PV: Thưa Chủ tịch Quốc hội
Vương Đình Huệ, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chủ tịch
Quốc hội có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật trong hoạt động Quốc
hội năm vừa qua?
Chủ tịch Quốc hội
Vương Đình Huệ: Có thể thấy khối lượng công việc của Quốc hội trong năm 2023 nhiều hơn, có thể nói là “nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay”.
Đó là việc tổ chức thành công 5 kỳ họp Quốc hội với 2 kỳ họp thường
kỳ và 3 kỳ họp bất thường; 16 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
chưa kể các hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các phiên họp Ủy
ban Thường vụ Quốc hội giữa Kỳ họp thứ 5 và Kỳ họp thứ 6 để tiếp thu,
giải trình các nội dung trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại 2 kỳ họp
thường kỳ của Quốc hội. Như vậy, số lượng kỳ họp của riêng năm 2023 đã
bằng số lượng kỳ họp của nửa nhiệm kỳ Quốc hội.
Bắt đầu từ Kỳ họp thứ 5, với sáng kiến bố trí, sắp xếp thành hai đợt
họp của mỗi kỳ cho thấy sự linh hoạt, thích nghi và đáp ứng yêu cầu thực
tiễn trong giai đoạn hiện nay.
Năm 2023 cũng là năm có nhiều “lần đầu tiên” như: Tổ chức thành công
Giải Diên Hồng lần thứ nhất; chuẩn bị cho lễ trao Giải Diên Hồng lần thứ
hai (diễn ra vào tháng 1/2024); Hội nghị toàn quốc triển khai luật,
nghị quyết của Quốc hội nhằm quán triệt quan điểm và chỉ đạo của Trung
ương là “gắn chặt việc xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp
luật”; Diễn đàn Người lao động; Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”…
Trong đó, một số sự kiện đã được bình chọn là sự kiện tiêu biểu của Quốc
hội năm 2023.
Như vậy, có thể thấy khối lượng công việc rất lớn, nhiều vấn đề khó,
phức tạp, đặt ra yêu cầu rất cao đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc
hội và từng đại biểu Quốc hội. Mặc dù công việc nhiều, áp lực lớn, theo
tôi, điều đáng quý nhất là mỗi cán bộ, đại biểu Quốc hội… đều cảm thấy
vui trong việc đóng góp công sức của mình vào công việc chung. Chính
phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận
Tổ quốc, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương đều ở trong guồng
công việc, sự cố gắng, nỗ lực chung này.
Tôi muốn nhấn mạnh, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí,
nguyện vọng của nhân dân - là trung tâm của hoạt động Quốc hội. Qua các
nhiệm kỳ, hoạt động của đại biểu Quốc hội ngày càng có những chuyển biến
tích cực gắn với đổi mới về tổ chức, hoạt động của Quốc hội.
Xuyên suốt tại các kỳ họp, đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần
trách nhiệm, tâm huyết, phát biểu sâu sắc, đa chiều trên nhiều lĩnh vực.
Đặc biệt, số lượng đại biểu đăng ký tham gia phát biểu, thảo luận, chất
vấn rất lớn, nhất là tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua. Có thể thấy, tinh thần
đổi mới ở nghị trường đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động
của Quốc hội; cho thấy những nỗ lực trong thực hiện lời hứa với cử tri.
Về công tác lập pháp, Quốc hội tiếp tục xuyên suốt tinh thần lập pháp
chủ động, kiến tạo phát triển với tầm nhìn dài hạn. Mục tiêu của công
tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là hoàn thiện đồng bộ
thể chế phát triển, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các
nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW
(năm 2021) về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc
hội khóa XV. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của Quốc hội có
một Kết luận do Bộ Chính trị ban hành để định hướng các nhiệm vụ lập
pháp trong cả nhiệm kỳ.
Tính đến Kỳ họp thứ 6, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan
đã hoàn thành 114/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ Quốc
hội khóa XV (đạt 83,21%).
Đây là minh chứng rõ rệt của sự đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp
luật từ quản lý sang kiến tạo phát triển bền vững đất nước, thể hiện
tinh thần trách nhiệm cao, tính chủ động, tích cực của Đảng đoàn Quốc
hội trong việc khẩn trương thể chế hóa chủ trương, đường lối Đại hội
XIII của Đảng, sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống.
Từ kết quả trên cho thấy chúng ta đã và đang khắc phục được tình
trạng “bắc nước sôi chờ gạo” trên tinh thần chủ động từ sớm, từ xa. Đây
là kinh nghiệm quý được đúc kết và phát triển trong 78 năm Quốc hội Việt
Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước tại Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội Khóa XV. (Ảnh: TTXVN)
Nhìn lại năm 2023, hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục là một “điểm
sáng”. Chúng ta không chỉ giám sát theo kiểu “hậu kiểm”, mà đặt trọng
tâm giám sát ngay những vấn đề đang được triển khai, từ đó Quốc hội cùng
Chính phủ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực
hiện. Năm 2023, lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ, đã biểu quyết
thông qua Nghị quyết về giám sát chuyên đề “việc triển khai thực hiện
các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây
dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn
2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.
Quốc hội đã giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết về
một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy
nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để trình Quốc
hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút
gọn; trong đó có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh
mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước…
Để ra được những quyết sách kịp thời như thế này xuất phát từ việc
chuẩn bị “từ sớm, từ xa”. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, giám sát đã được xác
định là một nội dung trọng tâm và then chốt. Thực hiện tốt chức năng
giám sát sẽ tác động tích cực tới việc thực hiện các chức năng lập pháp
và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: TTXVN)
PV: Xin Chủ tịch Quốc hội chia sẻ những trọng tâm công tác và yêu cầu nhiệm vụ mới của Quốc hội trong năm 2024?
Chủ tịch Quốc hội
Vương Đình Huệ: Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội quyết định chưa thông qua hai dự thảo gồm:
Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Sau khi nghiên cứu, tiếp thu góp ý của 12 triệu lượt ý kiến của nhân
dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), do tính chất đặc biệt quan
trọng và phức tạp của dự án luật này và còn nhiều ý kiến khác nhau về
quan điểm trong xem xét dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi),
Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến rất xác đáng, đồng thời cân
nhắc thận trọng nhiều mặt và quyết định xem xét, dự kiến thông qua tại
kỳ họp gần nhất.
Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh
nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và cho
phép thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và
các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ doanh nghiệp.
Việc Quốc hội bổ sung nội dung này vào trong Kỳ họp thứ 6 và thông
qua Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024. Việc áp dụng các quy
định về thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 theo hướng dẫn của Tổ chức
Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) có tính cấp thiết để vừa chủ động
giành được quyền đánh thuế bổ sung, vừa tạo môi trường đầu tư thuận lợi
để tiếp tục thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Cùng với việc đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn cuộc sống, điều
này còn cho thấy Quốc hội tiếp tục quán triệt nguyên tắc: Những vấn đề
thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống
nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý
kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện
thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép; những chủ trương đã thực
hiện, nhưng không phù hợp thì nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi kịp thời.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: TTXVN)
Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Quốc hội đặt
ra yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn
định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền
kinh tế. Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 cũng đã đặt ra mục tiêu, tốc độ tăng
trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6 - 6,5%.
Như tôi đã nói, Quốc hội tiếp tục xuyên suốt tinh thần lập pháp chủ
động, kiến tạo phát triển với tầm nhìn dài hạn. Với những vấn đề cấp
bách, cần tháo gỡ kịp thời, trong thẩm quyền của mình, Quốc hội sẽ ban
hành nghị quyết. Trong năm 2022, Quốc hội đã ban hành các nghị quyết phê
duyệt chủ trương đầu tư 6 dự án giao thông quan trọng quốc gia với số
vốn đầu tư rất lớn. Sáu dự án này đều là những dự án giao thông trọng
điểm, cấp bách, bảo đảm quốc phòng, an ninh, có tác động lan tỏa, tăng
cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất
nước, của các vùng và từng địa phương có dự án đi qua.
Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công
trình đường bộ đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tiếp tục
trên tinh thần đó. Cơ chế này được kỳ vọng sẽ giúp 21 dự án giao thông
trọng điểm khác của đất nước rút ngắn đáng kể thời gian, tăng tốc tiến
độ dự án.
Vừa qua, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện tổng rà
soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên tất cả các lĩnh vực và
trong phạm vi cả nước. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết đề
nghị Chính phủ khẩn trương xem xét, xử lý và báo cáo kết quả vào Kỳ họp
thứ 7, có giải pháp khắc phục ngay các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo;
có giải pháp khắc phục hiệu quả tình trạng né tránh, thiếu trách nhiệm
trong một bộ phận công chức, viên chức. Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất
sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…
Kết quả của tổng rà soát, hệ thống hóa hệ thống pháp luật có ý nghĩa
quan trọng đối với tiến trình cải cách hành chính. Từ đó, năm 2024,
chúng ta tiếp tục thực hiện tổng rà soát về thủ tục hành chính.
Cùng với đó chúng ta đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển kết cấu
hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các dự án, công trình trọng điểm quốc
gia; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an sinh xã hội;
sớm xây dựng, trình Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu
quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt
Nam; triển khai đồng bộ cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.
Quốc hội cùng với hệ thống chính trị tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ
máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khắc phục có kết
quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận
cán bộ, công chức, siết chặt kỷ luật hành chính, kỷ cương công chức,
công vụ; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,
lãng phí, lợi ích nhóm…
Tất cả đều nhằm mục đích khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu thực hiện nghi thức khởi
công Dự án đầu tư xây dựng nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối tại
xã Tiên Hiệp, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. (Ảnh: TTXVN)
PV: Xin Chủ tịch Quốc hội chia sẻ về công tác ngoại giao nghị viện và
những yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra trong giai đoạn hiện nay, nhất là
phát huy “sức mạnh mềm” của ngoại giao nghị viện, phục vụ phát triển
kinh tế và hội nhập quốc tế của đất nước trong giai đoạn mới?
Chủ tịch Quốc hội
Vương Đình Huệ: Hòa chung trong thành tựu đối ngoại cả nước, hoạt động đối ngoại của
Quốc hội thời gian qua không chỉ diễn ra sôi động mà còn được nâng lên
về chất. Chúng ta đã “phát huy mạnh mẽ nét đặc trưng vừa mang tính đối
ngoại nhà nước, vừa mang tính nhân dân sâu sắc”. Có thể khẳng định năm
2023 là năm thành công nổi bật của ngoại giao nghị viện.
Đã có trên 10 đoàn Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện các nước thăm chính
thức Việt Nam và nhiều chuyến công tác của lãnh đạo Quốc hội Việt Nam
tới các quốc gia tham dự diễn đàn đa phương; nhiều thỏa thuận quốc tế
nhân danh Quốc hội được ký mới/ký lại giữa Quốc hội Việt Nam với nghị
viện các nước.
Hoạt động đối ngoại song phương được chú trọng quan hệ với các nước
láng giềng; đưa quan hệ với các nước đối tác chiến lược đi vào chiều
sâu; thúc đẩy thực chất quan hệ với các đối tác hợp tác và bạn bè truyền
thống; tăng cường sự tin cậy với các đối tác khác…
Hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã đưa ngoại giao nghị viện trở
thành một kênh chính trị đối ngoại quan trọng, là nguồn sức mạnh thúc
đẩy quan hệ hợp tác với các nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, nâng cao vị
thế quốc tế của quốc gia…
Trong ngoại giao nghị viện đa phương, Quốc hội đã tham gia tích cực,
chủ động với tâm thế sẵn sàng “đóng góp xây dựng, định hình luật chơi
chung” và “khởi xướng, dẫn dắt” các sáng kiến mới tại các diễn đàn liên
nghị viện quốc tế, khu vực như IPU, AIPA...
Điển hình gần đây là thành công của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần
thứ 9 với chủ đề: “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện
các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng
tạo”. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung - Tuyên bố Hội nghị đầu tiên
của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu IPU qua 9 kỳ hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai
cùng các đại biểu chụp ảnh chung, tại Lễ khai mạc Hội nghị Nghị sĩ
trẻ toàn cầu lần thứ 9. (Ảnh: TTXVN)
Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ
nhất được tổ chức tại Lào vào đầu tháng 12/2023 vừa qua, Chủ tịch Quốc
hội 3 nước đã ký thông qua Tuyên bố chung. Việc thành lập cơ chế này là
mốc son quan trọng trong lịch sử hợp tác giữa ba Quốc hội, đánh dấu sự
nâng tầm hợp tác giữa ba cơ quan lập pháp lên cấp cao nhất.
Hội nghị đánh dấu sự hoàn thiện “ba đỉnh tam giác” của cơ chế hợp tác
cấp cao Campuchia - Lào - Việt Nam, đó là Người đứng đầu ba Đảng, Thủ
tướng ba nước và giờ là Chủ tịch ba Quốc hội, đã được hoàn thiện, tạo
thành thế “kiềng ba chân”: Chủ trương, đường lối của Đảng; thể chế hóa,
xây dựng khung khổ pháp lý và giám sát của Quốc hội; thực thi của Chính
phủ để 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam ngày càng hợp tác chặt chẽ hơn.
Nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là phải tiếp tục gìn giữ và củng cố
môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước hướng tới hai mục
tiêu 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thành lập nước (vào năm
2030 và năm 2045). Để làm tốt nhiệm vụ đó, cần phải không ngừng đổi
mới, sáng tạo và linh hoạt trong tư duy đối ngoại, trong phương cách
triển khai, với tư duy mới, cách làm mới. Tư duy mới là cách tiếp cận
toàn cầu, đa phương và liên ngành, trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ,
chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Chúng ta cần tiếp tục phát huy trường
phái đối ngoại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân
chắc, cành uyển chuyển” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone
Phomvihane và Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Khuon
Sudary, tại Lễ bế mạc Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia - Lào -
Việt Nam (CLV) lần thứ nhất. (Ảnh: TTXVN)
Trên tinh thần đó, Quốc hội Việt Nam tiếp tục vun đắp quan hệ với cơ
quan lập pháp các nước, quan hệ tốt đẹp với các liên minh nghị sĩ hữu
nghị, cá nhân các nghị sĩ có uy tín..., coi đó như là “vốn chính trị”
của chúng ta trong quan hệ với các cơ quan lập pháp các nước.
Cùng với đó là tiếp tục phát huy thế mạnh của kênh đối ngoại Quốc
hội, là đại diện cho người dân; đẩy mạnh kết nối giao lưu “mềm” về văn
hóa, xã hội, giáo dục, thanh niên, du lịch... và lan tỏa mạnh mẽ hình
ảnh của Việt Nam đến với khu vực và quốc tế.
Đối ngoại Quốc hội cũng tiếp tục gắn với triển khai nhiều khuôn khổ
hợp tác mới xác lập gần đây, như Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng
(JETP) tại COP26, triển khai Sáng kiến Cộng đồng châu Á phát thải ròng
bằng «0» (AZEC) của Chính phủ Nhật Bản…
Chúng ta tiếp tục chú trọng thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế, xác
định đây là nhiệm vụ trung tâm, là động lực quan trọng để phát triển,
trên tinh thần “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm
phục vụ”.
Nhiệm vụ xây dựng nền ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại
là yêu cầu vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược đối với công tác đối
ngoại và là xu thế tất yếu của nền ngoại giao thế giới. Quốc hội sẽ tiếp
tục dành ưu tiên cao cho ngành ngoại giao khi xem xét, quy định những
vấn đề thuộc thẩm quyền.
Cùng với đó, đối ngoại Quốc hội tiếp tục chủ động triển khai chủ
trương nâng tầm đối ngoại đa phương, đặc biệt là trong khuôn khổ ASEAN -
AIPA và Liên hợp quốc - Liên minh Nghị viện thế giới (IPU); sẵn sàng
“khởi xướng, dẫn dắt” trong các vấn đề mà Việt Nam có thế mạnh, có kinh
nghiệm như: Xóa nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước,
bình đẳng giới, y tế...
Năm 2023 dân số Việt Nam đạt ngưỡng 100 triệu - là một dấu mốc quan
trọng, ấn tượng trong quá trình phát triển. Đất nước đã có gần 40 năm
đổi mới, Việt Nam có thu nhập bình quân đầu người đạt mức trung bình và
tăng nhanh… Quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện thông qua Nhà nước
pháp quyền XHCN thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên toàn thể thứ nhất
Đại Hội đồng Liên Nghị viện các nước Đông Nam Á lần thứ 44 (AIPA-44).
(Ảnh: TTXVN)
Mùa xuân mới đang về, tôi xin chúc đồng bào, cử tri cả nước,
cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài năm mới sức khỏe, hạnh phúc và
thành công. Tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự chủ
động của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, nỗ lực và tâm huyết của
nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhất định chúng ta sẽ vượt qua các khó
khăn, thách thức, nắm bắt được thời cơ, sớm hoàn thành những mục tiêu
phát triển đất nước mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII của Đảng đã đề ra.
Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ!./.
TTXVN