Thứ Bảy, 23/11/2024
Ủy ban an toàn giao thông
Thứ Năm, 4/6/2020 9:15'(GMT+7)

Lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Giao thông Đường bộ

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Bùi Tư

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Bùi Tư

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, sửa Luật GTĐB lần này phải là luật giao thông “thông minh”, phải mở đường cho các xu thế phát triển mới.

Còn theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, việc sửa Luật GTĐB lần này, Bộ GTVT xác định sửa để ổn định ít nhất trong 10 năm. Trong đó, có tầm nhìn, dự báo những yếu tố mới, đưa được hành lang pháp lý mà đối tượng chi phối trong luật ổn định. Hiện dự thảo Luật đang được đăng tải xin ý kiến của nhân dân và các thành phần kinh tế. Ông Thọ cũng mong muốn mọi người dân, DN quan tâm, góp ý.

Trình bày một số điểm chính của Dự luật, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ GTVT cho biết, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ 2020 có nhiều quy định mới, cả về quy tắc giao thông đường bộ, kết cấu hạ tầng GTĐB, phương tiện tham gia giao GTĐB, người điều khiển phương tiện, kinh doanh vận tải GTĐB…

Trong đó, nhìn chung mọi người dân đều cần chú ý đến các quy định mới về quy tắc giao thông như quy định liên quan đến đèn nhận diện, đây là nội dung luật hóa theo quy định tại Điều 32 Công ước về Giao thông đường bộ. Trên cơ sở ý kiến góp ý của người dân, Dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng không quy định cứng bật đèn nhận diện thành quy tắc giao thông mà chỉ quy định về đèn nhận diện thành một cấu thành bắt buộc của phương tiện.

Đồng thời, Dự thảo quy định thứ tự hiệu lực của hệ thống báo hiệu đường bộ, quy định cụ thể hơn về hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn giao thông. Theo đó, tín hiệu đèn xanh là báo hiệu được đi, trừ trường hợp hướng định đi tới đang bị ùn tắc nếu tiến vào nút giao thì sẽ không thoát ra khỏi nút giao trước khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang báo hiệu cho các hướng khác tiến vào nút giao.

Đáng quan tâm, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định cho phép người lái xe sử dụng giấy xác nhận của tổ chức tín dụng để thay thế khi giấy đăng ký xe được giữ làm tài sản thế chấp tại các tổ chức tín dụng;

Đồng thời, điều chỉnh phân hạng giấy phép lái xe (GPLX) phù hợp Công ước quốc tế về giao thông đường bộ tạo điều kiện cho việc sử dụng GPLX của Việt Nam ở nước ngoài và GPLX nước ngoài tại Việt Nam, theo đó các hạng của giấy phép lái xe đã được bổ sung thêm hạng A0 (xe dưới 50cm3) và C1 (xe có trọng lượng 7400kg). Việc phân hạng GPLX này sẽ không làm phát sinh TTHC cấp lại cho các GPLX đã cấp và đang còn hiệu lực.

Bên cạnh đó, Dự luật cũng bổ sung quy định theo dõi số lần vi phạm hành chính và số lần tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng của người lái xe trên cơ sở dữ liệu quản lý GPLX để thu hồi GPLX nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Góp ý vào Dự luật, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, Dự thảo mới qui định tuyên truyền theo một chiều, trong khi luật này có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, nên cần có điều khoản qui định về nơi người dân, tổ chức có thể phản ánh, kiến nghị về GTĐB.

Về sử dụng đèn của phương tiện cơ giới, xe máy chuyên dùng tham giao thông, ông Quyền đề nghị bỏ quy định này, chỉ khuyến cáo các phương tiện tham gia giao thông trong điều kiện thời tiết có sương mù và mưa to. “Việc bật đèn cả ban ngày trong điều kiện thời tiết nhiệt đới, sử dụng mô tô, xe máy là chính, nếu tất cả đều bật đèn sẽ gây nhiều tác dụng phụ, gây hiệu ứng chói mắt cho người đi ngược chiều, khi bật đèn sẽ tiêu tốn lượng điện, tăng tiêu thụ nhiên liệu gây lãng phí và tăng khí thải gây ô nhiễm môi trường”, ông Quyền nói.

Dự thảo luật chưa xác định đúng mối quan hệ giữa Luật Giao thông Đường bộ với Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), dẫn tới sự chồng chéo và mâu thuẫn lẫn nhau. Vì lẽ đó, bên cạnh việc phải đơn giản hóa các quy định trong luật, thì các khái niệm đưa ra cũng cần phải được sắp xếp theo đúng thứ tự ưu tiên, đảm bảo sự thống nhất trong việc sử dụng các thuật ngữ chuyên môn của Luật Giao thông Đường bộ, lẫn Luật PPP.

Đây là một đạo luật quan trọng, có nhiều quy định liên quan tới hoạt động của các nhà đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ theo phương thức đối tác công tư. Do đó, đại diện Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam đề xuất được bổ sung vai trò thành viên Ban soạn thảo luật để từ đó có những sáng kiến đóng góp cụ thể, rõ ràng hơn không chỉ cho việc xây dựng luật mà còn nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, nhà đầu tư thành viên thuộc hiệp hội./.

Điều 27. Quy tắc sử dụng đèn của phương tiện tham gia giao thông

1. Phương tiện tham gia giao thông vào ban đêm (từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau) hoặc khi trời tối hoặc khi có sương mù, thời tiết xấu bị hạn chế tầm nhìn phải bật sáng những đèn sau:

a) Đèn chiếu xa hoặc đèn chiếu gần; đèn sương mù trong điều kiện sương mù (đối với xe có trang bị đèn sương mù theo thiết kế của nhà sản xuất);

b) Đèn chiếu hậu;

c) Đèn định vị được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất.

2. Phương tiện phải tắt đèn chiếu xa và bật đèn chiếu gần trong các trường hợp:

a) Khi lưu thông trên các đoạn đường qua khu dân cư có bố trí hệ thống chiếu sáng và đang hoạt động;

b) Khi xe xin vượt chuẩn bị vượt xe phía trước;

c) Để không chói mắt người điều khiển phương tiện theo chiều ngược lại.

(PA1) 3. Xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải sử dụng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất.

(PA2) 3. Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện, khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau. 

 Thanh Xuân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất