Theo đánh giá của đại biểu Quốc hội, trong những tháng đầu năm nay, con số tăng trưởng của Việt Nam đã khá tích cực và tăng cao nhất trong 3 năm gần đây. Nhưng nếu so với mục tiêu đề ra thì vẫn chưa đạt.
Tại phiên khai mạc Kỳ họp
thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 20/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của
Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung
kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà
nước năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024.
Theo đó,
tăng trưởng kinh tế theo giai đoạn có xu hướng giảm dần, chất lượng tăng
trưởng kinh tế còn thấp, chậm được cải thiện. Tăng trưởng năm 2023 đạt
5,05% khiến bình quân tăng trưởng 3 năm đầu nhiệm kỳ chỉ đạt hơn 5,2%,
đặt ra nhiều thách thức cho việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả
giai đoạn 2021 - 2025 (từ 6,5 - 7%).
Đáng chú ý, chỉ tiêu tốc độ tăng
năng suất lao động của Việt Nam năm thứ 3 liên tiếp không đạt mục tiêu
đề ra với mức tăng 3,65% (thấp hơn nhiều so với mức trung bình 6,35%/năm
trong giai đoạn 2016 - 2019), cho thấy dấu hiệu giảm sút.
Bên cạnh đó,
đầu tư tư nhân tiếp tục tăng trưởng thấp; hoạt động sản xuất, kinh doanh
của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước
năm 2023 đạt 1.919.000 tỷ đồng, chỉ bằng 1/5 mức tăng trước đây. Đây
cũng chính là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm và đóng góp ý
kiến bên lề Kỳ họp.
ĐẠI BIỂU NGUYỄN THỊ VIỆT NGA (ĐOÀN HẢI DƯƠNG): MỤC TIÊU VẪN CHƯA NHƯ KỲ VỌNG
Trong những tháng đầu năm nay, con số tăng trưởng của Việt Nam đã khá
tích cực và tăng cao nhất trong 3 năm gần đây. Nhưng nếu so với mục
tiêu đề ra thì vẫn chưa đạt dù so với nhiều nước trong khu vực và trên
thế giới thì mức tăng trưởng này vẫn rất ấn tượng. Bởi vậy, vấn đề đặt
ra cho những tháng cuối năm và trong cả giai đoạn còn lại của nhiệm kỳ
này khá nặng nề; đòi hỏi phải thực sự nỗ lực bởi con số mục tiêu đang là
thách thức lớn.
Tuy nhiên, tôi quan tâm đến giải pháp của Chính phủ; trong đó có
phương châm “chỉ bàn làm chứ không bàn lùi”. Cần phải phải quyết tâm
thực hiện được tất cả các chỉ tiêu đề ra chứ chúng ta không đặt vấn đề
là xem lại hay cân nhắc điều chỉnh lại các chỉ tiêu. Điều này đặt ra
thách thức rất lớn, đòi hỏi sự nhập cuộc cả hệ thống chính trị từ Trung
ương tới địa phương để có thể hoàn thành mục tiêu.
Cũng phải thẳng thắng nhìn nhận, so với số liệu trình tại Kỳ họp thứ
IV năm 2023, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặt ra trong kỳ họp này có
“nhích lên” song vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt được và cần quan tâm
đặc biệt; trong đó, có chỉ tiêu tăng năng suất lao động bình quân.
Căn cứ vào con số công bố, như vậy, đây là năm thứ 3 liên tiếp chỉ số
này chưa đạt yêu cầu đề ra mặc dù trong các báo cáo của Chính phủ và
trong hệ thống giải pháp hàng năm đều có giải pháp để nâng cao năng suất
lao động bình quân này. Tôi nghĩ rằng, đây là điều đáng phải suy nghĩ.
Thêm vào đó, cần xem xét một nội dung cũng liên quan và có trong báo
cáo của Chính phủ, đấy là trong nhiều năm liên tiếp vẫn còn tình trạng
cán bộ còn đùn đẩy trách nhiệm, chây ì trong công việc, sợ trách nhiệm.
Thế nhưng, tình trạng này vẫn chưa được khắc phục được triệt để.
Điều này đặt ra câu hỏi, vậy giữa việc năng suất lao động chưa đạt
được chỉ tiêu đề ra và tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách
nhiệm có liên quan đến nhau không. Quan điểm tôi nghĩ là có và chúng ta
cần phải khắc phục ngay tình trạng này nếu muốn hoàn thành tốt tất cả
các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra.
ĐẠI BIỂU NGUYỄN VĂN THÂN (ĐOÀN THÁI BÌNH): CẦN GIẢI PHÁP TĂNG NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG
Tôi nghĩ là các chỉ tiêu đề ra, đặc biệt là các chỉ tiêu về năng suất
lao động từ trước đến nay đều không đạt được và có nguyên nhân cơ bản
cần xem xét. Trước tiên là lao động lành nghề, chuyên nghiệp có tỷ lệ
thấp so với lao động thông thường. Hay nói cách khác là lao động cấp cao
và cấp thấp chưa được đào tạo cơ bản.
Tiếp đó, mặc dù đã chú trọng vào vấn đề can thiệp công nghệ nhưng so
với các nước thì Việt Nam vẫn đang “chậm”. Trong khi đó, hiện đang là
thời điểm hội nhập thì vấn đề can thiệp công nghệ để tăng năng suất lao
động lại đòi hỏi rất cấp bách.
Bên cạnh đó, một yếu tố không thể không nhắc đến đó là mức lương với
người lao động tại Việt Nam vẫn còn thấp. Chính vì thế người lao động
phải làm thêm các việc khác mà không toàn tâm toàn ý vào công việc
chính.
Về giải pháp, hiện nay Chính phủ đang rất tập trung về vấn đề công
nghệ. Sự can thiệp của công nghệ là quan trọng. Thậm chí, nếu chúng ta
làm nhanh, thực hiện hiệu quả về vấn đề công nghệ thì năng suất lao động
sẽ tăng rất nhanh. Bên cạnh đó, phải có chế độ tiền lương phù hợp. Mặc
dù sắp tới sẽ có tăng lương nhưng việc này vẫn cần được quan tâm thường
xuyên.
ĐẠI BIỂU NGUYỄN QUANG HUÂN (ĐOÀN BÌNH DƯƠNG): KHU VỰC CÔNG LÀM TỐT VAI TRÒ "DẪN DẮT"
Về cơ bản, trong những tháng đầu năm nay, nền kinh tế có dấu hiệu
tăng trưởng tích cực. Đáng chú ý, tăng trưởng GDP hiện nay chủ yếu từ
khu vực công, làm tốt vai trò dẫn dắt nhưng khu vực tư là gam màu “xám”.
Đầu tư tư nhân tiếp tục tăng trưởng thấp, hoạt động sản xuất, kinh
doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Vốn đầu tư khu vực ngoài nhà
nước năm 2023 đạt 1.919.000 tỷ đồng, chỉ bằng 1/5 mức tăng trước đây.
Như báo cáo thẩm tra được Ủy ban Kinh tế nêu ra, có nhiều doanh
nghiệp rút khỏi thị trường và dòng vốn đầu tư tư nhân giảm sút… Theo đó,
cần có chính sách vực dậy “sức khỏe” của khu vực này để chung vai gánh
vác cùng với khu vực công, giúp đưa GDP đạt mục tiêu đề ra.
Hiện nay số liệu báo cáo 3 tháng và thực tế thì gần đi đến nửa năm
thì cũng chưa thể kết luận gì. Tuy nhiên, qua kỳ họp lần này, các đại
biểu cho ý kiến và các chính sách kịp thời thì khả năng GDP đạt từ 6%
trở lên là hoàn toàn có thể. Nhất là khi Luật Đất đai mới đang kiến nghị
để thực thi sớm hơn dự kiến, được kỳ vọng sẽ tháo được một trong những
“nút thắt” kìm hãm dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế.
Cùng đó, cũng cần xem xét để có những chính sách tái cơ cấu nền kinh
tế sao cho phù hợp. Khi thực hiện các chỉ tiêu tại Nghị quyết số
16/2021/QH15 của Quốc hội: Về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm
2021 - 2025 có thể có nhiều thách thức nhưng năm nào phải chắc năm đó.
Không chỉ thực hiện tốt riêng năm 2024 mà phải tạo đà cho năm 2025 thì
mới hoàn thành được chỉ tiêu của Quốc hội giao./.
TTXVN