Thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), trong đó tập trung vào 11 nhóm vấn đề trọng tâm. Nhiều ý kiến sát đáng của nhân dân đã được Chính phủ tiếp thu để bổ sung và hoàn thiện dự án Luật.
Theo báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng
Xuân Nhạ trình bày tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
Chính phủ tiến hành lấy ý kiến nhân dân bằng nhiều hình thức thích hợp,
tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể góp ý
vào dự thảo Luật. Các hình thức lấy ý kiến nhân dân đã thực hiện bao
gồm: Góp ý thông qua các cổng thông tin điện tử và các báo giấy, báo
điện tử. Góp ý tại các hội thảo, hội nghị, tọa đàm (rộng rãi và chuyên
sâu). Lấy ý kiến bằng văn bản...
Kết quả lấy ý kiến cho thấy sự quan tâm
sâu sắc của các tầng lớp nhân dân đối với dự thảo Luật, với trên 1 triệu
lượt ý kiến góp ý. Đa số ý kiến cho rằng dự thảo Luật được xây dựng
công phu, về cơ bản đã thể chế hóa được các quan điểm, đường lối của
Đảng (đặc biệt là Nghị quyết số 29-NQ/TW) và cụ thể hóa được các quy
định của Hiến pháp năm 2013. Dự thảo Luật cũng đã kế thừa các quy định
còn phù hợp và khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giáo dục 2005
(sửa đổi, bổ sung 2009).
Có 11 nhóm vấn đề được Chính phủ xác
định là trọng tâm trong quá trình lấy ý kiến Nhân dân. Trong đó, về quy
định triết lý giáo dục có 2 nhóm ý kiến: (i) Đa số các ý kiến góp ý cho
rằng dự thảo Luật không cần một chương hay điều luật riêng có tên là “
triết lý giáo dục” và triết lý giáo dục đã được thể hiện trong các quy
định về mục tiêu của giáo dục, tính chất, nguyên lý giáo dục, yêu cầu về
nội dung, phương pháp giáo dục và phát triển giáo dục của dự thảo Luật;
nhưng cần phải tiếp tục hoàn thiện quy định tại các điều luật nói trên
cho phù hợp với Nghị quyết số 29-NQ/TW và Hiến pháp 2013. (ii) Có một
số ít ý kiến đề nghị hợp nhất Điều 2 (Mục tiêu giáo dục) và Điều 3 (Tính
chất, nguyên lý giáo dục) thành một điều là “Triết lý giáo dục”.
Chính phủ tiếp thu nhóm ý kiến thứ nhất và sẽ tiếp tục hoàn thiện các điều thể hiện triết lý giáo dục trong dự thảo Luật.
Liên quan đến quy định về hướng nghiệp,
phân luồng, có 2 nhóm ý kiến: (i) Đa số ý kiến cho rằng dự thảo Luật
phải bổ sung thêm một điều quy định cụ thể về hướng nghiệp và phân luồng
trong giáo dục; (ii) Có một số ý kiến đề nghị cơ cấu lại hệ thống giáo
dục quốc dân để thực hiện phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, theo
đó “Giáo dục trung học có trung học cơ sở và trung học toàn phần. Trung
học toàn phần lại bao gồm hai luồng: trung học phổ thông và trung học
hướng nghiệp”.
Chính phủ tiếp thu ý kiến đa số của Nhân
dân, bổ sung một điều trong dự thảo Luật quy định cụ thể về hướng
nghiệp và phân luồng trong giáo dục.
Về đầu tư của Nhà nước cho giáo dục, có 2
nhóm ý kiến: (i) Đa số các ý kiến đồng ý với dự thảo Luật quy định ngân
sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà
nước; (ii) Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến đề nghị mức chi cho giáo
dục phải chiếm tối thiểu 25% tổng chi ngân sách nhà nước. Chính phủ nhất
trí với ý kiến đa số của nhân dân như nhóm ý kiến thứ nhất.
Về cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục,
có 2 nhóm ý kiến: (i) Nhóm 1 đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm của
Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các bộ khác, Ủy ban
nhân dân các cấp trong lĩnh vực giáo dục cho phù hợp với chức năng, vị
trí, vai trò của cơ quan đó; (ii) Nhóm 2 đồng ý với quy định tại Điều
103 của dự thảo Luật, chỉ quy định nội dung quản lý nhà nước về giáo
dục, còn trách nhiệm cụ thể quản lý nhà nước về giáo dục của các bộ thì
giao Chính phủ quy định cụ thể nhằm đảm bảo tính linh hoạt trong chỉ
đạo, điều hành của Chính phủ. Chính phủ nhất trí với ý kiến của Nhân dân
tại nhóm ý kiến thứ hai.
Về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục,
có 2 nhóm ý kiến: (i) Đa số ý kiến đề nghị dự thảo Luật phải bổ sung
thêm quy định về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trong dự thảo Luật;
(ii) Một số ý kiến cho rằng không cần thiết có một điều, khoản riêng về
quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trong dự thảo Luật vì đã có các quy
định cụ thể về quy hoạch trong Luật Quy hoạch và các Luật khác.
Chính phủ tiếp thu ý kiến đa số của nhân
dân như nhóm ý kiến thứ nhất, sẽ bổ sung một điều trong dự thảo Luật
quy định về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục.
Về lương nhà giáo, có 2 nhóm ý kiến: (i)
Có ý kiến cho rằng vấn đề lương của nhà giáo cần thực hiện theo Nghị
quyết số 29-NQ/TW, nhưng cũng cần đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số
27-NQ/TW ngày 21/5/2018 theo đó: “nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang,
bậc lương phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ”.
(ii) Các ý kiến khác cho rằng thang bảng lương của nhà giáo cần theo
Nghị quyết Trung ương II (khóa VIII) và Nghị quyết số 29-NQ/TW, theo đó
lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc
lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công
việc, theo vùng.
Về vấn đề này, Chính phủ tiếp thu theo
hướng quy định: Nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương phù hợp
với yêu cầu nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ.
Về giáo dục hòa nhập, có 2 nhóm ý kiến:
(i) Ý kiến thứ nhất cho rằng quy định đối tượng học sinh là người dân
tộc thiểu số vào diện giáo dục hòa nhập cộng đồng tại dự thảo Luật là
không phù hợp vì về bản chất học sinh khuyết tật có những đặc thù về cơ
thể và những đặc điểm riêng về thể chất mới cần được giáo dục hòa nhập.
Học sinh là người dân tộc thiểu số nên học tập bình thường như các dân
tộc khác; (ii) Ý kiến thứ hai cho rằng cần quy định thêm về phương thức,
giải pháp giáo dục hòa nhập đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Chính phủ tiếp thu các ý kiến góp ý và
bổ sung quy định Nhà nước có chính sách hỗ trợ thực hiện giáo dục hòa
nhập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em và
người học là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng
Xuân Nhạ cũng cho biết, liên quan đến góp ý về kỹ thuật lập pháp, có ý
kiến cho rằng, nhìn chung, dự thảo Luật đã đáp ứng được yêu cầu về kỹ
thuật lập pháp, ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, đã sửa đổi một số thuật
ngữ cho đồng bộ với quy định của các luật chuyên ngành. Tuy nhiên, vẫn
còn một số điều luật sử dụng văn nói, từ ngữ chưa hợp lý. Bên cạnh đó,
có ý kiến cho rằng dự thảo Luật vẫn còn một số thuật ngữ mang tính định
tính, đa nghĩa và phải cần có văn bản hướng dẫn mới có thể áp dụng thống
nhất trong thực tế.
Về vấn đề này, tiếp thu ý kiến nhân dân,
Chính phủ sẽ rà soát toàn bộ các quy định của dự thảo Luật để bảo đảm
kỹ thuật lập pháp.
Trong phát biểu kết thúc thảo luận đối
với Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa
đổi) tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch
Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh
Chính phủ đã chủ động, làm việc khoa học, mở rộng đối tượng lấy ý kiến
đối với dự án Luật và đã có báo cáo kết quả. UBTVQH cũng hoan nghênh các
đối tượng được lấy ý kiến, các ý kiến thể hiện tinh thần trách nhiệm,
sự quan tâm đối với với sự nghiệp giáo dục nước nhà và có nhiều ý kiến
sát đáng.
“Căn cứ vào Nghị quyết của Trung ương và
kế thừa luật hiện hành, chúng ta phải có lộ trình, có bước đi phù hợp
trong đổi mới giáo dục-đào tạo và trên cơ sở các ý kiến đóng góp, đề
nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự án
Luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu./.
Nguyễn Hoàng (VGP)