Thứ Hai, 20/5/2024

Lào Cai: Phong trào thi đua yêu nước là động lực của sự phát triển


Phát động, tổ chức thi đua, khen thưởng theo hướng trọng tâm, gắn chặt với các nhiệm vụ chính trị của tỉnh

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức của một tỉnh miền núi, biên giới, đông đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với việc coi trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị… trong những năm qua, việc thực hiện công tác thi đua khen thưởng đã được cả hệ thống chính trị tỉnh Lào Cai thực hiện với nhiều nội dung, giải pháp mang tính đột phá, vừa bảo đảm đúng quy định, hướng dẫn của trung ương, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương. Trong 5 năm qua, tỉnh Lào Cai đã xây dựng, ban hành trên 100 văn bản chỉ đạo, thực hiện công tác thi đua khen thưởng, trong đó có nhiều văn bản quan trọng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhằm động viên, khuyến khích, ghi nhận, biểu dương các tập thể, cá nhân không ngừng nỗ lực thi đua lao động sáng tạo, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Các phong trào thi đua chuyên đề, thi đua thường xuyên được nghiên cứu và triển khai có trọng tâm, trọng điểm, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa tạo ra tiền đề cho phong trào thi đua các giai đoạn tiếp theo. Điển hình như các phong trào thi đua: Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; thực hiện công tác lao động, chính sách người có công và công tác xã hội; chung sức xây dựng nông thôn mới; thanh niên làm chủ đất nước; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực; thu, nộp ngân sách nhà nước; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh…..

Các phong trào thi đua yêu nước được phát động, triển khai thực hiện một cách bài bản, nền nếp, theo tinh thần tránh phô trương, hình thức, đi vào chiều sâu và thực chất từ việc phát động, tổ chức thực hiện đến sơ kết, tổng kết, khen thưởng ở mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức chính trị, xã hội, trên khắp các vùng, miền trong tỉnh với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia. Phong trào thi đua thường xuyên hàng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương được tổ chức thực hiện gắn chặt với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lồng gắn với các phong trào thi đua do bộ, ngành, đoàn thể trung ương phát động không chỉ góp phần tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, liên tục trong các lĩnh vực đời sống xã hội, tạo ra động lực mạnh mẽ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch hàng năm và cả giai đoạn mà còn tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đông đảo cán bộ, đảng viên. Ý thức trách nhiệm với chức trách nhiệm vụ được giao; tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân trong cán bộ, đảng viên được củng cố và không ngừng nâng lên; dân chủ được mở rộng; nhiều vấn đề bức xúc của người dân được quan tâm giải quyết.

Trong từng ngành, lĩnh vực đã xuất hiện nhiều mô hình thi đua mới, có sức lan tỏa và ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội. Tiêu biểu như các phong trào: thi đua “lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” và “lao động giỏi, lao động sáng tạo” do Liên đoàn Lao động tỉnh phát động đã không chỉ mang lại hiệu quả nổi bật trong lao động, sản xuất mà còn làm chuyển biến nhận thức và thu hút sự hưởng ứng, tham gia ngày càng đông đảo của các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong 5 năm qua, đội ngũ công nhân, viên chức, người lao động của tỉnh đã có gần 9.500 sáng kiến được công nhận, làm lợi gần 90 tỷ đồng. Với phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đến năm 2015 đã có 24.151 hộ nông dân được công nhận danh hiệu Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (tăng gần 4.000 hộ so với năm 2010).

Đổi mới công tác khen thưởng theo hướng thiết thực, kịp thời, hướng đến các đối tượng lao động trực tiếp

Công tác khen thưởng đã gắn chặt với các phong trào thi đua và kết quả thực hiện các phong trào thi đua. Đối tượng được khen thưởng được mở rộng và có trọng tâm, quan tâm nhiều hơn đến cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp tư nhân, người trực tiếp lao động; chú trọng đến các tập thể, cá nhân đạt được thành tích trong điều kiện khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và đồng bào dân tộc thiểu số. Việc tổ chức trao tặng, đón nhận các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng được tổ chức trang trọng, kịp thời vừa thể hiện sự ghi nhận của cấp ủy, chính quyền, vừa có tác dụng động viên, khích lệ và nhân rộng điển hình. Tổng kết 5 năm qua, toàn tỉnh đã có 54 tập thể, cá nhân được đảng và nhà nước khen thưởng vì có quá trình cống hiến, thành tích kháng chiến; 868 tập thể, cá nhân được khen thưởng cấp nhà nước; trên 8.570 tập thể, cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng, trong đó có trên 3.300 đối tượng được khen là lao động trực tiếp trong các ngành, nghề, lĩnh vực đời sống xã hội. Ngoài ra có trên 100 nghìn tập thể, cá nhân được thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương khen thưởng. 

Cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lào Cai, việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các chương trình, đề án trọng tâm thuộc nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2010 – 2015 đề ra. Tình hình chính trị, kinh tế - văn hóa - xã hội của Lào Cai tiếp tục có sự phát triển vượt bậc. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, từng bước hiện đại; văn hóa - xã hội được coi trọng đầu tư và phát triển; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện, tỷ lệ nghèo giảm nhanh, đời sống nhân dân được cải thiện; bộ mặt nông thôn, đô thị của Lào Cai thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại; quốc phòng, an ninh được giữ vững và ổn định; hoạt động đối ngoại diễn ra sôi nổi góp phần đắc lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, mức tăng trưởng kinh tế Lào Cai những năm gần đây luôn ổn định và đạt 2 con số, bình quân đạt 14,1%/năm. GDP bình quân đầu người đạt 39,4 triệu đồng/người/năm, gấp 2,4 lần so với năm 2010. Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 28,3% năm 2010 xuống còn 15% đầu năm 2015, tương tự, công nghiệp và xây dựng tăng từ 37,8% lên 43,1%, dịch vụ tăng từ 37,9% lên 41,2%. Công nghiệp có bước phát triển mang tính “đột phá”, đưa Lào Cai trở thành trung tâm công nghiệp luyện kim và hóa chất, phân bón của cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng trưởng cao, năm 2014 đạt trên 5.500 tỷ đồng, tăng bình quân 21,1%/năm, gấp 2,6 lần so với năm 2010. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 38,8% năm 2010 lên 55% năm 2015, trong đó đào tạo nghề tăng từ 27,8% lên 43,1%. Hoạt động khoa học và công nghệ được đẩy mạnh, gắn nghiên cứu với ứng dụng; trên 80% đề tài nghiên cứu khoa học được triển khai áp dụng vào thực tế, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 13,8%, bình quân giảm 5,8%/năm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,5%. Công tác quân sự, quốc phòng đạt được nhiều kết quả quan trọng, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh. Thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với an ninh nhân dân được củng cố ngày càng vững chắc. Quan hệ giữa tỉnh Lào Cai với các địa phương nước ngoài, các vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế ngày càng sâu rộng và luôn là đối tác tin cậy của các nhà đầu tư, nhà tài trợ.

Cùng với sự quyết tâm và không ngừng đổi mới trong lãnh đạo, tổ chức của cả hệ thống chính trị, việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước không chỉ góp phần quan trọng vào sự phát triển mọi mặt của Lào Cai trong 5 năm qua mà còn tạo tiền đề vững chắc để đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lào Cai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015 – 2010./.

Phùng Nam Trung

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất