(TG)-Tháng cao điểm "Vì người nghèo" năm 2016 sẽ
diễn ra từ ngày 17/10 đến 18/11/2016, trong đó Lễ phát động sẽ được tổ
chức ngày 17/10. Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ
Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam
đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của các cơ quan thông tấn, báo chí
về kết quả cuộc vận động "Ngày vì người nghèo", hoạt động của Quỹ vì
người nghèo trong thời gian qua và định hướng sắp tới.
* Phóng viên: Thưa đồng chí, ngày 17/10 hàng năm là Ngày vì người nghèo và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ sẽ tổ chức phát động Tháng cao điểm vì người nghèo (từ 17/10 đến ngày 18/11). Nhân đây, đồng chí có thể đánh giá một số kết quả của Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và Quỹ vì người nghèo đã góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo như thế nào trong những năm qua?
* Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Sau khi nước nhà giành được độc lập, đời sống kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Với nỗ lực của Đảng, Nhà nước, nhân dân, công cuộc xóa đói giảm nghèo đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Tuy nhiên, sau 25 năm giải phóng, một bộ phận dân cư nhất là ở vùng nông thôn, miền núi vẫn còn trong tình trạng nghèo đói. Chính vì vậy, MTTQ Việt Nam cùng các đoàn thể chính trị-xã hội đã nhận trách nhiệm vận động xã hội góp công sức, trí tuệ để hỗ trợ nhân dân thoát nghèo bền vững. Ngày 17/10/2000, hưởng ứng "Ngày thế giới chống đói nghèo" của Liên hợp quốc, trên cơ sở thống nhất với Chính phủ, MTTQ Việt Nam đã phát động Cuộc vận động "Ngày vì người nghèo", gắn với đó là hình thành Quỹ "Vì người nghèo" trên phạm vi cả nước và lấy ngày 17/10 hàng năm là "Ngày Cả nước vì người nghèo".
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thông qua Cuộc vận động đã huy động được sự hỗ trợ rất lớn của xã hội. Cụ thể, từ khi phát động đến nay (17/10/2000 đến 30/9/2016), Quỹ "Vì người nghèo" 4 cấp đã vận động, tiếp nhận được 11.454 tỷ đồng; vận động ủng hộ trực tiếp cho chương trình an sinh xã hội ở các địa phương được trên 31.150 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã hỗ trợ người nghèo hết sức có ý nghĩa. Kết quả, từ sự vận động trên, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp với chính quyền hỗ trợ, xây dựng, sửa chữa gần 1,5 triệu căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo; hàng chục triệu lượt hộ nghèo được hỗ trợ về vốn, tư liệu sản xuất; hàng nghìn công trình dân sinh (trường học, trạm xá, cầu dân sinh, đường giao thông nông thôn...) được xây dựng; hàng triệu người được hỗ trợ kinh phí để khám, chữa bệnh...
Những kết quả đó đã được nhân dân cả nước ghi nhận, Đảng, Nhà nước đánh giá cao. Trong 9 tháng đầu năm nay, hoạt động vì người nghèo đã vận động thông qua Quỹ "Vì người nghèo" 4 cấp, số tiền là 945 tỷ đồng và hỗ trợ trực tiếp chương trình an sinh xã hội được 2.571 tỷ đồng. Qua đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp, hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa được 34.437 căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ gia đình nghèo để có điều kiện sống tốt hơn; giúp hơn 149.000 hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất; hơn 1,2 triệu lượt người nghèo được khám, chữa bệnh; trên 295.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ về học tập.
Trên cơ sở tổng kết 15 năm cuộc vận động "Ngày vì người nghèo", năm 2016 Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã triển khai Cuộc vận động mới "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", kế tục Cuộc vận động trước đây. Đặc biệt, ngày 3/10 vừa qua, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chính phủ đã ký Nghị quyết liên tịch "về phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Trong đó, Nghị quyết liên tịch nêu rõ trách nhiệm của hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương trong việc huy động nguồn lực của xã hội cùng với nguồn lực của Nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Cụ thể, cuộc vận động mới có nhiều điểm khác so với cuộc vận động trước đó, trong đó làm rõ hơn trách nhiệm của 5 tổ chức chính trị - xã hội trong việc giúp các hộ dân giảm nghèo bền vững với địa chỉ rõ ràng. Bên cạnh việc vận động kinh phí xã hội, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam sẽ đứng ra nhận hỗ trợ từng hộ gia đình cụ thể. Cùng với đó, các tổ chức phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đổi mới phương thức sản xuất, đổi mới cách sống của từng hộ dân một cách tiết kiệm, hiệu quả hơn để giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.
* Phóng viên: Thông qua những kết quả đáng ghi nhận của Cuộc vận động "Ngày vì người nghèo", theo đồng chí có những bài học gì cần rút ra để thực hiện hiệu quả cuộc vận động mới trong thời gian tới?
* Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Thành tựu 15 năm qua của Cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" là huy động được nguồn lực của xã hội giúp người dân thoát nghèo và cũng là những bài học tổng kết cách làm để có phương pháp thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Qua hoạt động thực tiễn của Cuộc vận động "Vì người nghèo" và "Quỹ vì người nghèo" những năm qua, có thể rút ra ba bài học lớn. Đầu tiên là cần làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, để việc vận động, hỗ trợ giảm nghèo đến từng hộ gia đình có địa chỉ và có sự chịu trách nhiệm rõ ràng. Thứ hai, sự phối hợp giữa MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên và chính quyền cần được đẩy mạnh hơn nữa để có thể phát huy tốt hơn sự hỗ trợ của Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và sự nỗ lực của người dân. Thứ ba, cần có sự quản lý chặt chẽ để khẳng định "Quỹ vì người nghèo" chỉ phục vụ cho mục đích hỗ trợ người nghèo bảo đảm an toàn, hiệu quả.
* Phóng viên: Ngày 2/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Từ thực tiễn 15 năm tổ chức Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và vận động Quỹ "Vì người nghèo", xin đồng chí cho biết MTTQ Việt Nam sẽ có những hoạt động, giải pháp gì nhằm góp phần cùng Chính phủ hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết Quốc hội đề ra?
* Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Ngày 2/9, Thủ tướng phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, đến ngày 3/10, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ký Nghị quyết liên tịch vận động giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. So với cuộc vận động cũ, cuộc vận động mới có điểm khác biệt về cách làm. Trước kia, cuộc vận động được MTTQ Việt Nam và chính quyền làm song song, còn hiện tại chương trình phối hợp liên tịch giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có thời hạn trong 5 năm, qua đó làm rõ trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương với phương châm không bỏ sót hộ nghèo nào không có sự hỗ trợ của Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp. Hộ nghèo vẫn được hưởng các chính sách của Nhà nước, mỗi đoàn thể sẽ nhận hỗ trợ trực tiếp từng hộ gia đình cho đến khi thoát nghèo.
Theo chuẩn nghèo mới, hiện nay cả nước có hơn 2,3 triệu hộ nghèo (chiếm 9,88%) và hơn 1,2 triệu hộ cận nghèo (chiếm 5,22%). Như vậy, Việt Nam có khoảng 15% người dân còn bị ảnh hưởng bởi nghèo và cận nghèo. Đây là đòi hỏi rất lớn. Phương châm của cuộc vận động mới chính là kết hợp nguồn lực của Nhà nước, xã hội, bản thân các hộ nghèo, cận nghèo thông qua sự vận động của MTTQ và các tổ chức thành viên. Quỹ "Vì người nghèo" đã được duy trì trong suốt 10 năm qua tại 4 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện, xã; sắp tới sẽ tiếp tục vận động, làm rõ hơn mục tiêu chi của Quỹ. Trong đó, khoảng 50% số tiền sẽ được chi cho nhu cầu rất cơ bản của con người, đó là giúp người nghèo có nhà ở tốt hơn. Bên cạnh đó, cần có nguồn Quỹ để hỗ trợ ngay những hộ gia đình khó khăn mỗi khi ốm đau, mỗi dịp lễ, Tết; hỗ trợ điều kiện sản xuất cho người dân.
Ngày 17/10, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức triển khai Tháng hành động vì người nghèo như truyền thống hằng năm. Thông qua đó, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hảo tâm sẽ đóng góp vào Quỹ vì người nghèo. Tôi tin tưởng với truyền thống nhiều năm, các đơn vị, doanh nghiệp, nhân dân cả nước sẽ tiếp tục có những đóng góp sáng tạo, giúp Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và chương trình liên tịch vận động giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp hơn nữa trong năm nay và 5 năm tiếp theo.
* Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Phúc Hằng (thực hiện)