Thứ Sáu, 18/10/2024

Lào Cai: Tập trung nguồn lực phát triển du lịch

 


 Lựa chọn và thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả

Thực hiện mục tiêu tổng thể của Đề án là xây dựng Lào Cai trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất của vùng Tây Bắc, là một trong những trọng điểm du lịch của Việt Nam, một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và Đông Nam Á, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, sau 2 năm triển khai thực hiện (2016 – 2017), du lịch Lào Cai tăng trưởng phát triển mạnh. Tỉnh đã làm tốt vai trò đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia năm 2017 Lào Cai - Tây Bắc. Hệ thống lưu trú tiếp tục phát triển với mức tăng trưởng khoảng 14% so với cùng kỳ, các sản phẩm du lịch được đa dạng hóa, chất lượng hơn với nhiều sản phẩm mới đặc sắc kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao; đẩy mạnh việc khai thác các di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực phục vụ du lịch được chú trọng đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Sự liên kết trong hoạt động du lịch đã tạo nên những chuỗi sản phẩm du lịch và dịch vụ đồng bộ, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách trong và ngoài nước. Đến hết năm 2017 nhiều chỉ tiêu của Đề án đạt cao như (1) Tổng số hướng dẫn viên và thuyết minh là 716 người (đạt 126% so với mục tiêu đề án); (2) Mức chi tiêu bình quân của khách du lịch đến Lào Cai đạt 1.335.000 đồng/khách (vượt 38% mục tiêu đề án); (3) Tổng lượt khách du lịch ước là 3,5 triệu lượt (đạt 78% mục tiêu đề án); (4) Tổng số cơ sở lưu trú là 961 cơ sở với tổng số trên 11.000 phòng (đạt 75% so với mục tiêu đề án); (5) Số lao động, việc làm trong lĩnh vực du lịch đạt 19.200 việc làm (đạt 58% so với mục tiêu đề án); (6) Tổng thu du lịch ước đạt 9.442 tỷ đồng (đạt 52% so với mục tiêu đề án).

Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển du lịch được quan tâm triển khai, t
ính đến hết năm 2017, tổng kinh phí huy động từ các nguồn thực hiện Đề án là 9.145,2 tỷ đồng (đạt 51,84% so với mục tiêu đề án) trong đó chủ yếu tập trung thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nguồn ngân sách nhà nước chỉ chiếm 1,3%. Hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông phục vụ du lịch tiếp tục được đầu tư, trọng tâm là các tuyến được thuộc huyện Sa Pa, Bắc Hà, kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Trong 2 năm 2016, 2017, nguồn nhân lực phục vụ du lịch không ngừng được bổ sung với trên 3.500 lao động được đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng mới, nâng tổng số lao động du lịch được qua đào tạo bồi dưỡng trên địa bàn tỉnh lên trên 9.500 lao động.


Hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch được nâng cao. Lào Cai đã hoàn thành xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hoàn thiện hồ sơ và đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Sa Pa là khu du lịch quốc gia vào năm 2017, hoàn thành xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai, điều chỉnh quy hoạch đô thị du lịch Sa Pa. Đẩy mạnh xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu Sa Pa-Fansipan, đồng thời quy hoạch du lịch các huyện Bắc Hà và Bát Xát, thành phố Lào Cai. Chỉ đạo xây dựng và ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh; hoàn thành Dự thảo Quy chế quản lý du lịch trên địa bàn tỉnh. Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, đến nay đã vận động nguồn tài trợ Quỹ phát triển du lịch với tổng số tiền hơn 8,3 tỷ đồngĐến nay, Lào Cai đã bước đầu đã xây dựng được một số “thương hiệu” và sản phẩm du lịch nổi tiếng, đặc trưng, hấp dẫn du khách như: Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà; Giải Marathone leo núi quốc tế (VMM), Giải đua xe đạp quốc tế một vòng đua hai quốc gia Việt Nam - Trung Quốc, Giải đua xe đạp vượt núi quốc tế theo cung đường thành phố Lào Cai - Bát Xát - Y Tý - Bản Khoang - Sa Pa, Lễ hội 4 mùa, Lễ hội trên mây Sa Pa... Các di tích, di sản văn hóa, danh thắng tiếp tục phát huy giá trị, tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách như: danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa, Bát Xát; các di tích Đền Bảo Hà, Đền Cô Tân An, Đền Thượng, Dinh Hoàng A Tưởng; các di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, chợ phiên... Nhiều dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch như Khu vui chơi giải trí cáp treo Fansipan, khu sinh thái Topas, khu du lịch cộng đồng Lá Dao, các khách sạn tiêu chuẩn 5 sao (Acord, Silk Path, Pao’s Sa Pa, Aristo...).

Bên cạnh đó, các dự án đang được tỉnh Lào Cai chỉ đạo và triển khai như Công viên văn hóa Sa Pa, Khu vui chơi giải trí Bản Qua (Bát Xát), Khu du lịch đồi con gái (Sa Pa)... D
u lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới do người dân trực tiếp đầu tư và thực hiện phát triển với trên 200 cơ sở lưu trú homestay tập trung tại các xã Tả Van, Tả Phìn, Lao Chải (huyện Sa Pa), xã Y Tý (huyện Bát Xát), xã Tà Chải, Na Hối, Bản Phố, Tả Van Chư, Bản Liền (huyện Bắc Hà), xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên). Hai năm liền (2016, 2017) Lào Cai đều được giải thưởng Homestay Asean do các nước thành viên ASEAN trao. Hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch được chú trọng thông qua nhiều hình thức phong phú không chỉ quảng bá sản phẩm, thương hiệu của du lịch Lào Cai mà còn góp phần quan trọng kết nối sản phẩm, tour, tuyến du lịch của các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam.


Tập trung lãnh đạo, hoàn thành ở mức cao đối với tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án  

Phát huy những kết quả đạt được trong 2 năm thực hiện Đề án cũng như nhìn nhận khách quan những khó khăn còn vướng mắc, tỉnh Lào Cai xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác lãnh đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp, đưa du lịch phát triển, trong đó tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, xác định rõ du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng. Bố trí nguồn lực thích hợp để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nâng cao khả năng kết nối giao thông đến các khu, điểm du lịch, trọng tâm là Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, thành phố Lào Cai; đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch như di chuyển khu hành chính huyện Sa Pa để tạo quỹ đất phát triển du lịch, đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Sa Pa, dự án tổ hợp khách sạn, nhà hàng, công viên văn hóa Sa Pa, thành phố Lào Cai nhằm tạo cơ sở vật chất lưu trú, vui chơi giải trí phục vụ du khách.  

Thứ hai, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch đã được phê duyệt như Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển Sa Pa tỉnh Lào Cai thành khu du lịch quốc gia. Thực hiện mở rộng không gian du lịch, kết hợp đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, phù hợp nhằm giảm áp lực quá tải dịch vụ du lịch tại các khu đô thị trung tâm Sa Pa, thành phố Lào Cai, Bắc Hà. Đến năm 2020, hoàn thành xây dựng quy hoạch phát triển du lịch tổng thể tại huyện Bắc Hà, huyện Bát Xát, huyện Bảo Yên và thành phố Lào Cai. Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện ban hành và triển khai thực hiện chính sách khuyến khích phát triển du lịch Lào Cai. Rà soát, đánh giá, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của dịch vụ, sản phẩm du lịch đã có đồng thời nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch mới có sức hút đối với du khách như chợ văn hóa, ẩm thực đặc trưng, tham quan, nghỉ dưỡng núi, chinh phục đỉnh cao, tâm linh... Khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng theo hướng đặc sắc, bền vững, chuyên nghiệp, góp phần giảm nghèo bền vững tại các địa phương trong tỉnh. Phát triển sản phẩm, dịch vụ đi đôi với bảo vệ tài nguyên du lịch.  

Thứ ba, tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch mang tính đồng bộ, thống nhất, thường xuyên, hấp dẫn với đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch. Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, thông tin đại chúng, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến du lịch, khuyến khích sử dụng mạng xã hộicác trang thông tin điện tử (website): dulichlaocai.vn; sapa-tourism.com. Xây dựng chiến lược, xúc tiến quảng bá thương hiệu du lịch Lào Cai- Fansipan - Sa Pa. Tăng cường liên kết, khai thác tối đa lợi thế tuyến hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh để kết nối du lịch núi với du lịch biển; mở rộng liên kết với các trung tâm du lịch lớn của Việt Nam để khai thác các loại hình du lịch nghỉ dưỡng núi cao cấp, du lịch biển; tiếp tục chương trình hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ - Hà Giang - Lai Châu - Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình để phát triển các sản phẩm du lịch chuyên biệt, phát triển tuyến du lịch ruộng bậc thang.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Gắn đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch tại chỗ của địa phương với thu hút nguồn nhân lực du lịch có trình độ cao từ các địa phương khác về làm việc tại tỉnh Lào Cai. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch từ cấp tỉnh đến các huyện, thành phố theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý du lịch.

Với những mục tiêu, giải pháp đồng bộ mang tính đột phá, chiến lược, du lịch Lào Cai đang tiếp tục đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của du khách thập phương, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh cũng như du lịch cả nước./.

 

Phùng Nam Trung - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất