Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 1/4/2024 20:23'(GMT+7)

Làm rõ bất cập pháp lý, thực tiễn quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày tờ trình. (Ảnh: TTXVN)

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày tờ trình. (Ảnh: TTXVN)

Trình bày Tờ trình, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, mục đích xây dựng dự án Luật nhằm tạo khung pháp lý chung cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân.

Bên cạnh đó, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế đất nước, kiên quyết, kiên trì bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Dự thảo Luật được xây dựng gồm 8 chương với 55 điều, quy định về nguyên tắc, chính sách, nội dung xây dựng, huy động, hoạt động phòng không nhân dân; quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đối với phòng không nhân dân...

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, đại diện cơ quan thẩm tra, cho biết: Thường trực Ủy ban nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Phòng không nhân dân và thấy rằng: Việc ban hành Luật là nhằm thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; thể chế hóa quy định của Hiến pháp liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân và Luật Quốc phòng năm 2018 về phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ. Việc ban hành Luật cũng nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành pháp luật về phòng không nhân dân, quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị cơ bản đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nội dung báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật về phòng không nhân dân và quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, làm rõ hơn những vướng mắc, bất cập về pháp lý, thực tiễn của việc quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung nội dung kinh nghiệm quốc tế về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ trong phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Về nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ (Điều 27), có ý kiến đề nghị làm rõ sự cần thiết quy định cấp phép xuất khẩu cho tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; làm rõ quy trình xin ý kiến đối với hoạt động tạm nhập, tái xuất; điều kiện về xuất khẩu, nhập khẩu; quy định về ủy thác; ý kiến khác đề nghị quy định thống nhất về thẩm quyền cấp phép nhập khẩu đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để rà soát, quy định nội dung phù hợp, nhất là quy định thẩm quyền của Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.

Về điều kiện khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ đối với trường hợp phải được cấp phép bay (Điều 29), Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cân nhắc quy định điều kiện đối với người điều khiển phải đủ 18 tuổi trở lên và được đào tạo kiến thức về hàng không để đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, nội dung quy định điều kiện phải “có kiến thức về hàng không” là chưa rõ, có thể phát sinh thủ tục, yêu cầu về đào tạo, cấp chứng chỉ không cần thiết.

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, rà soát để đảm bảo phù hợp, tương thích với các điều ước, cam kết quốc tế. Đồng thời, ban soạn thảo cần rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật để đáp ứng quan điểm, mục tiêu, yêu cầu của Luật nhưng không gây chồng chéo đối với các lĩnh vực khác, các luật khác; rà soát, đánh giá kỹ tác động của từng chính sách, điều khoản trong Luật để đảm bảo hiệu quả, khả thi; cụ thể hóa tối đa trong Luật những nội dung đã được kiểm nghiệm, áp dụng ổn định trong thực tiễn...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về tổ chức lực lượng phòng không nhân dân, cơ quan chỉ đạo, cơ quan chỉ huy phòng không nhân dân; nghiên cứu hoàn thiện quy định về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, phân công trách nhiệm quản lý giữa các bộ, ngành, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đăng ký cấp phép bay, điều kiện khai thác, sử dụng; gắn kết, hài hòa giữa bảo đảm quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội.

TRÁNH CHỒNG CHÉO KHI XÂY DỰNG LUẬT PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Dự án Luật Phòng không nhân dân là dự án luật mới, với những quy định được nâng cấp, tổng hợp từ các Nghị định cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác. Công tác phòng không nhân dân là một bộ phận quan trọng của công tác quốc phòng, quân sự, là một bộ phận của thế trận quốc phòng toàn dân trên mặt trận đối không, để phòng tránh, đánh trả, khắc phục hoạt động xâm nhập, tiến công đường không của địch, bảo vệ tài sản nhà nước, tính mạng, tài sản của nhân dân, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Do vậy, việc xây dựng luật này là cần thiết để hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ cho chiến lược bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới.

Đánh giá dự thảo, hồ sơ dự án luật đã được chuẩn bị công phu và nghiêm túc, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, về khái niệm và phạm vi phòng không nhân dân, cần cân nhắc kỹ lưỡng. Chẳng hạn, tại khoản 1 Điều 2 có quy định, phòng không nhân dân là hoạt động của toàn dân nhằm chuẩn bị, ngăn ngừa, thực hành đánh địch đột nhập, tiến công đường không, quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000 mét, trong đó, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ và quân nhân dự bị làm nòng cốt. Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc chia giới hạn độ cao 5.000 mét trong phòng không hiện đại là chưa phù hợp, có thể chồng lấn với phạm vi của phòng không quốc gia, phòng không lục quân.

Vì vậy, cần sửa đổi quy định cho phù hợp để tất cả các lực lượng phòng không đều có trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, không phân định trách nhiệm theo phạm vi độ cao phòng không.

Về trọng điểm phòng không nhân dân, Điều 6 của Dự thảo Luật có nêu, đơn vị hành chính cấp tỉnh và đơn vị hành chính cấp huyện đều là trọng điểm phòng không nhân dân.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo thuyết minh rõ, hai trọng điểm này khác nhau như thế nào; Mối quan hệ giữa trọng điểm phòng không nhân dân cấp tỉnh và trọng điểm phòng không nhân dân cấp huyện trực thuộc là gì. Đồng thời, cần làm rõ, các trọng điểm phòng không nhân dân này sẽ đầu tư nguồn lực, bố trí trận địa phòng không như thế nào.

Về lực lượng phòng không nhân dân, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc những quyền hạn, nhiệm vụ, thành phần lực lượng phòng không nhân dân, làm rõ ngay trong luật nhóm nhiệm vụ chỉ đạo, chỉ huy, nhóm nhiệm vụ thực hiện ứng với từng chủ thể.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên phát biểu.

Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho biết, về việc bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, dự thảo luật này được xây dựng trên cơ sở luật hóa quy định tại các văn bản của Chính phủ, trong đó có Nghị định số 74 và Nghị định số 36. Các văn bản này đã được thực hiện từ lâu, cũng đã có tổng kết quá trình thực hiện.

Đồng tình với việc luật hóa các quy định này, nhưng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, dự án luật này có phạm vi điều chỉnh liên quan đến nhiều luật khác trong hệ thống pháp luật như Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Luật Phòng thủ dân sự, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng...

Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để định rõ phạm vi điều chỉnh, xem xét, tháo gỡ những mâu thuẫn, chồng chéo, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất