Để du lịch cộng đồng Quảng Nam trở thành một hướng phát triển mới nhằm kết
nối các giá trị văn hóa để tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch có giá trị cao, không
chỉ có sự đóng góp của cộng đồng mà đòi hỏi phải có sự vào cuộc một cách quyết
liệt của các cấp chính quyền, nhất là của những người làm du lịch.
Dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền tỉnh Quảng
Nam” do Chính phủ Luxembourg tài trợ và các đối tác gồm Tổ chức Lao động quốc tế
(ILO) cùng các Sở, Hội đoàn thể trên địa bàn tỉnh Quảng Nam như Văn hóa-Thể thao
và Du lịch, Lao động-Thương binh và Xã hội, Công thương, Hiệp hội du lịch và các
địa phương thực hiện từ tháng 6/2011.
Dự án đã thành công bước đầu trong việc giới thiệu và xây dựng một phương
pháp tiếp cận mới nhằm phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, khai thác tiềm năng
du lịch, hướng đến giảm nghèo bền vững thông qua việc tạo việc làm tại chỗ cho
người dân trong vùng dự án.
Một trong ba hợp phần quan trọng nhất của dự án này là phát triển chuỗi
giá trị nhằm quảng bá các điểm du lịch sâu trong đất liền, du lịch sinh thái,
phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa vật thể và phi vật thể trên cơ sở dựa
vào tiềm năng của cộng đồng để làm du lịch nhằm hướng tới mục tiêu tạo việc làm
ổn định và giảm nghèo bền vững.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Điều phối viên quốc gia dự án “Tăng cường hoạt động
du lịch tại các huyện sâu trong đất liền tỉnh Quảng Nam” (SIT/ILO) cho biết dự
án nhằm giảm nghèo thông qua các hoạt động tạo việc làm bền vững cho các đối
tượng trong cộng đồng, nhất là phụ nữ và thanh niên.
Với phương pháp tiếp cận có sự tham gia toàn diện của cộng đồng, dự án đã
và đang tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển và thực hiện một chương trình thống
nhất vì mục đích giảm nghèo, có tính đến những vấn đề bình đẳng giới trong sự
phát triển của doanh nghiệp họat động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành. Do vậy,
sự phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, phát triển và quảng bá sản phẩm du lịch
sinh thái, du lịch văn hóa vật thể và phi vật thể, hướng cộng đồng vào sự phát
triển bền vững là ưu tiên hàng đầu của dự án.
Sau hai năm thực hiện, Dự án trên đã để lại dấu ấn tích cực trong cộng
đồng các dân tộc ở vùng sâu tỉnh Quảng Nam. Tiêu biểu là mô hình phát triển du
lịch ở hai làng Bhơ Hồông, thuộc xã Sông Kôn và làng Đhrôồng, thuộc xã Ta Lu,
huyện Đông Giang, nơi sinh sống của đồng dân tộc Cơ Tu.
Làng Bhơ Hồông và Đhrôồng nằm giữa khung cảnh hoang sơ và hùng vĩ của đại
ngàn, cách trung tâm du lịch phố cổ Hội An khoảng 80km, nằm trên tuyến đường
chính nối thành phố Đà Nẵng với các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam và nằm trên
tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Ở làng Bhơ Hồông và Đhrôồng, các sản phẩm dệt thổ cẩm nổi tiếng gắn với nụ
cười thân thiện, mến khách của đồng bào, với tiềm năng về phát triển du lịch
sinh thái, du lịch văn hóa đã được các đối tác của Dự án và các công ty lữ hành
du lịch phát hiện và đánh giá cao.
Để thực hiện dự án, tất cả các yếu tố cần thiết về làng du lịch dựa vào
cộng đồng như các ban quản lý, các tổ dịch vụ, các đối tác bên ngoài, các loại
hình nghệ thuật về bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc đều đã được
khôi phục và xác lập tại hai làng Bhơ Hồông và Đhrôồng. Người dân ở đây là người
được hưởng lợi trực tiếp từ dự án, được lựa chọn để tham gia vào từng phần việc
cụ thể và được tập huấn kỹ năng để tham gia mô hình du lịch dựa vào cộng đồng.
Các kỹ năng phục vụ như giao tiếp với du khách, các khóa đào tạo dịch vụ
ẩm thực cho du khách nghỉ ngơi ở làng, các khóa đào tạo về hướng dẫn viên du
lịch tại địa phương đã được tổ chức. Những câu chuyện dân gian, các loại hình âm
nhạc, nghệ thuật truyền thống... đã được khơi dậy và được tổ chức một cách hợp
lý để cung cấp cho đồng bào nhằm phục vụ du khách một cách tốt nhất.
Hiện, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam còn xúc tiến chương trình xây dựng
thương hiệu cho tuyến đường mòn Hồ Chí Minh. Hy vọng cung đường huyền thoại này
cộng với những nét văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Cơ Tu sẽ góp phần
làm phong phú thêm các gói sản phẩm cho làng du lịch Bhơ Hồông và Đhrôồng.
Ông Đinh Hài, Gíam đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Quảng Nam, Phó
Trưởng ban chỉ đạo Dự án nhận xét du lịch cộng đồng với việc tạo ra các gói sản
phẩm như cung cấp dịch vụ lưu trú tại nhà đồng bào, cung cấp dịch vụ đa dạng với
các sản phẩm truyền thống, hướng dẫn tham quan, du lịch và các họat động vui
chơi giải trí cũng như đáp ứng nhu cầu thưởng thức các loại hình văn hóa nghệ
thuật truyền thống, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể... cho du khách
là những thế mạnh đang bắt đầu được phát huy tại làng du lịch Bhơ Hồông và
Đhrôồng.
Tuy nhiên, tất cả các hoạt động trên mới chỉ dừng lại trong phạm vi tổ
chức làng. Mô hình sẽ gặp không ít khó khăn trong việc nhân rộng ra các vùng
khác.
Để du lịch cộng đồng Quảng Nam trở thành một hướng phát triển mới nhằm kết
nối các giá trị văn hóa để tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch có giá trị cao, không
chỉ có sự đóng góp của cộng đồng mà đòi hỏi phải có sự vào cuộc một cách quyết
liệt của các cấp chính quyền, nhất là của những người làm du lịch.
Làng du lịch dựa vào cộng đồng Bhơ Hồông và Đhrôồng đang rất cần sự hợp
tác chặt chẽ hơn nữa với các doanh nghiệp du lịch lữ hành trong việc kết nối với
thị trường rộng lớn bên ngoài./.
Đoàn Hữu Trung (TTXVN)