Đây là hội nghị công tác dư luận xã hội quy mô toàn quốc lần đầu tiên do Ban Tuyên giáo Trung ương và Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương phối hợp tổ chức.
Dự hội nghị có lãnh đạo, cán bộ làm công tác dư luận xã hội, cộng tác viên dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương và các đảng uỷ trực thuộc Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Văn Thể, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương nhấn mạnh ngay từ khi mới thành lập, Đảng đã coi việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý chí của nhân dân là một trong những công việc quan trọng hàng đầu nhằm đề ra các chủ trương, đường lối cách mạng. Công tác nghiên cứu dư luận xã hội được Đảng ta chú trọng và yêu cầu các cấp ủy phải coi đó là một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước từ Trung ương cho đến cơ sở sẽ khó trở thành hiện thực, khó đi vào cuộc sống nếu không thực sự quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
PHỤC VỤ HIỆU QUẢ CHO THAM MƯU LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO
Báo cáo tổng kết do Tiến sĩ Đỗ Thị Thanh Hà, Viện trưởng Viện Dư luận xã hội trình bày tại hội nghị nêu rõ: Năm 2022, Viện Dư luận xã hội đã phát hành 13 báo cáo nhanh, báo cáo chuyên đề tình hình dư luận xã hội. Trong đó, có 5 báo cáo nhanh gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tập trung vào những vấn đề, sự kiện “nóng” được dư luận quan tâm; 8 báo cáo chuyên đề, trong đó có 7 báo cáo phục vụ kỳ họp thứ 3 và kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV.
Viện Dư luận xã hội còn phối hợp với ban tuyên giáo các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương thực hiện 9 cuộc thăm dò dư luận xã hội. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận xã hội của Viện đã cung cấp số liệu định lượng cụ thể, khoa học, có giá trị đối với Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, địa phương và ngành Tuyên giáo. Nhiều cuộc điều tra phục vụ thiết thực các Hội nghị Trung ương 5, 6, 7 khóa XIII (khi Trung ương bàn thảo và quyết định về những vấn đề quan trọng như: việc quản lý và sử dụng đất; về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị trong tình hình mới; về xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức…).
Với thông tin khoa học, chính xác, nhiều báo cáo nhận được phản hồi tích cực từ các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, coi đây là tài liệu tham khảo quan trọng, đáng tin cậy trong lãnh đạo, chỉ đạo, thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội.
Năm 2022, Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy trên cả nước đã thực hiện 125 cuộc điều tra, thăm dò dư luận xã hội. Đáng chú ý, một số địa phương đã thực hiện trên 5 cuộc thăm dò dư luận xã hội như: Thành phố Hồ Chí Minh (thực hiện 13 cuộc điều tra), Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ…. Nội dung và chủ đề điều tra dư luận ở các địa phương khá đa dạng, tập trung vào những vấn đề nóng của địa phương, các đề án, chương trình lớn của tỉnh, thành phố.
Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy và một số cơ quan, đơn vị Trung ương đã phát hành 1175 báo cáo tình hình dư luận xã hội. Trong đó, nhiều tỉnh, thành phố có báo cáo nhanh dư luận xã hội chất lượng tốt, phản ánh trúng những vấn đề dư luận trong đảng viên và nhân dân quan tâm.
Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã tập hợp hàng nghìn ý kiến phản ánh từ đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội trong Khối (với gần 200 nhóm vấn đề được cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong Khối các cơ quan Trung ương quan tâm); phát hành 30 báo cáo tình hình dư luận xã hội gửi Ban Thường vụ và Viện Dư luận xã hội. Công tác dư luận xã hội tiếp tục được đổi mới theo hướng tăng cường về cường độ nắm bắt thông tin (một tuần một báo cáo) và theo vấn đề, sự việc có địa chỉ cụ thể (phản ánh theo từng đảng bộ trực thuộc).
Cùng với nhiều kết quả nổi bật trên, báo cáo tổng kết cũng nêu một số yếu kém của công tác dư luận xã hội năm 2022. Đó là, việc theo dõi, tham mưu về công tác dư luận xã hội các cấp chưa tốt; ngại phản ánh những vấn đề nhạy cảm, “đụng chạm” liên quan đến cơ quan, đơn vị, địa phương; báo cáo nhanh dư luận xã hội của nhiều địa phương, ngành mới chỉ chú trọng phản ánh tình hình, chưa phân tích nguyên nhân sâu sa của những luồng ý kiến dư luận xã hội… Nguyên nhân của các yếu kém có việc nhận thức chưa đầy đủ của một số cấp uỷ, chính quyền về vị trí, vai trò của công tác dư luận xã hội. Vẫn còn tình trạng lãnh đạo né tránh những thông tin nhạy cảm, ảnh hưởng đến thành tích của địa phương, cơ quan, đơn vị. Tổ chức bộ máy làm công tác dư luận xã hội tại ban tuyên giáo các tỉnh, thành uỷ thiếu ổn định, thiếu thống nhất. Hiện chỉ có Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội có Phòng Dư luận xã hội. Sự phối hợp công tác dư luận xã hội trong hệ thống tuyên giáo chưa chặt chẽ.
NHIỀU CÁCH LÀM MỚI
Viện trưởng Viện Dư luận xã hội Đỗ Thị Thanh Hà đánh giá năm 2022 là năm công tác dư luận xã hội có nhiều đổi mới, sáng tạo. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được vận dụng đã đem lại kết quả tích cực trong thực tiễn: Tổ chức mạng lưới cộng tác viên theo cụm, theo nhóm ngành nghề; thành lập các nhóm (group) cộng tác viên trên mạng xã hội; lập các trang, tài khoản xã hội facebook, youtube để cung cấp thông tin định hướng, lan tỏa thông tin tích cực; tiếp thu, xác minh và giải quyết những vấn đề dư luận phản ánh, kiến nghị qua tổng đài tiếp nhận thông tin dư luận xã hội; phân công trách nhiệm quản lý, điều hành nắm bắt dư luận xã hội theo địa bàn đối với các đồng chí ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy; xây dựng quy trình dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, xử lý khủng hoảng truyền thông; thành lập tổ giúp việc tiếp nhận, xử lý thông tin báo chí, thông tin trên mạng xã hội để thông tin, định hướng dư luận xã hội; thành lập tổ điềutra dư luận xã hội; cộng tác viên dư luận xã hội kết hợp với bộ phận đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Nhiều địa phương tiếp tục phát huy cách làm hay như: xây dựng quy chế thông tin hai chiều; tổng đài tiếp nhận thông tin dư luận xã hội; tổ điều tra dư luận xã hội; phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xác minh, làm rõ và phản hồi lại những vấn đề dư luận phản ánh. Hình thức nắm bắt thông tin dư luận xã hội đa dạng, phong phú, kết hợp nhiều nguồn, nhiều kênh thông tin (mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội, phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, báo cáo từ các đơn vị, hội nghị giao ban dư luận, giao ban báo chí, hội nghị báo cáo viên, tiếp xúc trực tiếp với cơ sở).
TIẾP TỤC NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÔNG TÁC DƯ LUẬN XÃ HỘI
Kết luận và chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lại Xuân Môn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao công tác dư luận xã hội của ngành Tuyên giáo trong năm 2022 có những bước tiến, dấu ấn nổi bật, đóng góp quan trọng vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành và địa phương.
Phân tích những thuận lợi và khó khăn của tình hình trong nước và thế giới năm 2022 và dự báo năm 2023, đồng chí Lại Xuân Môn yêu cầu công tác dư luận xã hội cần tiếp tục chủ động, có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng nắm bắt, thăm dò dư luận.
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn nhấn mạnh Đảng đặc biệt coi trọng công tác dư luận xã hội, gắn liền với phương thức lãnh đạo của Đảng. Chỉ có nắm bắt kịp thời, đầy đủ và chính xác tâm tư, ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, mới có thể đề ra được các chủ trương, quyết sách hợp lòng dân, thúc đẩy sự phát triển mọi mặt trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước. Chính vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu trong năm 2023 là cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dư luận xã hội trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, để “ý Đảng” phù hợp với “lòng Dân”. Công tác dư luận xã hội của ngành Tuyên giáo phải chủ động, đóng vai trò quan trọng trong xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức.
Năm 2023 là năm bản lề nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, với nhiều sự kiện quan trọng: đánh giá kết quả hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII; lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Ban Chấp hành Trung ương bầu, các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn… Công tác dư luận xã hội phải tập trung bám sát các sự kiện chính trị quan trọng này, chủ động nắm bắt, phân tích, phản ánh khách quan, toàn diện dư luận của các giai tầng, dự báo tình hình, tình huống có khả năng phát sinh và đề xuất giải pháp định hướng dư luận xã hội. Công tác dư luận xã hội không thể đứng ngoài, mà phải thâm nhập sâu hơn nữa, rộng hơn nữa vào môi trường mạng xã hội, góp phần định hướng dư luận xã hội ngay trên không gian mạng.
Công tác dư luận xã hội phải bám sát thực tiễn. Phải nắm chắc tư tưởng, chính trị, diễn biến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; dư luận xã hội đối với cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu bản lĩnh chính trị, đấu tranh phê và tự phê bình yếu; tinh thần trách nhiệm, ý chí phấn đấu giảm sút; thiếu gương mẫu, sống thực dụng, suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Công tác dư luận xã hội phải đồng hành cùng cuộc sống thực tế của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân; chủ động nắm bắt thông tin về những điểm nóng, vấn đề nảy sinh, dự báo tình hình và xây dựng các kịch bản ứng phó.
Đồng chí Lại Xuân Môn cũng đề nghị chú trọng ứng dụng công nghệ trong nắm bắt và định hướng dư luận xã hội theo tinh thần Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII. Phải coi ứng dụng công nghệ trong nghiên cứu dư luận xã hội là khâu đột phá trong đổi mới phương thức công tác dư luận xã hội. Chuẩn bị các nội dung tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư khóa XI về “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội”. Trên cơ sở tổng kết, kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành văn bản mới, tạo cơ sở chính trị quan trọng để đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác dư luận xã hội đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
THÀNH LÊ