Phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn truyền thông sở tại ngày 17/4 cho biết,
Quốc hội Ai Cập sẽ thành lập một ủy ban để xem xét quyết định của chính
phủ nước này chuyển giao hai hòn đảo Tiran và Sanafir ở eo biển Tiran
trên Biển Đỏ cho Saudi Arabia.
Hiện Quốc hội Ai Cập vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản hay văn kiện nào
liên quan đến thỏa thuận chuyển giao hai đảo nói trên nhưng sẽ sớm thành
lập một ủy ban để xem xét các tất cả các tài liệu trước khi đưa ra
quyết định có thông qua thỏa thuận hay không.
Trước đó, ngày 9/4 vừa qua, Chính phủ Ai Cập quyết định chuyển giao 2
hòn đảo chiến lược Tiran và Sanafir trên Biển Đỏ cho Saudi Arabia, động
thái đã làm dấy lên những tranh cãi và làm bùng phát làn sóng biểu tình ở
nhiều tỉnh ở trên khắp đất nước Ai Cập.
Những người chỉ trích và người biểu tình cho rằng thỏa thuận giữa Cairo
và Riyadh liên quan đến hai đảo Tiran và Sanafir vi phạm Hiến pháp hiện
hành của Ai Cập.
Báo điện tử "Dailynewsngypt" đưa tin, làn sóng biểu tình đã lan rộng ở
13 tỉnh, trong đó có thủ đô Cairo, nhằm phản đối quyết định của Chính
phủ Ai Cập công nhận chủ quyền của Saudi Arabia đối với hòn đảo trên
Biển Đỏ, giữa lúc lực lượng đặc nhiệm với các vũ khí hạng nặng được
triển khai để ngăn chặn và giải tán đám đông.
Những người biểu tình miêu tả quyết định của chính quyền là "hành vi bán
đất" và kêu gọi "chính phủ từ chức." Hơn 250 người biểu tình đã bị bắt
giữ vì tội "biểu tình trái phép."
Trước những tranh cãi và chỉ trích của dư luận trong nước, Trung tâm
Thông tin và hỗ trợ quyết định, một cơ quan trực thuộc Chính phủ Ai Cập,
đã công bố các tài liệu chứng minh rằng đảo Tiran và Sanafir thuộc chủ
quyền của Saudi Arabia, bao gồm Nghị định Tổng thống 1990 (trong đó nêu
rõ hai đảo này nằm ngoài biên giới Ai Cập), các công hàm năm 1988 và
1989 giữa Bộ Ngoại giao Ai Cập và Bộ Ngoại giao Saudi Arabia, cũng như
bản đồ Liên hợp quốc từ tháng 11/1973.
Theo cơ quan này, hai nước không có tranh chấp liên quan đến đảo Tiran
và Sanafir, mà chúng vốn dĩ thuộc lãnh thổ của Saudi Arabia về mặt lịch
sử nhưng được giao cho Ai Cập kiểm soát vào năm 1950 trong bối cảnh leo
thang xung đột với Israel.
Năm 1967, Israel đã chiếm hai hòn đảo này và sau đó trả lại cho Ai Cập
theo một hiệp định hòa bình năm 1979. Từ đó tới nay, Cairo tiếp tục quản
lý chúng.
Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi cũng đã triệu tập một cuộc họp
với đại diện của 19 đảng phái chính trị, người đứng đầu các tổ chức
chính trị-xã hội, tổ chức nhân quyền và giới truyền thông để giải thích
đồng thời tuyên bố rằng đảo Tiran và Sanafir thuộc chủ quyền của Saudi
Arabia, dựa trên các tài liệu chính thức.
Ông nhấn mạnh thỏa thuận trao hai đảo cho Saudi Arabia sẽ do quốc hội
quyết định. Nhiều nghị sĩ quốc hội cũng cho rằng đây chỉ là thỏa thuận
mang tính kỹ thuật, do đó nó không cần phải được đưa ra trưng cầu dân ý.
Việc chính quyền Cairo nhất trí trao trả hai đảo trên Biển Đỏ cho Saudi
Arabia vào thời điểm hiện nay là vấn đề hết sức nhạy cảm, trong bối cảnh
đương kim Tổng thống El-Sisi đang phải đối mặt với nhiều vấn đề ở trong
nước.
Tuy nhiên, giới quan sát khu vực nhận định, động thái mới nhất của Cairo
được đưa ra "đúng lúc" nhằm củng cố mối quan hệ đồng minh khu vực đặc
biệt với Riyadh và thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trên tất cả các lĩnh
vực, đăc biệt là kinh tế khi mà đất nước Kim Tự Tháp đang thiếu vốn đầu
tư trầm trọng nhằm thúc đẩy nền kinh tế vốn đang èo uột sau nhiều năm
bất ổn.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 16/4, một tòa án Cairo đã ra lệnh
thả 25 người biểu tình bị bắt giữ hôm 15/4 trong cuộc biểu tình phản đối
quyết định của Chính phủ Ai Cập trao hai đảo Tiran và Sanafir trên Biển
Đỏ cho Saudi Arabia.
Các bị cáo phải đối mặt với các cáo buộc, trong đó có "biểu tình không
có giấy phép" - một hành vi phạm tội bị phạt tù theo luật biểu tình mới
được thông qua.
Tuy nhiên, một nguồn tin tư pháp cho biết những người biểu tình đã được
trả tự do mà không phải chịu bất cứ một hình phạt nào. Đây được xem là
một động thái nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của dân chúng, sau quyết định của
Chính phủ Ai Cập trao trả hai hòn đảo cho quốc gia láng giềng Saudi
Arabia./.
(TTXVN)