Thứ Bảy, 21/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 12/2/2013 16:7'(GMT+7)

Lễ cúng tổ tiên-nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Lô Lô trên Cao nguyên đá

Là 1 trong 17 dân tộc chung sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), dân tộc Lô Lô là một dân tộc có mặt sớm và có công khai khẩn ở vùng cao biên giới cực Bắc địa đầu của Tổ quốc, nơi có vị trí rất quan trọng về mặt chính trị, an ninh, quốc phòng của Quốc gia. Dân tộc Lô Lô sinh sống ở Hà Giang hiện chỉ có 1.506 người cư trú tập trung ở các xã Lũng Cú, Lũng Táo, Sủng Là (huyện Đồng Văn) và các xã Thượng Phùng, Xín Cái (huyện Mèo Vạc). Với dân số tuy không đông, song dân tộc Lô Lô lại có chiều dày lịch sử và truyền thống văn hóa khá rực rỡ. Đặc biệt, lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô vừa vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Chim có tổ, người có tông” đã nói lên đạo lý hết sức bền vững của dân tộc. Việc thờ cúng tổ tiên đã trở thành một nghi thức, một tập tục truyền từ đời này sang đời khác, trở thành nét đẹp văn hoá tinh thần. Dân tộc Lô Lô chỉ cúng tổ tiên vào dịp Tết Nguyên đán và ngày Rằm tháng 7.

Đối với dân tộc Lô Lô, lễ cũng tổ tiên được tổ chức đêm 30 Tết là quan trọng nhất. Tối hôm trước, thầy cúng phải tiến hành lễ báo với tổ tiên và mời tổ tiên về dự lễ, lễ vật chính là 1 con gà được cắt tiết, 1 bát tiết gà và 3 chén rượu.

Lễ cúng tổ tiên gồm có các lễ vật: 1 con bò, 1 con lợn, 1 con gà, xôi, rượu, tiền vàng, đèn dầu. Trong mỗi lễ cúng tổ tiên một loại hiện vật không thể thiếu được đó là đôi trống đồng (gồm một chiếc trống đực và một chiếc trống cái). Đối với dân tộc Lô Lô, trống đồng là biểu tượng của vũ trụ, của con người và được thần linh hóa cả hình dáng lẫn tiếng nói. Tại lễ cúng, các gia chủ phải mượn những thanh niên trong bản trai tráng, khỏe mạnh hóa trang thành ma cỏ để múa lễ.

Lễ cúng tổ tiên gồm 3 phần lễ chính: Lễ hiến tế tổ tiên; lễ tưởng nhớ tổ tiên; lễ tiễn đưa tổ tiên. Ngày lễ thường diễn ra cả ngày hôm trước đến rạng sáng ngày hôm sau là kết thúc. Lễ diễn ra tuần tự, trang nghiêm, đặc biệt là khi hiến tế tổ tiên các lễ vật, toàn bộ trẻ em trong dòng họ có mặt phải quỳ xuống đất, khoanh tay trước ngực, đầu cúi xuống nghe hết bài cúng dâng lễ của thầy cúng. Trong suốt thời gian diễn ra buổi lễ, đoàn múa nghi lễ gồm các ma cỏ (cỏ được hóa trang phủ kín khắp người, chỉ trừ mỗi đôi mắt để không ai phát hiện ra người hóa trang ma cỏ là ai thì mới linh thiêng); các thiếu nữ Lô Lô diện những bộ trang phục truyền thống luôn nhảy múa nghi lễ theo nhịp trống đồng.

Các lễ vật để cúng hiến tế tổ tiên sau khi cúng xong sẽ được chế biến thành những món ăn ngon để cảm ơn bà con trong bản đã đến giúp dòng họ làm lễ như cảm ơn thầy cúng, người hóa trang ma cỏ, đầu bếp, người đánh trống đồng, người cho mượn trống đồng và mời đông đảo bà con trong bản đến dự lễ ăn cơm, uống rượu chia vui với gia đình.

Khi kết thúc lễ cúng tổ tiên thì trời cũng rạng sáng, mọi người ra về với niềm tin là tổ tiên đã vui mừng cùng con cháu và đã yên tâm trở về cõi vĩnh hằng, phù hộ cho con cháu trong gia đình, bà con trong bản mạnh khỏe, mùa vụ bội thu, chăn nuôi gia súc, gia cầm sinh sôi...

Theo chị Dương Thanh Hương, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Giang, là người trực tiếp nghiên cứu, viết hồ sơ đề nghị công nhận trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia: Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô là nét văn hóa dân gian độc đáo, có tính gắn kết cộng đồng, anh em, dòng họ bền chặt, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em một nhà. Họ cùng đoàn kết, thương yêu, chung sống, gắn bó với nhau nơi biên cương của Tổ quốc.

Dân tộc Lô Lô luôn biết ơn tổ tiên, họ luôn đề cao quan niệm "Uống nước nhớ nguồn", tin tưởng vào cuộc sống mà Đảng và Bác Hồ đã mang lại. Chính vì vậy, trong tất cả các gia đình dân tộc Lô Lô, nhà nào cũng trân trọng treo ảnh Bác Hồ ở vị trí trang trọng nhất. Đặc biệt, qua một cuộc khảo sát của các ngành chức năng, 100% gia đình dân tộc Lô Lô không bị kẻ xấu lợi dụng, không theo đạo trái pháp luật.

Với những nét đặc trưng riêng có, lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô đã thể hiện được bản sắc văn hóa hết sức quan trọng, tăng tính cố kết của cộng đồng làng xã. Các nghi thức tế cúng lễ dân gian vẫn được duy trì, đặc biệt là việc hóa trang ma cỏ để múa nghi lễ. Yếu tố đạo lý và tín ngưỡng xây dựng nền tảng cho sự thờ cúng tổ tiên, đã và đang trở thành nét sâu đậm văn hóa trong đời sống tâm linh của dân tộc Lô Lô cần được bảo tồn, gìn giữ và phát triển./.

Minh Tâm
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất