Các số liệu trên vừa được Bộ Tài chính thông báo ngày 9/7 trong báo cáo về tình hình
trích lập, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đến thời điểm
tháng 6/2013.
Cụ thể hơn, trong thống kê với 12 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phát
sinh trích lập, sử dụng quỹ bình ổn, có 7 doanh nghiệp hiện có số dư.
Trong đó, số tồn quỹ tính tới hết tháng 6/2013 lớn nhất là Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) số tiền hơn 201 tỷ đồng.
Đứng ở vị trí thứ hai là Tổng công ty Xăng dầu quân đội với số tiền tồn quỹ bình ổn xăng dầu khoảng trên 179 tỷ đồng.
Trong khi đó, danh sách thống kê tới 30/6 của những đơn vị đang âm quỹ
đứng đầu là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) với số tiền âm trên 218 tỷ
đồng. Tổng công ty Kỹ thuật và Đầu tư cũng có con số hụt quỹ khá lớn
khi âm khoảng hơn 146 tỷ đồng.
Tổng quan hơn, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, từ năm 2009 tới nay,
tại các thời điểm cuối năm, quỹ bình ổn giá xăng dầu đều có số tồn quỹ
dương.
Trong đó, số dư quỹ lớn nhất là năm 2010 với số tiền trên 1.801 tỷ đồng
(tính tới 31/12/2010). Một năm sau đó, quỹ bình ổn xăng dầu vẫn dư ở mức
cao là trên 1.581 tỷ đồng.
Con số này giảm dần trong thời gian tiếp theo khi lùi về mức gần 740 tỷ
đồng tính tới hết năm 2012 và hiện chỉ còn hơn 55,4 tỷ đồng.
Đưa ra đánh giá chung, Bộ Tài chính cho rằng từ năm 2010 đến nay, nếu
không có công cụ quỹ bình ổn thì giá xăng dầu trong nước có thể tăng giá
cao hơn và tần suất tăng giá cũng nhiều lần hơn.
"Ngay trong những tháng đầu năm 2013, nếu không có công cụ quỹ bình ổn
thì giá xăng dầu trong nước đã phải tăng ngay từ những ngày đầu năm, đặc
biệt trước và sau Tết Nguyên đán đã phải tăng giá xăng dầu ở mức cao,
có thể lên mức 2.000 đồng/lít xăng tại thời điểm ngày 26/2/2013," Bộ Tài
chính nhận định.
Tuy nhiên, ngành tài chính cũng nhắc lại việc sau một thời gian thực
hiện, hiện vẫn còn một số ý kiến khác nhau về quỹ bình ổn giá. Đây là
nội dung đang được Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì phối với với
các Bộ, ngành liên quan để xem xét, sửa đổi Nghị đinh 84/2009/NĐ-CP./.
Theo Vietnam+