Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 12/8/2021 8:42'(GMT+7)

Lan tỏa các mô hình văn hóa tại khu dân cư, tổ dân phố ở Hà Nội

Phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy được biết đến là nơi có nhiều điểm sáng trong xây dựng đời sống văn hóa với các hoạt động như tổ chức Tháng đi bộ truyền thống, mô hình Cầu thang văn hóa...

Phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy được biết đến là nơi có nhiều điểm sáng trong xây dựng đời sống văn hóa với các hoạt động như tổ chức Tháng đi bộ truyền thống, mô hình Cầu thang văn hóa...

Phường văn hóa, Cầu thang văn hóa, Tổ dân phố "5 không"… là những mô hình văn hóa tiêu biểu, xuất hiện ngày càng nhiều tại Hà Nội.

Các mô hình văn hóa này đang ngày càng lan tỏa trong các khu dân cư, tổ dân phố, các phường, xã, có tác động tích cực, làm phong phú đời sống văn hóa người dân Thủ đô, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

NHỮNG MÔ HÌNH HAY

Phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy được biết đến là nơi có nhiều điểm sáng trong xây dựng đời sống văn hóa với các hoạt động như tổ chức Tháng đi bộ truyền thống, mô hình Cầu thang văn hóa, Câu lạc bộ thơ Hương Xuân, Xây dựng gia đình học tập...

Đặc biệt, mô hình cầu thang văn hóa tại các khu tập thể đang trở thành phong trào đẹp trên địa bàn phường. Tại đây, cư dân tổ chức thành điểm sinh hoạt văn hóa hấp dẫn với thư viện thu nhỏ có các loại sách, báo; niêm yết các quy định của các hộ dân. Nơi này cũng là không gian giao lưu văn hóa, chia sẻ tình cảm, giúp cư dân khu tập thể thêm gần gũi, gắn kết.

Bà Trịnh Thị Hồng, cư dân khu tập thể Nghĩa Tân, phấn khởi cho biết dù hạ tầng phường Nghĩa Tân chật chội nhưng việc đầu tư các thiết kế văn hóa và xây dựng các mô hình văn hóa được mọi người quan tâm. Mô hình cầu thang văn hóa trở thành niềm tự hào của cư dân các khu tập thể Nghĩa Tân.

Cùng với mô hình cầu thang văn hóa, các mô hình văn hóa khác được người dân Nghĩa Tân tích cực hưởng ứng, thực hiện tốt phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Hằng năm, toàn phường có từ 92-95% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.

Tại quận Tây Hồ, xác định việc xây dựng phường văn hóa, phường đạt chuẩn văn minh đô thị là cơ sở để xây dựng môi trường, nếp sống văn hóa, Ủy ban Nhân dân quận đã xây dựng đề án “Xây dựng phường văn hóa, phường đạt chuẩn văn minh đô thị giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn quận Tây Hồ."

Hiện nay, toàn quận có 5 phường đạt danh hiệu phường văn hóa là phường Quảng An, Nhật Tân, Phú Thượng, Xuân La, Bưởi; 3 phường còn lại đang hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận.

Thông qua mô hình này, môi trường văn hóa đã từng bước được cải thiện; cảnh quan môi trường đô thị trên địa bàn quận ngày càng khang trang, sạch đẹp; các thiết chế văn hóa, hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư xây dựng.

Theo bà Chu Thị Minh Tân, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Tây Hồ, quận phấn đấu đến hết năm 2025 có thêm 3 phường đạt danh hiệu phường văn hóa và 2 phường đạt danh hiệu Phường đạt chuẩn văn minh đô thị.

Việc tổ chức thực hiện mô hình Tổ dân phố văn hóa “5 không” (không rác; không có vi phạm pháp luật; không để xảy ra trường hợp cháy nổ; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; không vi phạm trật tự xây dựng) trên địa bàn quận Thanh Xuân, đã phát huy được hiệu quả tích cực.

Cán bộ, đảng viên, hội viên gương mẫu đi đầu thực hiện, các hộ dân hưởng ứng tham gia, cùng nhau xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp, văn minh. Nhiều phường thực hiện Tổ dân phố “5 không” với nhiều cách làm hay, thiết thực như phường Khương Trung, Thanh Xuân Nam, Kim Giang, qua đó các tổ dân phố tổ chức chỉnh trang lại các bờ tường bong tróc, sơn toàn tuyến, vẽ tranh bích họa, xây dựng nhiều đoạn đường nở hoa, nhiều khu vực trước đây là nơi tập kết rác nay trở thành góc trưng bày cây cảnh và hoa…

Trong phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, trên địa bàn Hà Nội ngày càng xuất hiện nhiều mô hình văn hóa hay. Tất cả các mô hình này đều xuất phát từ chính thực tiễn cuộc sống, không chỉ góp phần làm cho khu dân cư nền nếp, văn minh hơn mà còn giúp người dân nâng cao ý thức về lợi ích chung của cộng đồng.

LAN TOẢ GIÁ TRỊ VĂN HOÁ

Từ những mô hình văn hóa tiêu biểu, các địa phương cũng nhân rộng mô hình này nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa. Từ một mô hình cầu thang văn hóa đầu tiên, các khu tập thể Nghĩa Tân đã nhân lên 80 mô hình tương tự.

Từ hiệu quả của mô hình Liên gia tự quản ở phường Việt Hưng, quận Long Biên, đã triển khai rộng rãi tới tất cả các phường trên địa bàn. Mô hình Tổ dân phố “5 không” đang được nhân rộng ở các tổ dân phố trên địa bàn quận Thanh Xuân…

Lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin quận Thanh Xuân cho biết 11 phường trên địa bàn quận đã triển khai kế hoạch đến từng khu dân cư, tổ dân phố đăng ký xây dựng Tổ dân phố văn hóa “5 không."

Song song với đó, các khu dân cư, tổ dân phố cũng thay đổi hình thức, biểu ngữ tuyên truyền để tác động tích cực đến ý thức người dân như: “Xin đừng vứt rác nơi công cộng," "Chung tay cùng cộng đồng hãy bảo vệ môi trường-thu, gom rác đúng nơi quy định”… đồng thời tổ chức ký cam kết các nội dung thực hiện Tổ dân phố văn hóa “5 không” đến từng hộ của các tổ dân phố đăng ký; niêm yết công khai nội dung các tiêu chí xây dựng Tổ dân phố văn hóa “5 không” tại các nhà sinh hoạt cộng đồng, bảng tin các khu dân cư, tổ dân phố, với trên 200 pano treo dán tại các tổ dân phố, gần 600 tờ rơi...

Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021-2025, đã đề cập đến việc xây dựng mô hình ở mỗi cơ quan, công sở, trường học, cộng đồng dân cư, trong đó, nhấn mạnh việc xây dựng các mô hình văn hóa tiêu biểu về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, gắn với thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng; đồng thời phát huy năng lực tự tổ chức đời sống văn hóa ở thôn, tổ dân phố; xây dựng các mô hình câu lạc bộ văn hóa thể thao cơ sở.

Các mô hình văn hóa đã chứng minh tính hiệu quả trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư, cải thiện bộ mặt địa phương. Việc tích cực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở của các địa phương tại Hà Nội cho thấy công tác tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa cơ sở đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Do đó, người dân phấn khởi tham gia với ý thức trách nhiệm cao, góp phần cải thiện đời sống văn hóa tinh thần trong cộng đồng.

Qua việc xây dựng các mô hình văn hóa trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, có thể hiểu các địa phương lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho người dân, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống, vào từng người, từng gia đình và cộng đồng dân cư.

Cũng từ đó, các địa phương huy động mọi nguồn lực tham gia hoạt động, sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa; phát huy nội lực, tiềm năng của cơ sở, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân./.

Đinh Thuận (TTXVN/Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất