Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 16/6/2016 16:13'(GMT+7)

Lạng Sơn: Tăng cường xúc tiến đầu tư

Cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng tích cực, vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp và người dân tăng đều qua các năm, cơ cấu ngành nghề đầu tư theo đúng định hướng thu hút của tỉnh. Một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty đã thực hiện đầu tư tại tỉnh Lạng Sơn. 

Thứ nhất, về kết quả thu hút vốn đầu tư 

Trong 5 năm, có 1.120 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn điều lệ đăng ký trên 5.460 tỷ đồng; đến hết năm 2015, toàn tỉnh có khoảng 1.850 doanh nghiệp đăng ký, tổng nguồn vốn kinh doanh trên 11.000 tỷ đồng; có 350 chi nhánh và 100 văn phòng đại diện của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký hoạt động. Các doanh nghiệp duy trì việc làm cho trên 24.600 lao động với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng.  

Đến hết năm 2015, đã hoàn thành công tác cổ phần hóa 2 doanh nghiệp (hiện toàn tỉnh còn 04 doanh nghiệp có vốn nhà nước là: Công ty cổ phần Cấp thoát nước, Nhà nước nắm giữ 95,05% vốn điều lệ; Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng giao thông 73,34% vốn điều lệ; Công ty cổ phần Chợ Lạng Sơn 71,09% vốn điều lệ; Công ty cổ phần Xi măng Lạng Sơn 43,55% vốn điều lệ). Đã hoàn thành công tác chuyển giao 2 doanh nghiệp lâm nghiệp về Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam. Tổng nguồn vốn huy động của doanh nghiệp trong nước và nhân dân đạt 29.300 tỷ đồng. Đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư 113 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực đầu tư công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ lệ cao, tiếp đến lĩnh vực dịch vụ, thương mại, hạ tầng và các lĩnh vực khác. Đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án với số vốn đăng ký hơn 8,8 triệu USD, tương đương 185 tỷ đồng. Lũy kế đến cuối 2015 có tổng số 32 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 225 triệu USD. Số vốn thực hiện trong 5 năm ước đạt 27 triệu USD, tương đương 568 tỷ đồng, lũy kế đến hết năm 2015 đạt khoảng 90 triệu USD. 

Tổng vốn ODA và các vốn vay ưu đãi khác là 3.238 tỷ đồng. Đã thực hiện 9 dự án ODA, giải ngân hơn 1.729 tỷ đồng (vốn ODA 1.211 tỷ đồng, vốn đối ứng 518 tỷ đồng). Trong đó có 2 dự án tương đối lớn: Dự án phát triển toàn diện kinh tế - xã hội đô thị Hưng Yên - Việt Trì - Đồng Đăng, tổng mức đầu tư 672,6 tỷ đồng và Dự án hệ thống thoát nước, xử lý nước thải thành phố Lạng Sơn giai đoạn 1, tổng mức đầu tư 498,5 tỷ đồng. Hầu hết vốn ODA đều tập trung đầu tư cho các dự án thuộc lĩnh vực giao thông, phát triển nông nghiệp và nông thôn, thuỷ lợi, lâm nghiệp kết hợp xoá đói, giảm nghèo, cấp thoát nước, y tế, giáo dục… và được hỗ trợ từ các nhà tài trợ quốc tế như: WB (Ngân hàng Thế giới), ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á), JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản), KfW (Ngân hàng Tái thiết Đức). Các dự án ODA được thực hiện đều đạt chất lượng tốt, tuân thủ đúng quy trình, thủ tục theo quy định. 

Trong năm 2015, dự án đường đến trung tâm xã Tân Yên, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn đã được Chính phủ ký Hiệp định vốn vay từ Quỹ phát triển Ả rập Xê út 216.054,42 triệu đồng (tương đương 9,6 triệu USD) trên tổng mức đầu tư 414.410,25 triệu đồng (tương đương 18,975 triệu USD); dự án Phát triển toàn diện tiểu vùng Đông Bắc Việt Nam, gồm 4 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn và Hà Giang được cam kết từ ADB hỗ trợ 205 tỷ đồng vốn vay ODA với tổng vốn cam kết khoảng 170 triệu USD; trong đó Lạng Sơn đăng ký danh mục 03 công trình giao thông trọng yếu, 01 dự án Hỗ trợ chuỗi tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp tại các huyện, xã đặc biệt khó khăn. Đồng thời, đang vận động nguồn vốn ODA cho dự án Khu hợp tác kinh tế biên giới trong nguồn vốn hỗ trợ của ADB cho phát triển tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS).

Công tác vận động, quản lý, sử dụng nguồn viện trợ nước ngoài (NGO) đạt được một số kết quả nhất định. Trong 05 năm, tỉnh tiếp nhận 18 dự án phi Chính phủ với tổng vốn 2,26 triệu USD và 21 khoản viện trợ phi dự án, tổng giá trị tài trợ 191.000 USD. Các dự án tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống cho người dân. Qua theo dõi và quản lý, các tổ chức phi Chính phủ hoạt động trên địa bàn tỉnh đều tuân thủ đúng quy chế hoạt động của các tổ chức phi Chính phủ. 

Thu hút dự án đầu tư theo ngành, lĩnh vực, địa bàn 


Thực hiện chính sách thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, các lĩnh vực sản xuất công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, trồng trọt - chăn nuôi đã được nhiều nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu, đầu tư. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 117 dự án mới với tổng số vốn đầu tư khoảng 9.151 tỷ đồng, trong đó: 63 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, tổng vốn 3.500 tỷ đồng; 36 dự án thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tổng vốn 1.300 tỷ đồng; 9 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tổng vốn 4.351 tỷ đồng; 9 dự án thuộc lĩnh vực khác.

Đối với các dự án thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp - xây dựng: Trong tổng số 63 dự án, chủ yếu là dự án khai thác, chế biến đá vôi làm vật liệu thông thường (34 dự án, chiếm 54 %); 15 dự án sản xuất gạch, xi măng, chế biến quặng; 08 dự án chế biến gỗ, nhựa thông và 6 dự án xử lý rác thải, môi trường. Phần lớn các dự án có quy mô nhỏ, tổng mức đầu tư thấp, trung bình (từ 20 - 30 tỷ đồng/dự án). Một số dự án có quy mô khá lớn như: Dự án đầu tư, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt sử dụng lò đốt bằng không khí tự nhiên SANKYO NFI-05 có tổng mức đầu tư 39,5 tỷ đồng của Công ty TNHH Thành Linh; dự án Nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao có tổng mức đầu tư 564 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sao Bắc Việt. 

Đối với các dự án lĩnh vực thương mại, dịch vụ: Chủ yếu là các dự án xây dựng chợ tại trung tâm thị trấn; bãi đỗ xe tại các cửa khẩu (Chi Ma, Bình Nghi, Tân Thanh, Hữu nghị...); dự án khách sạn, trung tâm thương mại… Tổng vốn đầu tư trung bình khoảng 50 tỷ đồng/dự án. Một số dự án có tổng mức đầu tư khá lớn như: Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp Trung tâm thương mại, khách sạn và nhà phố Shop-House của Tập đoàn Vingroup: 805 tỷ đồng; dự án Khu thương mại dịch vụ tổng hợp Hiền Tuyết, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn của Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại Hiền Tuyết: 45 tỷ đồng; dự án Bến bãi, kho hàng, dịch vụ thương mại cửa khẩu Bình Nghi của Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch quốc tế Thiên Trường: 74 tỷ đồng.

Đối với các dự án lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn: Chủ yếu tập trung vào các dự án trồng rừng. Trong năm 2015 đã có một số nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi lợn và chăn nuôi bò (02 dự án chăn nuôi bò, 02 dự án chăn nuôi lợn) với quy mô khá lớn, điển hình: Dự án đầu tư Trung tâm chăn nuôi bò giống cao sản nhập ngoại và chủ động nguồn nguyên liệu cho chăn nuôi gia súc tại huyện Đình Lập của Công ty cổ phần Kinh doanh bò thịt Việt Nam (VBBC): 3.951 tỷ đồng; dự án Trang trại chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt huyện Tràng Định của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng giao thông Cửa Đông: 45 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng khu chăn nuôi lợn tập trung công nghệ an toàn sinh học tại huyện Chi Lăng của Công ty cổ phần Phát triển chăn nuôi Hòa Phát: 43 tỷ đồng.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, các nhà đầu tư đã khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng, ổn định tổ chức, đưa dự án vào hoạt động theo tiến độ đã đăng ký. Một số dự án đầu tư đã hoàn thành, đi vào hoạt động ổn định như: Dự án Bến xe trung chuyển khách quốc tế và bãi tập kết kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị; Trang trại chăn nuôi lợn nái sinh sản tại huyện Cao Lộc; một số dự án đang tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng như: Dự án nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao tại huyện Hữu Lũng; dự án Trung tâm thương mại - Chợ Đồng Đăng, dự án Thuỷ điện Thác Xăng. Một số dự án khác đã có chủ trương đầu tư đang khẩn trương tiến hành các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường như: Tổ hợp Trung tâm thương mại, khách sạn và nhà phố Shop-House; Dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao; Dự án chăn nuôi bò thịt và một số dự án bến, bãi đỗ xe. 

Các dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong giai đoạn 2011 - 2015 cơ bản phù hợp với cơ chế thu hút đầu tư của tỉnh theo lĩnh vực ngành kinh tế, theo đối tượng, địa bàn. Đã có các dự án chế biến lâm sản công nghệ cao được đầu tư, quan tâm tạo điều kiện thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn: Dự án xây dựng bến bãi, trung tâm thương mại, chăn nuôi; kêu gọi được một số nhà đầu tư có tiềm năng, thực lực tham gia đầu tư như: Tập Đoàn Vingroup; Công ty cổ phần Kinh doanh bò thịt Việt Nam; Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát. Việc thu hút, lựa chọn địa bàn đầu tư phù hợp với lĩnh vực đầu tư: Lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt giới thiệu đầu tư tập trung vào khu vực nông thôn, có khí hậu, điều kiện tự nhiên phù hợp nhằm tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm công nghệ cao, đồng thời, tạo thêm việc làm cho lao động khu vực nông thôn. Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ được đầu tư chủ yếu tại khu vực thành phố, trung tâm thị trấn, các khu vực cửa khẩu; một số huyện có vị trí địa lý thuận lợi, có tiềm năng phát triển, thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện như: Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình, Bắc Sơn, Hữu Lũng, Chi Lăng. 

Kết quả đầu tư từ các nguồn lực xã hội góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hằng năm, bổ sung kết cấu hạ tầng, hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Kết quả thu hút vốn cơ bản đạt mục tiêu về tổng vốn, cơ cấu ngành nghề đầu tư theo đúng định hướng; góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. Tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư./.

Nguyễn Đức Luận 
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất