Thứ Sáu, 20/9/2024
Đời sống
Thứ Hai, 10/2/2014 14:19'(GMT+7)

Lạng Sơn chủ động phòng, chống cúm A (H7N9)

Lực lượng Công an, Hải quan tỉnh Lạng Sơn phối hợp bắt giữ gia cầm vận chuyển trái phép.

Lực lượng Công an, Hải quan tỉnh Lạng Sơn phối hợp bắt giữ gia cầm vận chuyển trái phép.


Tối 9-2, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh Lạng Sơn Lý Kim Soi cho biết: Thực hiện Công điện của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm A (H7N9), UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan, UBND các cấp khẩn trương triển khai các hoạt động như: Sở Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh, chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu giám sát chặt chẽ các trường hợp người nhập cảnh đi từ vùng dịch vào Việt Nam. Sử dụng máy theo dõi thân nhiệt từ xa để phát hiện kịp thời hành khách có biểu hiện sốt, nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, tổ chức khám, cách ly và xử lý y tế theo quy định. Giám sát chặt chẽ các trường hợp người bệnh có hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng, người bệnh viêm phổi tại các cơ sở y tế và cộng đồng, nhất là các trường hợp mới trở về Việt Nam từ vùng dịch bệnh để theo dõi, chẩn đoán và xử lý kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh và điều trị cho người bệnh; chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; củng cố đội thường trực cơ động chống dịch để sẵn sàng tập trung điều tra, xử lý khi có yêu cầu; tổ chức tốt công tác trực dịch, trực cấp cứu, điều trị người bệnh và báo cáo kịp thời, đúng quy định về Bộ Y tế.

Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm như: Tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch, bệnh và sự lưu hành vi-rút cúm A (H7N9) trên các đàn gia cầm, khi phát hiện vi-rút cúm A (H7N9) trên các đàn gia cầm, tổ chức xử lý triệt để ổ dịch và thông báo kịp thời cho ngành y tế để triển khai các hoạt động phòng, chống lây lan sang người. Bên cạnh đó, Sở Công thương chủ trì và phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Hải quan, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường công tác quản lý thị trường, thực hiện điều tra ngăn chặn và thực hiện bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối.

Đối với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp các tổ chức đoàn thể tăng cường thông tin tuyên truyền cho nhân dân nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch cúm, đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm vi-rút cúm A (H7N9) gây tử vong cho người và lây lan cho đàn gia cầm trong nước; khuyến cáo người dân các biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh để sớm phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, vận động nhân dân giám sát, phát hiện và báo cáo với cơ quan chức năng về các đối tượng buôn bán, vận chuyển, kinh doanh trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm; chỉ đạo các lực lượng chức năng của huyện, thành phố xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh Lạng Sơn Lý Kim Soi cho biết thêm: Hiện, dịch cúm A (H7N9) đã xuất hiện ở một số tỉnh của Trung Quốc có vị trí gần với Việt Nam. Đây là địa bàn có số người Việt Nam và Trung Quốc đi du lịch, giao lưu thương mại và trao đổi hàng hóa lớn. Vì vậy, nguy cơ xâm nhập các trường hợp mắc cúm A (H7N9) vào Việt Nam là rất lớn. Trong khi đó, mỗi ngày có hơn một nghìn lượt khách qua lại các cửa khẩu như: Hữu Nghị (Đồng Đăng), Tân Thanh, Cốc Nam (Văn Lãng), Chi Ma (Lộc Bình)...

Trung tâm đã đặt các máy theo dõi thân nhiệt từ xa, cũng như cử đội ngũ y, bác sĩ trực kiểm soát dịch 24/24 giờ, trực cấp cứu, điều trị người bệnh và sẵn sàng công tác thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh tại chỗ. Mới đây nhất, Trung tâm đã thành lập phòng khám tạm thời tại các cửa khẩu, mỗi phòng khám có ba giường bệnh. Mục đích, khi phát hiện người có biểu hiện sốt, nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm đưa vào đó khám và cánh ly kịp thời. Khi có những nghi ngờ tiếp, sẽ dùng xe chuyên dụng chuyển người bệnh về khu vực Đồng Đăng, nơi được trang bị 20 giường bệnh với đầy đủ các phương tiện, thực hiện phương châm điều trị tại chỗ, cũng như tiến hành lấy mẫu chuyển về Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư làm xét nghiệm.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Củng cố đội hình thường trực cơ động chống dịch để sẵn sàng tổ chức điều tra, xử lý khi có yêu cầu. Phối hợp chặt chẽ các lực lượng chức năng cửa khẩu trong việc giám sát người, phương tiện, hàng hóa vào cửa khẩu, cũng như xử lý nghiêm minh các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, nhất là các chợ đầu mối. Ngoài ra, Trung tâm phối hợp với các đơn vị đóng trên địa bàn tăng cường công tác truyền thông đối với cộng đồng về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là cúm A (H7N9), trong đó tập trung vào một số nội dung như khuyến cáo người dân không sử dụng thực phẩm mất vệ sinh, không rõ nguồn gốc; không ăn tiết canh và sử dụng các sản phẩm chưa được chế biến hợp vệ sinh. Đồng thời, khi người dân có những biểu hiện sốt, ho, khó thở cần đến ngay các cơ sở y tế nơi gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời...

Phối hợp với các tổ chức quốc tế tăng cường các hoạt động giám sát

Cục Thú y phối hợp các tổ chức quốc tế, các dự án (FAO, VAHIP, CDC) triển khai các chương trình giám sát chủ động (chợ buôn bán gia cầm sống, gia cầm nhập lậu) phát hiện vi-rút cúm lưu hành và biến đổi của vi-rút. Trong đó, chương trình giám sát chợ buôn bán gia cầm sống của FAO đang được triển khai tại 44 tỉnh, thành phố trong cả nước với tổng số 147 chợ. Chương trình giám sát chợ và gà loại thải của Dự án VAHIP tiếp tục được triển khai tại 11 tỉnh thuộc dự án.

Chương trình triển khai giám sát vi-rút cúm A (H7N9) của FAO hiện đang tiếp tục thực hiện tại chín tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hưng Yên, Lạng Sơn, Hà Giang và Lào Cai. Chương trình giám sát vi-rút cúm A (H7N9) do Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) giúp đang được triển khai tại các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội) từ tháng 12-2013 đến tháng 2-2014, sẽ lấy 3.600 mẫu tại các chợ để xét nghiệm.

Ngăn chặn các chủng vi-rút cúm gia cầm nguy hiểm

Nhằm kịp thời cảnh báo và chủ động ngăn chặn các chủng vi-rút cúm A (H7N9, H10N8, H6N1...) xâm nhập vào nước ta, ngay trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, Cục Thú y đã cử tám đoàn công tác đi đến các tỉnh biên giới và các vùng chăn nuôi trọng điểm kiểm tra công tác triển khai thực hiện "Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép", đôn đốc các địa phương chủ động các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm trên gia cầm sống tại các chợ, các cơ sở giết mổ, gia cầm nhập lậu bị bắt giữ trước khi xử lý nhằm giám sát sự xuất hiện các chủng vi-rút mới trên gia cầm. Hiện, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm, Cục Thú y phối hợp ngành y tế cũng đang khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động khẩn cấp ứng phó đối với các chủng vi-rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.

(Theo Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất