Thứ Sáu, 11/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 7/2/2009 9:57'(GMT+7)

Lễ hội 2009 trong mắt nhà quản lý

Những ngày này, khách thập phương đua nhau đổ về những miền lễ hội, thì chính các nhà quản lý văn hóa cũng không thể vắng mặt ở những "địa chỉ trọng yếu" ấy để kiểm tra, nhắc nhở, rút kinh nghiệm… sao cho lễ hội của đất Hà Nội ngàn năm văn hiến thực sự văn minh, đặc sắc.

Ngay từ trước Tết nguyên đán 2009, các nhà quản lý Hà Nội đã chuẩn bị sẵn "Kế hoạch chỉ đạo tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội". Và trước đêm giao thừa hơn nửa tháng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lên kế hoạch cụ thể đi kiểm tra công tác tổ chức và quản lý lễ hội xuân Kỷ Sửu 2009. Song hành với nó, với trách nhiệm là đơn vị thường trực ban chỉ đạo cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" của Thành phố, Sở đã yêu cầu các đơn vị cơ sở thực hiện nghiêm chỉnh Quy chế tổ chức lễ hội và "Hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt tín ngưỡng - tôn giáo tại nơi thờ tự", đồng thời tuyên truyền quy chế và hướng dẫn tại những điểm diễn ra lễ hội để người đến sinh hoạt tín ngưỡng, tham quan di tích, dự lễ hội biết và thực hiện.


Ảnh minh họa

Ngoài những lễ hội "chính tay" Sở phối hợp với UBND các quận tổ chức như lễ hội kỷ niệm 220 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Xuân Thăng Long - Hà Nội 2009, đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh); Chùa Hương (huyện Mỹ Đức); Chạy lợn thờ (huyện Phú Xuyên), thì từ mồng 6 Tết (31/1/2009) đến giờ, đoàn kiểm tra đã đến một số điểm diễn ra lễ hội ở Hà Nội. Ví như hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn), hội đền Cổ Loa (huyện Đông Anh), hội chùa Đậu (huyện Thường Tín) và hội Triều Khúc (huyện Thanh Trì)… Đợt kiểm tra này vẫn đang tiếp tục cho tới hết 6/3/2009 với đủ 15 lễ hội đã định. Ông Phùng Quang Trung, trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH,TT & DL) cho biết: Đợt kiểm tra lễ hội này nhằm nắm chắc việc thực hiện Quy chế tổ chức lễ hội, nội dung và hình thức của phần lễ, phần hội, thực trạng di tích. Từ đó, phát hiện những mặt tốt để phát huy, đồng thời nhận ra điểm yếu để rút kinh nghiệm, khắc phục uốn nắn kịp thời.

Cái nhìn sơ bộ của nhà quản lý là: "Có nhiều chuyển biến tích cực tại các lễ hội so với năm ngoái, các lễ hội được địa phương tổ chức mang đậm nét văn hoá truyền thống". UBND các huyện đã hướng hoạt động lễ hội và hoạt động tín ngưỡng theo quy chuẩn: An ninh trật tự được bảo đảm, cảnh quan môi trường khu vực lễ hội và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm, phần lễ được rút gọn và văn tế hoàn toàn sử dụng tiếng quốc ngữ. Mùa lễ hội 2009 này hầu như không còn hiện diện các hình thức cờ bạc núp bóng trò chơi có thưởng... Riêng việc thực hiện các nghi thức truyền thống trong lễ hội đã được chú trọng thực sự. Đây là điều đáng để tâm nhất, bởi nghi lễ được tiến hành trang trọng dựa trên nguyên tắc bảo tồn những nghi lễ truyền thống vốn có của từng lễ hội, đồng thời duy trì và phát huy các hình thức sinh hoạt văn hoá, văn nghệ dân gian lành mạnh. Ngoài ra nghi lễ còn lồng ghép cả việc giới thiệu tôn vinh về lịch sử truyền thống của địa phương, di tích và lễ hội với việc báo cáo trước nhân dân những thành tựu của địa phương, đồng thời phát động nhân dân thực hiện tốt những chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, các chỉ tiêu kinh tế - văn hoá - xã hội của địa phương trong thời gian tới.


Ảnh minh họa

Dẫu vậy thì con mắt nhìn công bằng của nhà quản lý vẫn nhận ra rằng, ở hội đền Sóc, hội Chùa Đậu… còn hiện tượng người bán hàng bày bán trước cổng vào di tích gây lộn xộn. Mặc dù ban tổ chức các lễ hội đã rất cố gắng, tuy nhiên vệ sinh môi trường ở hầu hết các lễ hội chưa thực sự đảm bảo mà nguyên nhân chính nằm ở ý thức người dân. Lời nhắc nhở đúng lúc đã được đưa ra cho ban quản lý các di tích cùng với một số điểm nhấn mà họ cho rằng không thừa. Ấy là chuyện sắp xếp hợp lý các điểm vui chơi và dịch vụ để bảo đảm tính tôn nghiêm của khu vực hành lễ, trông giữ xe đúng giá quy định, kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các hoạt động mê tín dị đoan, tuần tra bảo vệ di tích phòng chống trộm cắp cổ vật, phòng chống cháy nổ.

Hành trình kiểm tra quản lý lễ hội 2009 vẫn đang tiếp tục với nỗ lực của nhà quản lý mong lái hoạt động văn hóa tín ngưỡng này đúng theo quỹ đạo. Từ đây hy vọng sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm quý cho mùa lễ hội xuân tới, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

(Theo Kinh tế đô thị)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất