Thứ Hai, 16/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 15/7/2015 21:59'(GMT+7)

Lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ

Dự Lễ công bố có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Hà Hùng Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cùng đại diện lãnh đạo bộ, ban, ngành trung ương và thành phố Hà Nội.

Theo đó, ngày 13/7/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 972/NQ-UBTVQH13 về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), nội dung lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) bao gồm toàn bộ dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) gồm 26 chương, 443 điều.

Ngày 14/7/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng ký Quyết định 1076/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Quyết định nêu rõ, đối tượng lấy ý kiến gồm các tầng lớp Nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Theo các văn bản này, trọng tâm lấy ý kiến là những vấn đề như: Vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội; việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội; quy định không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong một

số trường hợp; quy định không giảm án đối với người bị kết án tử hình nhưng được ân giảm xuống tù chung thân; chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn...

Giới thiệu những nội dung cơ bản của dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và các vấn đề trọng tâm xin ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), đồng chí Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết: Dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi) đề xuất phi hình sự hóa đối với một số hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật hình sự nhưng không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tếthị trường. Ví dụ như đối với nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, Ban soạn thảo đã đề xuất bỏ các tội danh như tội kinh doanh trái phép, tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế.

Nội dung hoàn toàn mới tại dự thảo là việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 6 tội: buôn lậu; trốn thuế; cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; thao túng giá chứng khoán; trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động...

Cũng theo Bộ Tư pháp, Nghị quyết của UBTV Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 15/7/2015 và kết thúc vào ngày 14/9/2015. Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này được lấy ý kiến thông qua nhiều hình thức góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; góp ý thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp và các hình thức phù hợp khác.

Phát biểu chỉ đạo buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Các ý kiến góp ý của nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc đặt phạm vi là công dân Việt Nam trong và ngoài nước tham gia ý kiến, không thể bỏ qua ý kiến của kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài bởi có tới 4 triệu kiều bào đang sinh sống ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có không ít những nhà khoa học, vì vậy, lấy càng nhiều ý kiến càng tốt.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu việc lấy ý kiến phải đảm bảo khoa học, chất lượng, tiến độ, chất lượng hiệu quả, tiết kiệm; các tổ chức chính trị, nghề nghiệp cần có kế hoach triển khai lấy ý kiến trong hội viên của mình, đặc biệt là Hội luật gia, Liên đoàn luật sự, đồng thời các cơ quan thông tấn, báo chí cần dành thời lượng cần thiết, đa dạng hoá các hình thức thông tin để giới thiệu điểm mới của dự thảo Bộ luật hình sự lần này tới nhân dân.

Theo đó mọi ý kiến của nhân dân góp ý vào dự thảo này gửi đến cơ quan, tổ chức được phân công trách nhiệm hoặc gửi trực tiếp đến Bộ Tư pháp theo địa chỉ 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội hoặc qua hộp thư điện tử boluathinhsu@moj.gov.vn. Cá nhân gửi ý kiến góp ý bằng văn bản qua đường bưu điện thì không phải dán tem./.

Thanh Xuân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất