng 10,0%, sản phẩm từ thép tăng 15,6%; máy tính, điện tử và linh kiện tăng 74,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 3,4%...

"Như vậy, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục cao hơn so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu và mức xuất siêu mười một tháng ước đạt 14 triệu USD," ông Vỵ nói.

Kiến nghị hạ lãi suất, tiếp tục cho vay ngoại tệ

Tuy nhiên, đánh giá bức tranh xuất nhập khẩu mười một tháng qua, theo ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ xuất nhập khẩu, thì việc xuất siêu hoàn toàn do “công” của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Xét về cơ cấu mặt hàng thì sự tăng trưởng của nhóm hàng công nghiệp trong khối FDI đóng góp đáng kể cho tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện 11 tháng đạt 11,41 tỷ USD, tăng 201,6% so với cùng kỳ; còn máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng tăng 67,1%.

"Có được điều này là do khối FDI có lợi thế rất lớn từ các công ty mẹ và ngân hàng nước ngoài với lãi suất hàng năm chỉ từ 3%-4% nên khả năng cạnh tranh của họ rất tốt," ông Chinh nói.

Chính vì vậy, việc tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước, cụ thể là làm thế nào để tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang là bài toán đặt ra trong chiến lược xuất nhập khẩu thời gian tới.

Theo đó, việc đảm bảo vốn cho vay bằng đồng Việt Nam dưới 9% cũng được người đứng đầu Vụ xuất nhập khẩu kiến nghị đồng thời tiếp tục gia hạn thông tư 13/2010-NHNN của Ngân hàng nhà nước về vay ngoại tệ đến hết năm 2013 để tiếp sức cho các doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Về phía ngành, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ khác giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng xuất khẩu; điều chỉnh linh hoạt thuế suất thuế xuất nhập khẩu và tạo thuận lợi hơn nữa về thủ tục hành chính theo hướng hỗ trợ tối đa sản xuất trong nước và thúc đẩy kinh doanh, xuất khẩu...

Trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, Bộ đã phê duyệt 114 đề án với tổng kinh phí 93,08 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 11, đã có trên 3.500 doanh nghiệp với giá trị hợp đồng đã ký kết có doanh số bán hàng gần 1 tỷ đô la Mỹ và 1.200 tỷ đồng.

"Một số đề án phát triển thị trường châu Âu, đề án xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng sản xuất và phân phối ở ngoài nước... cũng sẽ được Bộ Công Thương đẩy mạnh để hỗ trợ cho doanh nghiệp," lãnh đạo Vụ Xuất nhập khẩu cho hay./.

(Theo: Vietnam+)
 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất