Chiều 28/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Lễ phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2026). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự và phát biểu chỉ đạo.
Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Phó
Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải; Phó Thủ tướng
Chính phủ Trần Lưu Quang; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc
hội Bùi Văn Cường...
HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM
Phát biểu tại Hội nghị và Lễ phát động, Chủ tịch Quốc hội cho biết,
ngày 6/1/1946 đã diễn ra cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên để bầu ra Quốc hội
khóa I. Từ đó đến nay, ngày 6/1 trở thành ngày truyền thống của Quốc hội
Việt Nam. Trải qua gần 80 năm hình thành và phát triển với 15 khóa đại
biểu Quốc hội, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự
nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp
phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và ngày
càng khẳng định vai trò của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, là
cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, hiện thân của khối đại đoàn kết
toàn dân tộc.
Dù thời kỳ nào và trong hoàn cảnh nào, Quốc hội Việt Nam luôn nói
tiếng nói tâm huyết, trách nhiệm của nhân dân, đại diện cho ý chí,
nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân, phát huy trí tuệ của cả
dân tộc, cùng chung sức xây dựng và phát triển đất nước.
Lần đầu tiên Ban Bí thư có thông báo chính thức đồng ý tổ chức Lễ kỷ
niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam với quy mô
cấp quốc gia. Ban Bí thư đánh giá rất cao Đảng đoàn Quốc hội đã có sự
chủ động từ sớm nội dung này; đồng ý đưa chương trình Lễ Kỷ niệm vào
chương trình tổng thể các ngày lễ lớn của nhiệm kỳ này.
Đảng đoàn Quốc
hội cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo các hoạt động kỷ niệm này do Bí thư
Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm Trưởng Ban. Ủy
ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thành lập Ban Tổ chức Lễ
kỷ niệm do Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần
Thanh Mẫn làm Trưởng Ban Tổ chức…
Theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng năm 2022, lần đầu tiên
công tác thi đua khen thưởng của Khối Quốc hội được Luật hóa, quy định
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định công tác thi đua công tác khen thưởng
trong các cơ quan của Quốc hội. Triển khai luật này, Ủy ban Thường vụ
Quốc hội đã nghiên cứu và ban hành Nghị quyết số 43 quy định về Kỷ niệm
chương “Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam” và Nghị quyết số 44 về công tác
thi đua, khen thưởng trong các cơ quan của Quốc hội.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết
thành lập Hội đồng Thi đua, khen thưởng của khối Quốc hội, do Phó Chủ
tịch Thường trực Quốc hội làm Chủ tịch Hội đồng.
Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phát động
phong trào thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên
bầu ra Quốc hội Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị sau hội nghị này, Ủy ban Thường vụ Quốc
hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ
chức Lễ kỷ niệm triển khai các công việc theo kế hoạch. Phong trào thi
đua tập trung vào 5 trọng điểm mà Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
đã phát biểu.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy
tinh thần tiên phong, gương mẫu, với bản lĩnh chính trị vững vàng, có
nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, trí tuệ, giá trị cho Quốc hội; nỗ lực
phấn đấu thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình, xứng đáng với niềm
tin của cử tri và nhân dân.
Mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân hãy đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức
hoạt động, khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo, quyết liệt, dám
nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành
để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Quyết tâm thực hiện
kế hoạch lập pháp tổng thể mang tính định hướng của cả nhiệm kỳ; hoạt
động giám sát thiết thực, hiệu quả; quyết định các vấn đề quan trọng
đúng, trúng và sát; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực
mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Cùng với đó, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng
thuận, ủng hộ để mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tích
cực hưởng ứng phong trào. Tuyên truyền thường xuyên về các hoạt động của
Quốc hội và những điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua. Kịp
thời khen thưởng, động viên những tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc,
thực hiện tốt các nhiệm vụ, nội dung đề ra của phong trào thi đua…
TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN
Về tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh,
thành phố năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Chủ tịch Quốc hội
Vương Đình Huệ nhấn mạnh Hội nghị này được tổ chức ngay sau thành công
của Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh,
thành phố. Các đại biểu đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội nghị và mong
muốn từ hội nghị đầu tiên này, hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn đại
biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố sẽ được tổ chức thường niên.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá năm 2023 là năm khối lượng công việc Quốc
hội rất lớn, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đã tích
cực phát huy tinh thần lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả và quyết
sách kịp thời, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, trong công tác
lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát,
tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, theo dõi, đôn đốc việc xử lý đơn thư
khiếu nại, tố cáo của công dân...
Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các
Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội phát huy những kết quả
đã đạt được, tiếp tục mở rộng, tăng thêm khối lượng công việc, nâng cao
hơn nữa chất lượng hoạt động. Biểu dương những thành tích mà Đoàn đại
biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố đạt được trong thời gian qua, Chủ tịch
Quốc hội khẳng định, mục đích cao nhất của việc đổi mới hoạt động của
Đoàn đại biểu Quốc hội là hướng đến nâng cao chất lượng của từng đại
biểu Quốc hội, trước mắt là nâng cao chất lượng của công tác tiếp xúc cử
tri.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội phối hợp chặt chẽ với
Mặt trận Tổ quốc tiếp tục đổi mới sâu sát công tác này. Trong Luật hiện
nay mới quy định đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri theo chương trình
của Đoàn đại biểu Quốc hội, chứ chưa có quy định đại biểu Quốc hội tiếp
xúc với cử tri độc lập theo vai đại biểu Quốc hội. Có lẽ tới đây sẽ
nghiên cứu hoàn thiện quy định nội dung này trong Nghị quyết về tiếp xúc
cử tri để “lấp khoảng trống này”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức để các đại
biểu Quốc hội thảo luận, đóng góp ý kiến cho các dự án luật và các vấn
đề quan trọng khác, cho ý kiến về chương trình các kỳ họp Quốc hội; tổ
chức hoạt động giám sát của Đoàn, trong đó chú trọng hoạt động tổ chức
để đại biểu Quốc hội trong Đoàn thực hiện nhiệm vụ giám sát tại địa
phương; tham gia và phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc
hội giám sát tại địa phương.
"TRUY ĐẾN CÙNG VÀ GỠ ĐẾN CÙNG" CÁC KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC
Hiện mỗi năm Quốc hội tiến hành 2 giám sát chuyên đề tối cao, Ủy ban
Thường vụ Quốc hội tiến hành 2 giám sát chuyên đề. Chủ tịch Quốc hội đề
nghị các Đoàn nghiên cứu để tổ chức giám sát có trọng tâm, trọng điểm,
theo đúng tinh thần giám sát chuyên đề của Quốc hội là “truy đến cùng và
gỡ đến cùng”.
Cùng với đó, cần khắc phục tính chồng chéo trong hoạt động giám sát
của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội và của Đoàn đại biểu Quốc
hội.
Theo quy định của luật hiện hành, đại biểu Quốc hội đại diện cho ý
chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân ở đơn vị bầu ra mình, đồng thời
đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước. Chủ tịch
Quốc hội đề nghị các Đoàn cần cân đối giữa hai nhiệm vụ này.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Đoàn cần bám sát một cách toàn diện
chương trình, nội dung hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc
hội, đồng thời phải bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc
điểm, đặc thù của từng địa phương.
Trong năm 2024, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các Đoàn tiếp tục quan
tâm, đóng góp ý kiến với: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát
của Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo hướng các hoạt động giám sát bảo
đảm có trọng tâm, trọng điểm, “đúng vai và thuộc bài”; hoạt động tái
giám sát và giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về giám sát
chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn; đóng góp ý kiến cho Đề án nâng
cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội mà Đảng đoàn Quốc hội
đang xây dựng; dự thảo Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc
hội, Chính phủ và MTTQ về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại
biểu HĐND; đề xuất sửa đổi, bổ sung với Nghị quyết 1004/2020/UBTVQH14 về
việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ
cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh; Nghị
quyết 524/2012/UBTVQH13 về một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của
Quốc hội…
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Đoàn tiếp tục đóng góp ý kiến cụ thể để
nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng
cho đại biểu Quốc hội, tăng cường công tác phối hợp giữa các Đoàn đại
biểu Quốc hội với Thường trực HĐND, UBND, MTTQ cùng cấp và phối hợp với
các cơ quan của Quốc hội; tăng cường công tác bảo đảm các điều kiện hoạt
động cho các đại biểu Quốc hội; tiếp tục bám sát sự lãnh đạo của cấp
ủy, chính quyền địa phương để chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ khóa Quốc
hội tới...
Các Đoàn chủ động, tích cực tham gia hưởng ứng phong trào thi đua kỷ
niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam, nhất là
Nghị quyết số 43/2024/UBTVQH15 và Nghị quyết số 44/2024/UBTVQH15 của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội về công tác thi đua, khen thưởng.
Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của
Đoàn đại biểu Quốc hội và đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Trưởng Ban công
tác đại biểu tổng hợp đầy đủ trong Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
về kết quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội cũng như giải quyết các
kiến nghị của các Đoàn đại biểu Quốc hội.../.
TTXVN