(TCTG) - Lễ hội Lam Kinh năm 2008 được tổ chức từ ngày 19 đến 22-9 (tức là từ ngày 20 đến 22-8 âm lịch), gắn liền với ba sự kiện lịch sử quan trọng, đó là kỷ niệm 590 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 580 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang và 575 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Lê Lợi.
Lễ hội diễn ra tại khu di tích lịch sử Lam Kinh, huyện Thọ Xuân và khu vực đền thờ Trung Túc vương Lê Lai, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hoá).
Phần lễ sẽ được thực hiện theo đúng nghi thức cổ truyền, tái hiện nhiều sự kiện trọng đại thời Lê như: Màn trống hội (biểu diễn đánh trống đồng và trống da các loại), cờ hội, rước kiệu; đặc biệt là những nghi thức tế lễ từ thời vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông truyền lại.
Ngày 20/9 sẽ diễn ra lễ kỷ niệm ngày mất của Trung Túc Vương Lê Lai và lễ rước kiệu vị anh hùng trung nghĩa đã liều mình xả thân cứu chúa.
Phần hội sẽ là các chương trình nghệ thuật tái diễn các sự kiện như: Hội thề Lũng Nhai, Lê Lai cứu chúa, giải phóng thành Đông Quan, Vua Lê Thái Tổ đăng quang, Phát huy hào khí Lam Sơn…
Chương trình quan trọng nhất và cũng là điểm nhấn của lễ hội là Đại lễ kỷ niệm 590 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 580 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang và 575 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Lê Lợi vào sáng ngày 21/09 sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV – Đài truyền hình Việt Nam.
Trong các ngày diễn ra lễ hội, nhân dân và du khách thập phương còn có thể tham dự những trò chơi, trò diễn truyền thống của xứ Thanh như: trò Xuân Phả, trò Chiêng, trò Sanh Ngô, dân ca Đông Anh, dân ca sông Mã, thi đấu vật, đấu võ dân tộc; hội trại các làng văn hoá; trưng bày các hiện vật, cổ vật thời Lê; trưng bày giới thiệu tiềm năng du lịch và sản phẩm ẩm thực của địa phương và nhiều hoạt động nghệ thuật khác như chiếu phim, biểu diễn chèo, chương trình ca nhạc tân cổ giao duyên…
Lễ hội Lam Kinh được tổ chức ngay sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà vào ngày 22/8 (âm lịch) năm Quý Sửu (1433) và thi hài được đưa về an táng tại đất Lam Sơn. Vùng đất này còn là nơi an táng của các vua, hoàng hậu triều Lê Sơ và trở thành sơn lăng của nhà Lê Sơ. Ðể thuận lợi cho việc cáo yết tại lăng miếu, các triều vua đã cho dựng điện và các tòa Thái miếu để thờ cúng. Vì vậy, Lam Sơn được gọi là Lam Kinh.
Từ 1995 đến nay, lễ hội Lam Kinh được tổ chức thường xuyên hằng năm với quy mô hoành tráng. Lễ hội ngày càng có sức cuốn hút, lan tỏa tới nhiều vùng, miền, thu hút du khách ở trong và ngoài tỉnh về nơi cội nguồn của vùng đất Lam Sơn lịch sử.
MG (Tổng hợp)