Thứ Bảy, 23/11/2024
Định hướng - Chỉ đạo
Thứ Hai, 11/12/2017 17:7'(GMT+7)

Lần đầu đấu thầu mua sắm thuốc tập trung, tiết kiệm trên 477 tỷ đồng

Ảnh minh họa. (Nguồn: University of Kent)

Ảnh minh họa. (Nguồn: University of Kent)

Gói thầu đầu tiên gồm 5 hoạt chất với 22 mặt hàng thuốc (5 thuốc biệt dược, 17 thuốc generic) để cung cấp cho các cơ sở y tế trên toàn quốc trong 2 năm 2018 -2019. Đây là thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị, số lượng, có tham khảo giá thuốc trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các cơ sở y tế.

Công khai, minh bạch để đảm bảo quyền lợi người bệnh

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh, thuốc là một trong những mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong thời gian qua, những đổi mới trong các quy định về đấu thầu thuốc đã từng bước nâng cao cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu, tạo điều kiện cho quản lý chất lượng, giảm chi phí điều trị.

"Một trong những hạn chế bất cập là đấu thầu thuốc vẫn thực hiện riêng lẻ tại từng tỉnh, thành phố và cơ sở khám chữa bệnh dẫn đến giá trúng thầu còn khác nhau, một số mặt hàng có giá trúng thầu cao. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nếu thực hiện đấu thầu thuốc tập trung hợp lý sẽ giúp quản lý tốt hơn chuối cung ứng, giá và chất lượng thuốc", Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết.

Theo đánh giá ban đầu, quá trình tổ chức đấu thầu được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch. Kết quả đã lựa chọn được các Nhà thầu cung ứng các mặt hàng thuốc đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Về hiệu quả kinh tế, tổng giá kế hoạch của các gói thầu là 2.746 tỷ đồng, giá trúng thầu là 2.269 tỷ đồng, tiết kiệm được trên 477 tỷ đồng (giảm được khoảng 17% so với giá kế hoạch). Trong đó, biệt dược tiết kiệm 114,3 tỷ đồng, giảm khoảng 6,9% so với giá kế hoạch gói thầu; Generic tiết kiệm 362,7 tỷ đồng, giảm khoảng 33% so với giá kế hoạch...

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn đánh giá cao kết quả đấu thầu tập trung quốc gia lần đầu tiên và cho rằng kết quả đấu thầu tốt, nhưng vấn đề là đưa vào thực tiễn khám, điều trị cho người bệnh như thế nào. "Đấu thầu tập trung quốc gia được kỳ vọng là một trong những giải pháp hữu hiệu đảm bảo đủ thuốc cung ứng cho người bệnh, hướng tới giá hợp lý, tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn tài chính trên cơ sở vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho người bệnh”, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhấn mạnh.

Thuốc hiện chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu chi khám chữa bệnh nói chung và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nói riêng. Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tổng chi cho thuốc từ Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2015 là trên 26.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 48,3%; năm 2016 là trên 31.500 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 41%. Tỷ lệ này cao hơn so với các quốc gia có điều kiện tương đồng về kinh tế-xã hội.

Tiếp tục mở rộng danh mục đấu thầu tập trung thuốc quốc gia

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo tóm tắt về kết quả lựa chọn nhà đấu thầu tập trung cấp quốc gia của 5 hoạt chất gồm 22 danh mục thuốc; tình hình ký kết hợp đồng, hướng dẫn thực hiện hợp đồng cung cấp thuốc giữa nhà thầu trúng thầu và các cơ sở y tế giai đoạn 2018-2019; công tác đấu thầu tập trung cấp địa phương tại một số cơ sở y tế…

Phó Giám đốc sở Y tế Hà Nội Trần Văn Trung cho biết, năm 2016 là năm đầu tiên Hà Nội tổ chức đấu thầu tập trung cấp địa phương, bên cạnh những kết quả đạt được còn có một số khó khăn, trong đó hiện nay các đơn vị mua thuốc phải theo 4 danh mục: Danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc giá của Bộ Y tế, danh mục đầu thầu tập trung của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; danh mục đầu thầu tập trung cấp địa phương; danh mục đấu thầu tại đơn vị. Trong khi đó, mỗi danh mục lại ký hợp đồng với nhiều nhà thầu, với thời gian thực hiện hợp đồng khác nhau, sẽ rất khó khăn cho các đơn vị trong việc chủ động nguồn thuốc, thanh toán kinh phí...

Đại điện Sở Y tế Hà Nội đề xuất xem xét tổ chức hai cấp độ đấu thầu là Bộ Y tế đấu thầu tập trung toàn bộ thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia và cấp địa phương; các cơ sở y tế tự đấu thầu những mặt hàng còn lại. Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện K Vũ Đình Tiến đề nghị cần có quy định về tỷ lệ thuốc biệt dược gốc/thuốc generic nhóm 1 đối với từng hạng bệnh viện và bệnh viện chuyên khoa…

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết, để tiếp tục quản lý tốt giá thuốc, góp phần sử dụng có hiệu quả nguồn quỹ bảo hiểm y tế, Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai tích cực các chỉ đạo của Chính phủ về đấu thầu mua thuốc tập trung cấp quốc gia.

Trên cơ sở kết quả đạt được từ lần đầu tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia tiếp tục tổ chức đấu thầu đối với các mặt hàng thuốc được Bộ thống nhất mở rộng danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, mở rộng danh mục thuốc đàm phán giá, góp phần vào các giải pháp chung của Bộ Y tế theo chỉ đạo của Chính phủ.

Việc mở rộng danh mục đấu thầu tập trung thuốc quốc gia theo nguyên tắc và tiêu chí đã được Bộ Y tế quy định tại Phụ lục 5 Thông tư 10/2016/TT-BYT của Bộ Y tế như: thuốc thuộc các chương trình, dự án quốc gia; thuốc điều trị các bệnh không truyền nhiễm (NCD); Thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị và số lượng tại các cơ sở y tế trên cả nước; thuốc có nhiều số đăng ký lưu hành tại Việt Nam theo dạng bào chế, nhà sản xuất...

Bên cạnh đó, trên cơ sở thỏa thuận khung đã ký, các cơ sở khám chữa bệnh triển khai ký hợp đồng cụ thể với các nhà cung ứng thuốc theo hướng dẫn. Trong quá trình thực hiện, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần theo dõi chặt chẽ tình hình sử dụng thuốc và chất lượng thuốc; kịp thời phản ảnh với Trung tâm và Bộ Y tế những khó khăn, vướng mắc, bất cập để kịp thời giải quyết./.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Y tế đã xây dựng Đề án và trình Chính phủ thành lập Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia trực thuộc Bộ Y tế. Trung tâm được phê duyệt thành lập theo Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30/12/2016. Ngay sau đó, Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Bộ Y tế đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt

Nguyễn Bích Thủy (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất