Thứ Tư, 30/10/2024
Tuyên truyền
Thứ Ba, 11/4/2017 19:3'(GMT+7)

Lê Duẩn - những kiến giải về con người và văn hóa

Tổng Bí thư Lê Duẩn nói chuyện với cán bộ, công nhân Nông trường Tây Hiếu, tỉnh Nghệ Tĩnh (22/4/1979). (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư Lê Duẩn nói chuyện với cán bộ, công nhân Nông trường Tây Hiếu, tỉnh Nghệ Tĩnh (22/4/1979). (Ảnh: TTXVN)

Đồng chí Lê Duẩn viết không nhiều. Nhưng những bài nói, diễn văn, tiểu luận của đồng chí đều gây ấn tượng mạnh nhờ triết lý sâu, kiến thức rộng, tính thực tiễn cao, phép biện chứng sắc sảo. Bài viết này chỉ dừng lại ở hai triết luận về con ngườivăn hóa được Lê Duẩn vừa biện giải vừa phản biện một cách sâu sắc, vừa có lý vừa có tình, tất cả đều mang tính nhân văn và tính thời sự cho đến hôm nay, khi Đảng ta mới công bố nhiều nghị quyết về chủ đề trên, nhất là Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (2014) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đây được coi là bước phát triển quan trọng trong tư duy lý luận về văn hóa của Đảng, có ý nghĩa như một cương lĩnh văn hóa trong thời kỳ đổi mới, mà trọng tâm là xây dựng con người, xây dựng môi trường sống và làm việc có văn hóa, có đạo đức, văn minh, lành mạnh.

1. Trong những thập kỷ gần đây, nhất là ở thế kỷ XX, trong triết học và nghệ thuật học, các học giả ở phương Tây và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây đã bàn luận khá nhiều về chủ đề Con người và văn hóa, văn minh. Có thể nói, đóng góp của họ vào khoa học xã hội và nhân văn quốc tế là rất đáng kể, tuy nhiên vẫn còn những ý kiến trái ngược. Xin lý giải như sau:

Con người là sinh vật xã hội, mang trong mình năng lực tổ chức thế giới, sáng tạo ra mọi của cải vật chất và tinh thần, sáng tạo ra “thiên nhiên thứ hai” - được gọi là văn hóa theo nghĩa rộng. Như vậy, con người không phải là một thực thể bí ẩn như có học giả đã chiêm nghiệm. Phải khẳng định, con người có trước văn hóa và văn minh, bởi chính con người, sau khi sáng tạo ra mọi của cải vật chất và tinh thần, đã tạo ra tín ngưỡng, tôn giáo…

Ở mỗi thời đại đều có những quan niệm khác nhau về sự phát triển của con người, nhưng mẫu số chung vẫn là sự tôn vinh, lòng ngưỡng mộ của lịch sử đối với vai trò và giá trị của con người. Thời cổ đại Hy - La, con người được coi là “châu báu” của vũ trụ, khuôn mẫu của muôn loài. Ở Thời đại Phục hưng, con người được coi là trung tâm của vũ trụ, bởi thời đại này đã sản sinh ra những tài năng bách khoa, những con người khổng lồ về nhiệt tình sáng tạo, về lòng say mê lao động, khổng lồ về tư tưởng và sâu sắc về trí tuệ. Với C.Mác, con người là một sinh học - xã hội, một thực thể tự nhiên có tính chất người, tính loài của con người...

Song song với quá trình phát triển của con người phải nói đến văn hóa. Bởi văn hóa bên cạnh là “sản phẩm” của con người, thì văn hóa cũng làm cho con người ngày càng hoàn thiện về giá trị, phẩm chất - hay nói cách khác thì chính văn hóa sẽ nâng con người lên, làm cho NGƯỜI hơn. Dù bối cảnh, tình hình học thuật của thế giới có biến động, thăng trầm ra sao, các quan điểm triết thuyết có thay đổi như thế nào (toàn cầu hóa, hậu hiện đại, hiện thực mới, thực chứng mới, v.v..) thì khoa học chân chính vẫn tìm ra được nguồn gốc và giá trị  của văn minh và văn hóa.

Sơ lược về con ngườivăn hóa như trên, để có thể thấy và khẳng định một điều rằng: những kiến giải triết học của đồng chí Lê Duẩn ở những thập niên 1960 - 1970 đã tiếp cận được với những quan điểm tiên tiến của chủ nghĩa Mác - Lênin và những trào lưu triết học tiến bộ khác về khái niệm và bản chất của con ngườivăn hóa.

2. Con người là sản phẩm của lịch sử của một xã hội nhất định

Trong bài nói tại Hội nghị Tuyên huấn toàn miền Bắc tháng 4/1962, đồng chí Lê Duẩn khẳng định: “Con người luôn luôn là con người lịch sử, con người xã hội. Nó là sản phẩm lịch sử của một xã hội nhất định”(1). Như vậy, con người không phải là siêu nhân đứng bên lề lịch sử, thoát ly cội nguồn lịch sử. Mặt khác, con người cũng không phải là “sản phẩm tạo hóa” trừu tượng, siêu hình, mà là tổng hòa các yếu tố biện chứng: có tố chất tích cực và hành vi tiêu cực, có cái bất biến và cái khả biến, có cái cá nhân và cái cộng đồng, có lịch đại và đồng đại.v.v.. Trong tiến trình dựng nước và giữ nước, sự hình thành con người bị chi phối bởi những điều kiện khách quan và chủ quan (lịch sử, địa lý, chế độ chính trị, tâm lý, phong tục tập quán, phương thức sản xuất.v.v..). Có học giả từng nhận định: Người Việt Nam thường có tâm lý thích nói về những ưu trội, còn những nhược điểm, thói xấu thường khó chấp nhận. Thực ra nói như vậy là thiếu khoa học và chưa khách quan. Điều này đã được đồng chí Lê Duẩn kiến giải: “Ta là người Việt Nam, nhưng ta hiểu ta không phải dễ, hiện nay chúng ta chưa phải hiểu rõ người Việt Nam lắm đâu. Muốn hiểu rõ thì phải đối chiếu với người khác, nếu không, thì mình không hiểu được mình”(2).

Xin nêu một ví dụ: Tại sao vào thập niên 1950, xuất phát điểm của Việt Nam không khác mấy so với Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore và một số nước Đông Nam Á, nhưng đến nay, nước ta mới chỉ được xếp vào hàng trung bình, nhất là về lĩnh vực kinh tế? Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, hạn chế đó có nguyên nhân chính là do con người. Người Việt Nam thông minh, nhưng mới ở từng cá nhân, chưa nâng tầm thông minh lên mức độ cộng đồng; tài năng nhiều khi bị ràng buộc bởi cơ chế, chất xám bị chảy ra nước ngoài. Chúng ta vẫn nói về tình trạng hiền tài được đào tạo không muốn làm việc cho cơ quan Nhà nước vì lương thấp, có tiến sĩ được đào tạo bài bản ở nước ngoài, nhưng khi về nước lại phải chờ việc, chạy việc. Cách quản lý thiếu khoa học, quan trọng hàng đầu là quản lý vĩ mô đang ở tình trạng bất cập như nhiều nghị quyết của Đảng đã nhận định. Quản lý vĩ mô là một khoa học, vừa là một nghệ thuật, trong đó quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, quản lý tiền tệ, tài chính, hành chính… là những dây thần kinh hệ trọng và nhạy cảm của nền kinh tế quốc dân. Trong xã hội tin học và nền kinh tế tri thức, quản lý vĩ mô đòi hỏi tri thức tổng quát và tri thức chuyên ngành, là sự phối hợp với nhiều đối tác, điều hành theo dự án, chối bỏ lối quản lý kinh nghiệm chủ nghĩa.

Từ thập niên 1960, khi nói về con người, Lê Duẩn đã đề xuất một luận điểm có thể nói là táo báo, đầy chất thông tuệ biện chứng, đó là quan hệ giữa cái cá thể và cái cộng đồng: “Muốn xây dựng tư tưởng làm chủ tập thể, thì phải phá bỏ làm ăn cá thể, nhưng phá như thế nào, phá cái gì và giữ cái gì? Phá bỏ tư tưởng làm ăn cá thể không có nghĩa là phá tất cả thuộc về cá thể. Chủ nghĩa xã hội không bao giờ chủ trương xóa bỏ quyền lợi cá nhân, mà chỉ làm cho quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể nhất trí với nhau… Trong kinh tế phần cá thể vẫn là nguồn sống của con người, trong xã hội nguyện vọng chính đáng của cá nhân là một sự thật khách quan, là sự sống tự nhiên của con người”(3). Tư tưởng lý luận và tính thực tiễn của nội dung trên rõ ràng có sự ảnh hưởng rõ rệt của chủ nghĩa Mác và của các trào lưu triết học tiến bộ trên thế giới. Bởi sau đó không lâu, cánh cửa Đại hội VI của Đảng đã mở ra chân trời sáng tạo, trong đó có thể lấy ví dụ từ kinh nghiệm Khoán 10 trong nông nghiệp ở Vĩnh Phúc với sáng kiến của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc trong việc khoán sản phẩm cho từng hộ… Đây là một trong những minh chứng về vai trò cá thể chính đáng trong đời sống, như đồng chí của Lê Duẩn đã nói.

Tất nhiên, phương pháp luận nghiên cứu con người của Lê Duẩn dù mang tầm chiến lược và đã hé mở cho giới khoa học việc nghiên cứu con người, nhưng thực sự không không đơn giản như vậy. Bởi ở thời điểm đó, những kiến giải về con người của Lê Duẩn mới chỉ dừng lại con người xã hội và một phần nào bàn về xác tín, niềm tin tôn giáo đối với một số tổ chức tôn giáo ở Nam Bộ với mục tiêu đại đoàn kết dân tộc. Ngày nay, con người đã được giới khoa học nhìn nhận trong mối quan hệ đa chiều: vừa công khai, vừa bí ẩn, vừa dễ hiểu, vừa phức tạp. Ngoài con người xã hội còn có con người sinh học (chiều cao, trọng lượng, tầm vóc, sinh lý); con người tâm lý (tâm trạng, vô thức, hữu thức, v.v…); con người tâm linh (niềm tin, tôn giáo, tín ngưỡng).

3. Bản chất hòa giải, hòa hiếu, nhân văn của văn hóa

Luận điểm này ta thấy rõ ở Nguyễn Trãi khi thay mặt Lê Lợi viết “Đại cáo Bình Ngô” là “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”; hoặc ở Quang Trung là minh triết trong các Chiếu khuyến nông, Khoan thư sức dân, Cầu hiền tài; và ở Hồ Chí Minh là Cách mạng là sáng tạo.

Bản chất hòa hiếu - nhân văn, toát lên tầm văn hóa của Hồ Chí Minh, được biểu hiện rất rõ ở vào thời điểm năm 1945 - 1946, khi chính bàn tay hòa hiếu của Người đã nhiều lần chìa ra cho các nhà hoạch định chính sách ở Paris, Washington, nhưng đã bị họ từ chối, khiến cho những hậu quả khôn lường xảy ra không chỉ đối với Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới. Tầm văn hóa của Hồ Chí Minh còn được thể hiện rõ trong đối nội, đó là sự trọng dụng, biệt đãi các bậc hiền nhân, chí sĩ, dù từ phương nào đến, miễn là họ có tài, yêu nước, thương dân.

Nói về bản chất hòa hiếu của văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại, Lê Duẩn bằng phép biện chứng sắc sảo đã nêu một chuỗi quan hệ hữu cơ giữa cái chung và cái riêng, lý trí và tình cảm, lý luận và thực tiễn. Trong bài nói: Tạo một chuyển biến mạnh mẽ về công tác tư tưởng(4) tại Hội nghị Tuyên huấn toàn miền Bắc tháng 4/1962, sau khi phân tích quy luật đặc thù của tư tưởng - văn hóa, đồng chí nói: “Chủ nghĩa xã hội không bao giờ chủ trương xóa bỏ quyền lợi cá nhân, chỉ làm sao cho quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể được nhất trí, v.v.. Ta khuyến khích mỗi người cố gắng tiến lên để đời sống chung và riêng được khá hơn, v.v..”(5). Phương pháp tư duy năng động và cởi mở của đồng chí còn được thể hiện ở nhiều ý tưởng như: “Công tác tư tưởng không chỉ nắm lý luận, phải biết gắn tình cảm với lý luận”; “vấn đề nhân sinh quan là vấn đề lý trí, đồng thời là vấn đề tình cảm”; “triết học giải quyết lý trí, nghệ thuật xây dựng tình cảm. Cả hai đều phải nhất trí với nhau thì mới giải quyết được vấn đề tư tưởng; để hiểu được một việc gì thì con người dùng lý lẽ, lý trí nhưng khi hành động thì phải có tình cảm”(6). Lý trí và tình cảm là hai thuộc tính thiêng liêng của con người. Thông qua chính trị, triết học, đạo đức học, văn học, nghệ thuật, con người xây dựng nhân cách, đạo đức, năng khiếu, sáng tạo. Ở đây cần có học vấn đã đành, nhưng còn cần đến cái cần có tức là giáo dục và tự giáo dục, cần kiến thức và cách giải quyết tri thức trong thực tiễn. Tôi hiểu câu phương thức hành động trong cách mạng tư tưởng và văn hóa của đồng chí Lê Duẩn là “không dùng bạo lực, hành chính, mà dựa vào tự nguyện” của từng cá nhân là như vậy. Con người khác con vật là ở chỗ: Mỗi con vật chỉ là cái mà nó đang là… duy chỉ có con người là không có gì tuyệt đối cả, nó sẽ trở thành cái mà nó phải là… (tức là văn hóa, pháp luật, đạo đức và một phần tín ngưỡng, tôn giáo, v.v…).

Có hai kiến giải về văn hóa của Lê Duẩn vừa có ý nghĩa lâu dài vừa có tính cập nhật, đó là quy luật của nghệ thuật: “Nói đến nghệ thuật tức là nói quy luật riêng của tình cảm, nghệ thuật vận dụng quy luật riêng của tình cảm”(7). Tôi coi đây là một phát kiến mới mang tính triết học trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật. Ở nước ta, trong khoa lý luận văn học, trước đồng chí Lê Duẩn, có nhà văn coi nghệ thuật là tiếng nói tình cảm. Trong một bài viết, Nguyễn Đình Thi đã dẫn lại ý niệm của LepTônxtoi về vai trò của tình cảm, của cảm xúc cá nhân, với câu nói súc tích: “Nghệ thuật là tiếng nói của tình cảm… cảm giác, đời sống cảm xúc, ấy là chiến khu chính của văn nghệ” và nhấn mạnh cái ánh sáng bên trong, sự vận động biện chứng của tâm hồn con người. Nhưng chưa có học giả nào nêu thành quy luật của tình cảm. Khi nói quy luật riêng của tình cảm tức là nói đến tính khách quan, phát triển theo dạng thức đặc thù, độc lập với lý trí, với ý thức. Tình cảm của con người trong nghệ thuật (chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận) thường rộng lớn, thăng hoa, vượt qua nhận thức suy lý. Tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi tác giả ngoài nhận thức và phản ánh, còn bước sang trực giác, ẩn chứa trong mình sức mạnh của tri giác, cái mà nhận thức lý tính bất lực. Trong quá trình sáng tạo, nghệ sĩ không chỉ tỉnh mà còn biết say, không chỉ theo con đường mòn lô gích trong khi diễn đạt, mà còn đòi hỏi sức tưởng tượng, liên tưởng, linh cảm, vô thức. Thiên chức của nghệ thuật là giáo dục tình cảm, xây dựng ở người đọc, người nghe, người xem một tình cảm lành mạnh, một cảm xúc thú vị khi đọc một câu thơ hay, một bản nhạc du dương, một bức tranh có hồn, v.v.. Người ta nói chỉ có nghệ thuật mới phá bỏ được độc quyền của nhận thức lô gích là vậy.

Cách đây trên dưới 50 năm, Lê Duẩn đã viết những dòng mà thời đó ít người quan tâm. Đó là văn hóa gia đình: “Gia đình là tế bào tự nhiên của xã hội, là một hình thức tồn tại của đời sống con người. Không có gia đình để tái sản xuất ra bản thân con người thì xã hội không thể tồn tại và phát triển được”… “Người cách mạng không coi nhẹ gia đình, không phải là vô gia đình”(8) như luận điệu của kẻ xấu. Nói như vậy là rất mới, và vẫn là vấn đề rất nóng hiện nay, khi một bộ phận cha mẹ, do nhiều nguyên nhân chối bỏ vai trò thiêng liêng của gia đình, lơ là việc giáo dục lớp trẻ. Ở một số gia đình, vấn đề gia phong, gia lễ bị sức ép của lối sống thực dụng, chữ hiếu không được coi trọng; “già không được nuôi, trẻ không được dạy”. Một bộ phận lớp trẻ xa rời truyền thống dân tộc, vừa sùng ngoại, phục ngoại một cách vô cớ, v.v… Ở đây có hai vấn đề: cái trước là văn hóa hiểu biết, tức là trình độ học vấn; còn cái sau là văn hóa giáo dục tức là trách nhiệm công dân, đạo lý làm người, sự tu thân của một thành viên trong gia đình.

V.I. Lênin đã từng nói: “Triết học là văn hóa của tâm hồn”(9). Đọc những kiến giải triết học của Lê Duẩn về con ngườivăn hóa, giúp ta hiểu sâu hơn về vai trò trung tâm của con người, về nền tảng tinh thần và động lực của văn hóa, nguồn lực nội sinh của phát triển, coi vị trí của văn hóa ngang hàng với chính trị, kinh tế, mà có thời điểm lịch sử, văn hóa “đi trước” các loại hình ý thức khác./.

GS. Viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh

________________________

(1) Dẫn theo bài: Tạo một biến chuyển mạnh mẽ về công tác tư tưởng, trong cuốn: Xây dựng nền văn hóa mới, Nxb. Văn hóa - Thông tin. H, 1977.

(2) (3) Lê Duẩn về văn hóa - nghệ thuật, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H, 1977, tr. 157; 152.

(4) (5) (6) (7) Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh: Về văn hóa văn nghệ (in lần thứ (3), Nxb. Văn hóa, H, 1976, tr. 69 - 72; 71; 70-71-72; 72

(8) Một nhà lãnh đạo lỗi lạc - một tư duy sáng tạo lớn của Cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, tr. 257.

(9) Philosophic c’estune culture de l’âme.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất