(TG)-Những năm qua, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chú trọng triển khai thực hiện Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg, ngày 21/9/2000 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân vận tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn gắn với thực hành dân chủ trong cơ quan, đơn vị; công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành công việc, tạo mọi điều kiện để nhân dân tham gia giám sát các hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan.
Công tác cải cách hành chính được tăng cường, trọng tâm là nâng cao chất lượng công tác tham mưu tổng hợp của các cấp, ngành và trách nhiệm của người đứng đầu, chấp hành kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị; thường xuyên thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị. Tiếp tục thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; tập trung xử lý các vụ việc phức tạp.
Công tác tiếp công dân được duy trì thường xuyên, trọng tâm là nâng cao chất lượng phục vụ, giải quyết kịp thời các yêu cầu của tổ chức, công dân theo cơ chế một cửa, bộ phận “Tiếp nhận và trả kết quả” của các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn đều thực hiện đúng trình tự, thủ tục, thời gian theo quy định của pháp luật; Ban thanh tra nhân dân các xã, phường, thị trấn thường xuyên được kiện toàn và duy trì hoạt động, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ. Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập được ban thanh tra nhân dân; ban giám sát đầu tư của cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn duy trì hoạt động đúng theo quy định...
Các cấp ủy đảng, chính quyền nghiêm túc thực hiện sự phân công lãnh đạo phụ trách công tác dân vận theo Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị: phân công đồng chí phó bí thư thường trực đảng ủy phụ trách công tác dân vận của Đảng, chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp phụ trách công tác dân vận chính quyền, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách các đơn vị; lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành phụ trách công tác dân vận ở cơ quan, đơn vị mình (Đến nay 100% các sở, ban, ngành của tỉnh; các huyện, thành phố; các xã, phường, thị trấn; các tổ chức cơ sở đảng đều phân công lãnh đạo phụ trách công tác dân vận). Việc phân công lãnh đạo các cơ quan nhà nước các cấp phụ trách công tác dân vận bảo đảm đúng thẩm quyền, trình độ, năng lực công tác, tạo sự đồng thuận trong chỉ đạo, điều hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, quản lý của các cơ quan nhà nước.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp với cơ quan chính quyền các cấp tuyên truyền đến các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; hướng dẫn các cơ quan chính quyền tuyên truyền triển khai thực hiện Nghị định số 71/1998/NĐ-CP, ngày 08/9/1998 về ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan và Nghị định số 04/NĐ-CP, ngày 09/01/2015 về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Hướng dẫn các cơ quan, ban, ngành liên quan và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tuyên truyền thực hiện Nghị định số 07/2007/NĐ-CP, ngày 13/01/1999 về ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước, Nghị định số 87/2007/NĐ-CP, ngày 28/5/2007 ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, Nghị định số 60/2013/NĐ-CP, ngày 04/7/2013 Quy định chi tiết Khoản 3, Điều 63 của Bộ Luật Lao động về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia giám sát, phản biện xã hội trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước... Qua đó đã góp phần nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
Công tác dân vận chính quyền và việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền ở cơ sở, tạo mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và chính quyền ngày càng gắn bó, đoàn kết, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới, phát huy quyền làm chủ và sự sáng tạo của nhân dân trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự an ninh, chính trị tại địa bàn./.
Nguyễn Đức Luận
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn