Thứ Ba, 26/11/2024
Hoạt động đại hội đảng bộ các cấp
Thứ Sáu, 6/11/2015 10:42'(GMT+7)

Làm tốt công tác cán bộ tạo nên thành công của Đại hội các Đảng bộ

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

- Các Đảng bộ trực thuộc Trung ương đã hoàn thành Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020, xin đồng chí đánh giá về công tác tổ chức và kết quả Đại hội? 

Ông Nguyễn Ngọc Lâm: Sau Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở và cấp trên cơ sở thành công, Đại hội các Đảng bộ trực thuộc Trung ương đã được tiến hành trong hơn một tháng rưỡi vừa qua với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm. Mở đầu là Đảng bộ tỉnh Hòa Bình khai mạc vào ngày 15/9, kết thúc là Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội và Đảng ủy Ngoài nước vào ngày 3/11. 


Các đại biểu dự đại hội bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình khóa XVI. (Ảnh: Vũ Hà/TTXVN)


Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành ủy và Đảng bộ trực thuộc Trung ương đã thành công tốt đẹp, trong đó có thành công về công tác nhân sự. Những điểm nổi bật được thể hiện là: 

Thứ nhất, các Đảng bộ trực thuộc Trung ương đã bám sát tinh thần Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 26 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự, từ đó cụ thể hóa thành nội dung, chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện ở cấp mình một cách chặt chẽ. 

Thứ hai, công tác nhân sự được thực hiện đảm bảo dân chủ, khách quan, đúng quy trình và tập trung rất cao. Tỷ lệ, số dư theo Quy định của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ thực hiện đúng quy định của Trung ương. 

Tại Đại hội, ngoài đề cử của cấp ủy, một số Đại hội có thêm những trường hợp ứng cử, đề cử, đã tạo không khí sôi động trong Đại hội. Tinh thần dân chủ được phản ánh qua kết quả Đại hội. 

Có thể nói, qua Đại hội của các Đảng bộ trực thuộc Trung ương, nhiều Đại hội Đảng bộ đã bầu một lần đủ số lượng cấp ủy viên với sự tín nhiệm cao. Qua theo dõi, tại nhiều Đảng bộ, các đồng chí đạt 100% phiếu bầu rất cao, tỷ lệ thấp nhất là 55% số phiếu bầu. 

Nhiều Đảng bộ, cấp ủy khóa mới bầu một lần đủ số lượng ủy viên Ban Thường vụ. Các chức danh chủ chốt như Bí thư, Phó Bí thư đều được tín nhiệm cao, nhiều nơi tập trung rất cao. Điều này thể hiện công tác chuẩn bị nhân sự khá tốt. 

Cơ cấu đảm bảo được cơ cấu 3 độ tuổi trong cấp ủy. 37/65 Đảng bộ đảm bảo đổi mới trên 1/3 cấp ủy theo quy định của Trung ương. Tính liên tục, tính kế thừa ở nhiều Đảng bộ được đảm bảo. 

Công tác nhân sự Đại hội, đặc biệt là cán bộ nữ được quan tâm, chăm lo; 466 đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ (chiếm 13,27%), tăng gần 2% so với nhiệm kỳ trước. Đặc biệt, có 104 ủy viên Ban Thường vụ là nữ (10,71%); trong đó có 3 nữ Bí thư, 17 nữ Phó Bí thư. 7 Đảng bộ có tỷ lệ ủy viên Ban Thường vụ là nữ trên 15%. Điều này thể hiện chất lượng cán bộ nữ được tăng lên. 

Cán bộ trẻ nhiệm kỳ này so với khóa trước cũng được tăng đáng kể, 276 ủy viên trẻ (đạt 7,94%), cao hơn nhiệm kỳ trước là 2,54%. Đáng chú ý là cán bộ chủ chốt có hai đồng chí Bí thư, một đồng chí Phó Bí thư và 18 vị Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy dưới 40 tuổi. Điều này thể hiện tinh thần chỉ đạo quyết liệt và chăm lo đào tạo cán bộ trẻ của các cấp ủy, do vậy mới đạt được tỷ lệ này. 

Về đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số khóa này cũng đảm bảo yêu cầu. Nhiều đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ, trong đó có 7 đồng chí Bí thư, 17 đồng chí Phó Bí thư là người dân tộc thiểu số. 

Nhiệm kỳ này, chất lượng cấp ủy cũng được nâng cao. Gần 100% các đồng chí có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, trong đó có 273 người có trình độ tiến sỹ (7,63%), 5 đồng chí là giáo sư và 16 đồng chí phó giáo sư. 

Nhân sự cấp ủy, nhân sự Ban Thường vụ và các chức danh chủ chốt so với khóa trước đảm bảo về chất lượng và so với tình hình thực tiễn đạt kết quả khá tốt; 99,12% có trình độ lý luận cao cấp (hoặc tương đương). 

- Vậy theo đồng chí, những yếu tố nào góp phần đạt được kết quả quan trọng trên? 

Ông Nguyễn Ngọc Lâm: Ban Tổ chức Trung ương với trách nhiệm của mình đã sớm tham mưu cho Bộ Chính trị tiến hành tổng kết Chỉ thị 37 của Bộ Chính trị khóa X, đánh giá những cái được và chưa được của Chỉ thị này. Đây là vấn đề rất quan trọng, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm, tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 36-CT/TW về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng. 


Quang cảnh đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)


Dự thảo Chỉ thị được lấy ý kiến của các Đảng bộ trực thuộc Trung ương qua nhiều lần. Chính vì vậy, Chỉ thị 36-CT/TW đã được ban hành sớm hơn quy định 3 tháng so với nhiệm kỳ trước, sát với tình hình thực tiễn. Đây là căn cứ rất quan trọng để tạo sự đồng thuận trong công tác nhân sự Đại hội. 

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo nhất quán, bảo đảm nguyên tắc, thực hiện từ đầu, không vận dụng, không du di hoặc nới lỏng trong việc vận dụng nhân sự cấp ủy tái cử. Chính vì vậy mà tạo được sự đồng thuận từ Đại hội cấp cơ sở, cấp trên cơ sở, cấp tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương rất tốt. 

Trong quá trình chuẩn bị, các cấp ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan Trung ương, từ đó cụ thể hóa thành kế hoạch của cấp mình, thực hiện quy trình, tiến hành công tác nhân sự bảo đảm khách quan, dân chủ, tạo được sự đồng thuận cao trong công tác chuẩn bị nhân sự, nhất là nhân sự cấp ủy, Ban Thường vụ và nhân sự cán bộ chủ chốt. 

Một trong những yếu tố quan trọng là các cấp ủy, địa phương đã bám sát 3 nội dung yêu cầu, 4 nhóm giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã nêu về công tác cán bộ, từ đó trăn trở, suy nghĩ, lựa chọn, đề xuất các vấn đề có liên quan xung quanh công tác cán bộ, góp phần chuẩn bị tốt đề án nhân sự . 

Các cấp ủy quan tâm chăm lo các khâu của công tác cán bộ, đặc biệt là công tác quy hoạch cán bộ. Quy hoạch cán bộ là tạo nguồn, lần này nguồn cán bộ quy hoạch dồi dào, được chuẩn bị trước, một chức danh có thể có nhiều người được quy hoạch, một người có thể quy hoạch nhiều chức danh, do vậy đến Đại hội không bị hẫng hụt, không thiếu cán bộ. 

Lần đầu tiên, Đảng ta thực hiện Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược: Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và các chức danh chủ chốt. 

Các cấp ủy Đảng quan tâm chăm lo đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, coi đây là một khâu quan trọng. Trong nhiệm kỳ vừa qua, các cấp ủy đã làm tốt công tác đào tạo cán bộ, cả về đào tạo lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, cả về cập nhật kiến thức, bồi dưỡng dự nguồn cán bộ.

Trung ương đã mở 6 lớp dự nguồn cán bộ cao cấp với trên 500 học viên tham gia, các địa phương đã mở các lớp cập nhật kiến thức, các lớp dự nguồn của địa phương cho hàng vạn cán bộ. Đây là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ. 

Cùng với các công việc trên, các Đảng bộ đã quan tâm làm bài bản công tác luân chuyển cán bộ, đưa cán bộ đi đào tạo, rèn luyện trong thực tiễn để cán bộ có điều kiện trưởng thành. 

Nhiều cán bộ đã được đưa đi luân chuyển, rèn luyện và trưởng thành. Đặc biệt, khóa này có gần 70 đồng chí đã luân chuyển về các địa phương, đến Đại hội này cũng khẳng định kết quả rất tốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. 

Thành công của Đại hội là do các cấp ủy đã làm tốt công tác đánh giá cán bộ, đánh giá rất khách quan, thực hiện đúng quy trình, đảm bảo phát huy dân chủ, từ đó lựa chọn, giới thiệu được các đồng chí dự kiến vào cấp ủy, dự kiến tham gia Ban Thường vụ, các chức danh chủ chốt. Chính vì vậy, đến Đại hội, các đồng chí đã được Đại hội chấp nhận, nhiều đồng chí đã được bầu vào cấp ủy với tín nhiệm cao, bầu vào Ban Thường vụ, đặc biệt là các chức danh chủ chốt với tỷ lệ 100%. 


Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XIX. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)


Một trong những nguyên nhân quan trọng nữa đó là có Quy chế bầu cử trong Đảng. Quy chế này được ban hành có tác dụng rất thiết thực, vừa đảm bảo dân chủ, vừa đảm bảo tập trung rất cao trong quá trình Đại hội, nên bầu một lần đủ số lượng cấp ủy, có những Đảng bộ, cấp ủy đều đạt tín nhiệm trên 90%. 

Nhiệm kỳ này thực hiện khá tốt những vấn đề liên quan đến chính sách cán bộ. Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành hướng dẫn, Chính phủ ban hành Nghị định quy định về chính sách đối với cán bộ không tái cử, tạo điều kiện bố trí sắp xếp cho những cán bộ còn đủ điều kiện; những đồng chí có nguyện vọng nghỉ hưu theo chế độ chờ đến tuổi nghỉ hưu đều được thực hiện chính sách. 

Điều này rất quan trọng, góp phần làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, không gây bức xúc, làm cho tình hình sau Đại hội rất tốt. Đó là những yếu tố quan trọng làm nên thành công của Đại hội các Đảng bộ trực thuộc Trung ương. 

- Thưa đồng chí, công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 của các Đảng bộ đã đáp ứng yêu cầu Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị? 

Ông Nguyễn Ngọc Lâm: Bên cạnh những kết quả quan trọng nêu trên, vẫn còn những tồn tại hạn chế, các cấp ủy trực thuộc Trung ương sẽ đánh giá. Từ góc độ Ban Tổ chức Trung ương, chúng tôi thấy có mấy điểm như sau: 

Thứ nhất là về công tác chuẩn bị nhân sự. Ở một số địa phương do công tác nhân sự chưa được chủ động làm sớm, chính vì vậy đến Đại hội vẫn bầu khuyết cấp ủy viên với số lượng được bầu, trong đó có 15 Đảng bộ đã bầu khuyết 38 đồng chí cấp ủy viên; 39 cấp ủy viên chưa được bầu tại Đại hội lần này mặc dù theo quy định vẫn có thể được bầu; 9 đồng chí Phó Bí thư chưa được bầu tại Đại hội. 

Thứ hai là, vẫn còn 35 đồng chí cấp ủy viên đương nhiệm được giới thiệu tái cử nhưng không trúng cử, trong đó khu vực miền Bắc có 11 đồng chí, khu vực miền Trung và Tây nguyên 15 đồng chí, khu vực miền Nam 9 đồng chí. Đáng chú ý là có 7 đồng chí Ủy viên Thường vụ tái cử nhưng không trúng cử, trong đó có 2 đồng chí Phó Bí thư của hai địa phương. 

Thứ ba là, tỷ lệ cán bộ nữ mặc dù đã đạt bình quân là 13,27% nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu so với tinh thần Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị, mới có 21 địa phương đạt tỷ lệ quy định là trên 15%. Như vậy còn tới 44 địa phương tỷ lệ cán bộ nữ chưa đạt yêu cầu. Một số nơi, tỷ lệ cán bộ nữ trong Ban Thường vụ rất ít hoặc có nơi không có. 

Đối với cán bộ trẻ, mặc dù đã tăng 2,54% so với khóa trước nhưng nhìn lại, tỷ lệ cán bộ trẻ rất ít so với yêu cầu quy định là không dưới 10%. Mới có 13 tỉnh đảm bảo tỷ lệ cán bộ trẻ trên 10%. Các tỉnh còn lại vẫn dưới 10%. Có địa phương không có đồng chí nào dưới 40 tuổi trong cấp ủy. Đó là điều đáng băn khoăn ở những nơi chưa quan tâm, chăm lo đến việc thực hiện công tác cán bộ. 

Điểm đáng lưu ý là, trong quá trình chuẩn bị Đại hội, còn một số ít Đảng bộ do chưa chuẩn bị tốt công tác nhân sự hoặc chưa tạo nên sự đồng thuận và thống nhất cao trong công tác nhân sự, đã tác động đến Đại hội, trong Đại hội còn ý kiến khác nhau, dẫn đến kết quả bầu cử không đúng như dự kiến mà cấp ủy Đảng quyết định. 

Đây là những điều cần rút kinh nghiệm sâu sắc, để tăng cường đoàn kết nội bộ, tạo lập sự đồng thuận và thống nhất cao của cấp ủy trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp . 

- Từ những thành công và hạn chế trong tổ chức Đại hội các Đảng bộ trực thuộc Trung ương, theo đồng chí có thể rút ra những kinh nghiệm gì để góp phần tổ chức thành công Đại hội XII của Đảng và Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ tới? 

Ông Nguyễn Ngọc Lâm: Theo tôi, thông qua Đại hội các Đảng bộ trực thuộc Trung ương vừa qua thấy rằng có một số vấn đề cần phải rút kinh nghiệm. 

Thứ nhất, các cấp ủy phải bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, nhất là Chỉ thị 36, từ đó cụ thể hóa thành kế hoạch, nội dung, chương trình cụ thể của cấp mình, sau đó chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, nhất quán. 

Thứ hai, Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và chỉ đạo; nhất là những nơi có vấn đề, tình hình nội bộ phức tạp cần phải kiểm tra, chỉ đạo kiên quyết; nhất quán trong việc thực hiện các nguyên tắc mà Chỉ thị của Bộ Chính trị đã nêu ra, đặc biệt là những vấn đề có liên quan đến độ tuổi tái cử cấp ủy, những quy định về công tác nhân sự. 

Thứ ba là các cấp ủy phải thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, coi trọng các khâu của công tác cán bộ từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đánh giá, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, trong đó, đặc biệt chú ý đến cán bộ nữ, cán bộ trẻ; phải thể hiện đầy đủ trách nhiệm của cấp ủy và vai trò của người đứng đầu thì mới có đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ như mong muốn. 

Thứ tư là các cơ quan tham mưu của Trung ương và các cấp ủy phải tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất kịp thời những vấn đề có liên quan đến tiến trình Đại hội, từ đó tham mưu cho Trung ương cũng như các cấp ủy chỉ đạo chặt chẽ, thực hiện đúng các bước quy trình theo quy định, nhất là công tác nhân sự. 

Thông qua chỉ đạo Đại hội của các địa phương, chúng tôi thấy rằng, cấp ủy cấp trên cũng như Trung ương phải nắm thật chắc tình hình của các địa phương và cơ sở, khi có dấu hiệu về tình hình đoàn kết nội bộ hoặc chưa thống nhất trong nội bộ, cần phải nắm bắt, chỉ đạo kiểm tra và xử lý kịp thời. Có như vậy đến Đại hội, tình hình nhân sự cấp ủy mới thực hiện được điều mong muốn, không để xảy ra những tình huống bất ngờ.

-Xin cảm ơn đồng chí./.

Hương Thủy/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất