Chủ Nhật, 24/11/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 10/2/2013 22:39'(GMT+7)

Ngày Xuân vào Đại Nội nghe Nhã nhạc cung đình Huế

Múa "Lục cúng hoa đăng ." (Ảnh: TTXVN)

Múa "Lục cúng hoa đăng ." (Ảnh: TTXVN)

Mở cửa miễn vé cho nhân dân và học sinh vào các địa điểm di tích trong 3 ngày (từ mồng một đến mồng ba) Tết Âm lịch, đối với nhiều người, không gì thú vị bằng ngày Xuân được đến với bộ môn nghệ thuật Nhã nhạc cung đình Huế tại Nhà hát Duyệt Thị Đường - Đại Nội. Ở đó, từ loại hình âm nhạc chỉ phục vụ trong cung vua xưa đã đến được rộng rãi hơn với công chúng.

Không gian diễn xướng là nhà hát được xếp vào loại cổ nhất Việt Nam hiện nay, bởi từng được xây dựng cách đây 200 năm, dưới triều Nguyễn. Thời đó, Duyệt Thị Đường là nơi biểu diễn nghệ thuật như tuồng, múa, nhã nhạc cung đình cho nội cung vua.

Sau thời gian dài vắng bóng, nay nhà hát Duyệt Thị Đường đã được trùng tu trở lại phục vụ công chúng hàng ngày với 4 suất diễn/ngày trong các chương trình Nhã nhạc và múa hát cung đình tại Đại Nội Huế. Giá vé cho một chương trình nghệ thuật, nếu có thưởng thức trà cung đình là 120.000 đồng, còn lại là 70.000 đồng có phục vụ nước uống bình thường.

Đạo diễn Trương Tuấn Hải, Giám đốc nhà hát nghệ thuật cung đình Huế cho biết: Là một loại hình âm nhạc mang tính bác học của các triều đại quân chủ trong xã hội Việt Nam suốt hơn 10 thế kỷ. Nhã nhạc nhằm tạo sự trang trọng cho các cuộc tế, lễ cung đình như Tế Giao, Tế miếu, Lễ Đại triều, Thường triều... Tinh hoa này được cô đọng lại dưới triều Nguyễn, khiến cho Huế càng được khẳng định hơn về một trung tâm văn hóa tiêu biểu của dân tộc.

Các tiết mục được sưu tầm, giới thiệu sau khi Nhã nhạc Huế (Âm nhạc cung đình Việt Nam) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại hiện nay gồm có: Đối với loại hình Đại nhạc (Nhã nhạc Huế) có "Tam luân cửu chuyển," "Trống thái bình," "Song tấu trống kèn," "Cung bằng," "Đăng đàn cung," "Cung ai, Cung bằng""Bài Bóp."

Đối với Tiểu nhạc có: "Thập thủ liên hoàn," "Phú lục địch," "Độc tấu kèn bầu “Cung ai,” "Lưu thủy" "Nhạc Thiều." Ngoài ra còn có Múa cung đình với "Lân Mẫu xuất Lân nhi," "Lục Cúng hoa đăng," "Trình Tường tập khánh," "Nữ tướng xuất quân," "Long hổ hội," "Bát Dật Văn," "Bát Dật Võ," "Vũ Phiến," "Tam Quốc - Tây Du" và "Song Phụng..."

Múa Cung đình tham gia hội diễn đạt giải đặc biệt, "Tam luân cửu chuyển" đạt giải Bông Sen bạc...Nhiều cá nhân đạt Huy chương vàng, bạc, đồng qua các kỳ hội diễn trong toàn quốc.

Gần đây, Nhà hát nghệ thuật cung đình Huế đã chú trọng đến công tác sưu tầm nghiên cứu, coi đây là một công việc quan trọng, xuyên suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản phi vật thể Nhã nhạc Huế, cũng như ca múa cung đình, tuồng cung đình Huế. Riêng từ năm 2012 đến nay, nhà hát đã nghiên cứu thành công Nhã nhạc “Bài bản Tam Thiên,” hoàn thành hồ sơ nghiên cứu “Mặt nạ tuồng Huế,” kết thúc giai đoạn I hồ sơ nghiên cứu Nhã nhạc “Bài bản Cung ai.”

Nhà hát đã hoàn chỉnh đề cương hồ sơ nghiên cứu “Xây dựng cơ sở dữ liệu Âm nhạc Cung đình Huế,” được Sở Khoa học Công nghệ chấp thuận ký hợp đồng thực hiện (do Trung tâm làm chủ đề tài). Biểu diễn quảng bá di sản cung đình Huế trong Festival Huế 2012; dàn dựng chương trình nhã nhạc tham gia hội thi nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam lần thứ I tại thành phố Huế; tham gia chương trình bế mạc năm du lịch quốc gia và liên hoan hợp xướng quốc tế 2012 tổ chức tại tại Huế…

Trưởng thành qua thời gian, hiện nay, Nhà hát nghệ thuật cung đình Huế đã quy tụ được hơn 170 nghệ sĩ, nhạc công, diễn viên, người làm công tác nghiên cứu khoa học. Đội ngũ cán bộ, diễn viên nhà hát đều được đào tạo bài bản, trong đó có 75 người có trình độ đại học và cao đẳng chuyên ngành. Một số khác được đào tạo theo lối "truyền nghề" của các nghệ nhân đi trước như cụ Trần Kích, cụ Lữ Hữu Thi, cụ Lữ Hữu Cử.

Riêng nghệ nhân Trần Kích trước lúc mất đã kịp giúp nghiên cứu, ký âm hoàn chỉnh góp phần ghi lại được 30 bài bản về Đại nhạc và Tiểu nhạc (Nhạc cung đình Việt Nam) để truyền nghề cho học trò, và giúp cho chương trình đào tạo khoá Nhã nhạc Huế hệ đại học tại Trường Đại học Nghệ thuật Huế. Cụ Thi và cụ Cử là hai anh em, đều là những tay chơi nhạc cự phách của đội nhạc Hoà Thanh trong cung đình (còn gọi là Tiểu nhạc) còn lại hiện nay ở Huế, nên việc tranh thủ "vốn liếng" nghề nghiệp của các cụ để truyền cho lớp trẻ đã được nhà hát Duyệt Thị Đường quan tâm hơn bao giờ hết.

Theo sách sử thì Nhã nhạc ra đời vào triều Lý (1010-1225) và hoạt động một cách quy củ vào thời Lê (1427-1788), là loại hình nhạc mang tính chính thống, với quy mô tổ chức chặt chẽ. Song, vào giai đoạn cuối của triều Lê, âm nhạc cung đình dần dần đi vào thời kỳ suy thoái và nhạt phai dần. Đến thời Nguyễn (1802-1945), vào nửa đầu thế kỷ XIX, âm nhạc cung đình phát triển trở lại.

Triều đình Nguyễn quy định 7 thể loại âm nhạc, gần giống với các thể loại của triều Lê, bao gồm: Giao nhạc, Miếu nhạc, Ngũ tự nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, Yến nhạc, Cung trung nhạc. Dưới thời Nguyễn, Nhã nhạc được dùng trong các lễ tế đại triều 2 lần/tháng, thường triều 4 lần/tháng: Nam Giao, Tịch Điền, sinh nhật vua và hoàng hậu. Tế bất thường: Đăng quang, lễ tang của vua và hoàng hậu, đón tiếp sứ thần. Tùy theo từng cuộc tế lễ mà có các thể loại khác nhau, như Đại triều nhạc dùng trong lễ Nguyên đán, Ban sóc. Đại yến cửu tấu nhạc dùng trong mừng thọ, chúc thọ, tiếp đãi sứ thần. Cung trung nhạc biểu diễn trong trong các cung hoàng thái hậu và thái hoàng thái hậu; Miếu nhạc sử dụng tại các nơi thờ vua, chúa; Ngũ tự nhạc dùng trong tế Xã tắc, Tiên nông.

Tuy nhiên, vào cuối thời Nguyễn, chỉ còn duy trì 2 loại dàn nhạc là Đại nhạc (gồm trống, kèn, mõ, bồng, xập xõa) và tiểu nhạc (trống bản, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn tam, địch, tam âm, phách tiền)...tức là Nhã nhạc Huế (Âm nhạc cung đình Việt Nam) hiện nay./.

Quốc Việt
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất