Thứ Hai, 14/10/2024
Đời sống
Thứ Năm, 25/6/2009 17:24'(GMT+7)

Làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của nông dân?

Vấn đề đặt ra là làm thế nào bênh vực được quyền lợi của nông dân?

Hiện nay, hộ nông dân có quy mô sản xuất nhỏ, nhưng mức độ liên kết, hợp tác của nông dân rất hạn chế. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã cố gắng khuyến khích phát triển mô hình hợp tác xã nhưng vai trò của tổ chức này ở nước ta vẫn hết sức mờ nhạt, do tổ chức của các hợp tác xã chưa hoàn chỉnh.

Trong khi các tổ chức hợp tác của nông dân và cộng đồng rất yếu kém thì các tổ chức chính trị - xã hội khá phát triển. Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, khoảng 85% số hộ nông dân được điều tra tham gia ít nhất vào một tổ chức, phổ biến nhất là Hội Phụ nữ và Hội Nông dân.

Hội Nông dân là tổ chức có rất đông hội viên ở nông thôn, tuy nhiên Hội không có vai trò thực sự trong sản xuất kinh doanh. Kết quả điều tra cho thấy, mức độ tác động và ảnh hưởng trong đời sống nông thôn của Hội Nông dân chỉ đứng thứ 3 trên 4 bậc xếp hạng, thấp hơn Hội Phụ nữ và Mặt trận Tổ Quốc.

Một kết quả điều tra khác ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Nam và Lào Cai, những địa phương có tỷ lệ hộ tham gia vào Hội Phụ nữ và Hội Nông dân cao nhất cho thấy, đa số người được hỏi cảm thấy các tổ chức này ít nhiều đem lại được tác dụng tốt nhưng thường không mô tả được rõ ràng sự giúp đỡ cụ thể của các tổ chức này đối với hoạt động sản xuất và đời sống của hộ gia đình.

Nguyên nhân sự hoạt động kém hiệu quả là do cách thức tổ chức và hoạt động của một số tổ chức đoàn thể chính trị xã hội từ Trung ương đến địa phương vẫn theo cách: cán bộ hưởng lương theo thang bậc viên chức Nhà nước và tổ chức thành ban bệ theo hệ thống hành chính. Do vậy không bắt buộc cán bộ của đoàn thể phải quan tâm đến nguyện vọng và bảo vệ quyền lợi của dân.

Theo TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, bởi không có tổ chức thực sự hỗ trợ nên mặc dù là lực lượng đông nhất trong dân cư Việt Nam, nhưng vai trò, vị thế, tiếng nói của cư dân nông thôn trong xã hội, trong chính sách, trong kinh tế rất yếu ớt.

Hơn 10 triệu hộ nông dân sản xuất nhỏ, không hành động thống nhất, không có đại diện để thương lượng, xử lý tranh chấp… là tình trạng bất hợp lý và nguy hiểm trong bối cảnh hiện nay.

Nông dân cần được tổ chức lại trong Hội Nông dân kiểu mới, thực sự là đoàn thể của dân. Lãnh đạo Hội từ cơ sở đến Trung ương do dân bầu, trả lương và hoạt động bằng phí đóng góp của hội viên. Mô hình hợp tác xã cần được làm mới căn bản, do xã viên thực sự làm chủ, phục vụ kinh tế hộ. Nhà nước hỗ trợ mạnh 2 tổ chức (Hợp tác xã, hộ nông dân) để đủ sức thay thế và làm tốt hơn vai trò các doanh nghiệp Nhà nước trước đây trong việc cung ứng vật tư nông nghiệp thiết yếu, buôn bán xuất khẩu nông sản chiến lược. Tiếp đến, tổ chức của nông dân đảm nhiệm hoạt động dịch vụ, kinh doanh, hình thành môi trường ổn định và thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất; tăng khả năng thương lượng, mặc cả trên thị trường và bảo vệ được quyền lợi của mình.

Thông qua tổ chức của mình, phần lớn lao động nông thôn sẽ được đào tạo tay nghề để tham gia thị trường lao động công nghiệp trong và ngoài nước. Chính tổ chức của nông dân và cộng đồng nông thôn sẽ là nơi chủ động điều hành hoạt động đào tạo nghề, trang bị kỹ năng cho lao động nông thôn đi ra khỏi nông nghiệp.

Cũng thông qua tổ chức của mình, cùng với sự giúp đỡ của Nhà nước, nông dân có thể xây dựng mạng lưới an sinh xã hội cho mình, như bảo hiểm y tế, bảo hiểm rủi ro, trợ cấp thất nghiệp… phát huy thế mạnh cộng đồng của dân tộc và xóa bỏ sự cách biệt, bất bình đẳng về cơ hội và điều kiện sống giữa cư dân nông thôn và cư dân đô thị.

Tổ chức nông dân được coi là người đại diện chính của nông dân, hình thành mối liên hệ mật thiết với các cơ quan Nhà nước. Thông qua đó, Nhà nước tiến hành các chương trình đầu tư phát triển, hoạch định chính sách nông nghiệp, nông thôn./.

(Theo VOVnews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất