Cùng dự buổi lễ có Hòa thượng Thích Thanh Tứ - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; lãnh đạo nhiều Bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước cùng hàng vạn người dân địa phương và du khách thập phương.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan hoanh nghênh tỉnh Hà Nam đã có sáng kiến tổ chức Lễ hội Tịch Điền nhằm tái hiện huyền tích xưa và khuyến khích người dân tích cực lao động sản xuất, làm ra nhiều của cải vật chất cho gia đình và xã hội. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, Lễ hội Tịch Điền được tổ chức đã tạo thêm khí thế thi đua lao động sản xuất vào dịp đầu xuân, khởi đầu cho một mùa màng bội thu, no ấm. Đây là một việc làm hữu ích phù hợp với đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Lễ hội cũng tạo ra một diễn trường tưng bừng, sôi nổi chào mừng lần thứ 79 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, phục vụ nhân dân vui Tết, đón Xuân Kỷ Sửu. Lễ hội Tịch Điền cũng là lễ hội văn hóa, tâm linh hàm chứa sức sống, sự giàu có của văn hóa Việt Nam, cùng các lễ hội khác được tổ chức vào dịp đầu xuân, thể hiện sự phong phú của kho tàng văn hóa dân tộc.
|
Trang trí cho trâu tham gia lễ hội |
Chương trình khai mạc Lễ hội đã được bắt đầu bằng màn trống hội do đội trống làng Đọi Tam biểu diễn - vùng đất có nghề làm trống nổi tiếng trong cả nước. Thay mặt lãnh đạo tỉnh Hà Nam, ông Trần Xuân Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh đã đọc văn trình, báo cáo với trời đất, tổ tiên và xin phép được tiến hành nghi lễ tịch điền vào dịp đầu xuân.
Theo Việt Sử lược - cuốn sử lược sớm nhất dưới thời Trần đã chép về sự kiện năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (987), vua Lê Đại Hành về cày Tịch điền ở Đọi Sơn, phát hiện một lọ vàng, một lọ bạc, mở đầu để các ông vua triều đại sau noi gương khuyến nông. Có nhiều ý kiến giải thích về việc này, nhưng tựu chung lại đều đi đến kết luận vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lê muốn thần dân của mình chăm lo sản xuất nông nghiệp, để có ngày “bắt được vàng, được bạc”. Từ đó, lễ Tịch điền được diễn ra hàng năm dưới các triều đại Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn... vào mỗi độ xuân về.
|
|
Trong hai ngày 6-7 Tết, Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn diễn ra sôi nổi với các nghi lễ, diễn xướng, trong một không gian rộng (từ trung tâm là chùa Đọi đến làng Đọi Tam ra bến sông). Ngoài ra, các nghi lễ mở cửa đền, tắm tượng Phật, rước nước, lễ rước vua và rước chân nhang vua Lê từ đền thờ vua Lê Đại Hành (Trương Yên, Hoa Lư, Ninh Bình) về chùa Đọi cùng các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc như: bơi thuyền, đấu vật, múa rồng, hát đối, hát chầu văn và đặc biệt là hội thi vẽ, trang trí trâu, đã thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương đến tham gia, thưởng ngoạn.
Đây là năm đầu tiên tỉnh Hà Nam tổ chức giải đấu vật tại Đọi Sơn, Duy Tiên (hàng năm đấu vật chỉ được tổ chức duy nhất ở làng Liễu Đôi, xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, Hà Nam) nhằm tăng thêm phần tưng bừng cho lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn năm nay.
Hơn 60 đô vật đến từ 6 huyện trong tỉnh với đủ các hạng cân giao đấu để tìm ra người thắng cuộc lọt vào vòng chung kết. Khi trời tối dần cũng là lúc hàng loạt các hoạt động văn hoá đặc sắc khác được tổ chức như lễ sái tịnh, lễ cáo yết và màn đốt cây bông đã làm không khí ngày hội văn hoá càng trở nên trọn vẹn.
Trước đó, ngày mùng 6 Tết đã diễn ra lễ Rước nước, lễ Sái tịnh, lễ Cáo yết, lễ Đốt cây bông. Các nghi lễ đều được phục dựng theo lối cổ. Cuốn hút sự chú ý của đông đảo người xem nhất là hội thi vẽ và trang trí trâu.
30 chú trâu đã được 30 hoạ sĩ vẽ với những đề tài rất đa dạng, từ các hoa văn cổ, thư pháp chữ Hán, thư pháp quốc ngữ đến tranh phong cảnh... Nhiều du khách, trong đó có cả du khách nước ngoài đã rất ngạc nhiên, thích thú và chụp ảnh lưu niệm với cảnh tượng đàn trâu tuyệt đẹp.
Chú trâu đoạt giải Nhất trong cuộc thi vẽ được dùng để cày khai lễ Tịch Điền diễn ra vào sáng 7 Tết./.