Khi các nhà đàm phán của Mỹ và Trung Quốc vừa chân ướt chân ráo rời bàn
đàm phán ở Thượng Hải thì ngày 1/8 vừa qua, Tổng thống Donald Trump gây
náo động mạng xã hội Twitter bằng tuyên bố bắt đầu từ ngày 1/9 tới, Mỹ
sẽ áp bổ sung khoản thuế khoảng 10% đối với số hàng hóa trị giá 300 tỷ
USD từ Trung Quốc. Ông Donald Trump còn úp mở về khả năng nâng mức thuế
này lên cao hơn nữa, tùy thuộc vào kết quả các cuộc đàm phán với Trung
Quốc. Cùng với đó, người đứng đầu Nhà Trắng chỉ trích Bắc Kinh đã không
mua thêm nông sản của nông dân Mỹ như lời hứa trước đó.
Tuyên bố áp thuế 300 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc có thể được xem như
một quả “bom hạt nhân thương mại” dội vào những nỗ lực hạ nhiệt căng
thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nếu tính cả lượng hàng hóa
trị giá 250 tỷ USD đã bị áp thuế 25% trước đó, gần như toàn bộ hàng
xuất khẩu từ Trung Quốc có thể phải chịu mức thuế cao hơn trong vòng vài
tháng tới.
Dẫu biết rằng triển vọng giải quyết cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung rất
mong manh do Bắc Kinh và Washington vẫn chưa tìm được tiếng nói chung
đối với những bất đồng cơ bản, song động thái mà người đứng đầu nước Mỹ
đưa ra dường như nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia. Bởi, việc ông
Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được thỏa thuận
“ngừng bắn thương mại” sau cuộc gặp tại Osaka, Nhật Bản hồi tháng 6 vừa
qua phần nào cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc đều đi đến nhận thức chung
rằng đàm phán vẫn tốt hơn là tiếp tục “ăn miếng trả miếng” hoặc dành cho
nhau những lời chỉ trích xuyên đại dương. Hơn thế nữa, trước cuộc đàm
phán diễn ra trong hai ngày 30 và 31/7 vừa qua ở Thượng Hải, hai bên đều
phát đi thiện chí bằng cách đề cập tới những “con bài mặc cả” của riêng
mình, với Washington là cách thức xử lý vấn đề Huawei, còn với Bắc Kinh
là trong lĩnh vực mua nông sản Mỹ.
Tuyên bố của ông Donald Trump trên Twitter chứng tỏ, vòng đàm phán
thương mại cấp cao thứ 12 vừa qua tại Thượng Hải vẫn kết thúc trong bế
tắc và đó là lý do khiến vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đột ngột thay
đổi chiến thuật bằng cách tăng thuế nhằm gia tăng áp lực với Trung Quốc.
Dưới thời các chính quyền tiền nhiệm của Mỹ, kinh tế-thương mại vẫn
luôn được coi là phương diện tích cực và là “nhân tố đặc biệt" trong
quan hệ Mỹ-Trung, ngay cả khi quan hệ chính trị và an ninh căng thẳng.
Ngoài ra, dù kinh tế-thương mại có được coi là nguồn gốc đấu tranh trong
quan hệ Mỹ-Trung nói chung thì vấn đề này thường được đôi bên xử lý
thông qua đối thoại và phối hợp. Nhưng dưới quan điểm của Tổng thống
Donald Trump, quan hệ kinh tế-thương mại với Trung Quốc giống như một
thách thức lớn đối với sự phồn vinh cũng như an ninh của nước Mỹ, và bởi
vậy cần phải xử lý vấn đề này theo hướng đối kháng và không ngừng gây
sức ép. Sự đảo chiều chiến lược “quá nhanh, quá bất ngờ” vừa qua của ông
Donald Trump một lần nữa đã chứng minh cho sự khác biệt rõ ràng ấy.
Những gì diễn ra từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bùng phát cũng
là chỉ dấu cho thấy, chính quyền dưới thời tỷ phú Donald Trump quyết
“đấu tới cùng” với Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại. Nhưng có lẽ, áp
lực chiến thắng trong cuộc bầu cử 2020 đã khiến vị tổng thống đương
nhiệm của nước Mỹ phải chuyển hướng từ “đấu tranh lâu dài” sang “đánh
nhanh thắng nhanh” nhằm có được bản thành tích tranh thủ sự ủng hộ của
các cử tri. Để đạt được điều đó, ông Donald Trump một lần nữa áp dụng
chiến thuật cũ, đó là gây sức ép tối đa với đối thủ bằng những đòn áp
thuế mạnh mẽ trước các cuộc đàm phán đã được lên kế hoạch vào tháng 9
tới.
Cái giá phải trả nhãn tiền cho “canh bạc tất tay” đó trước hết là phản
ứng tiêu cực từ người tiêu dùng Mỹ. Theo nhận định của giới chuyên gia,
chính người tiêu dùng Mỹ mới là những "nạn nhân" trực tiếp sau mỗi đòn
áp thuế qua lại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Chủ tịch Hiệp
hội Các nhà phân phối và bán lẻ giày dép Mỹ, ông Matt Priest thậm chí
còn công khai chỉ trích Tổng thống Donald Trump thực chất đang dùng các
gia đình Mỹ làm con tin trong cuộc đàm phán chiến tranh thương mại với
Trung Quốc.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Mỹ, vốn bị thiệt hại nặng nề kể từ khi
cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra, rất có thể sẽ tiếp tục trở thành
mục tiêu của những biện pháp trả đũa từ Trung Quốc, nhất là khi Trung
Quốc hiện vẫn là khách hàng lớn nhất của ngành nông nghiệp Mỹ. Cũng vì
thế nên ở những vòng thương thảo gần đây, các nhà đàm phán thương mại
của ông Donald Trump không ngừng bày tỏ hy vọng phía Trung Quốc nhanh
chóng thực hiện cam kết mua một lượng lớn nông sản Mỹ. Trong bối cảnh
cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 tại xứ cờ hoa đang đến gần, bỏ mặc giới
nông dân với đống hàng nông sản tồn kho chẳng khác nào ông Donald Trump
tự đánh mất những cử tri trung thành.
Thế nên, khi không thể khoan nhượng trên bàn đàm phán, lựa chọn tối ưu
đối với chính quyền của ông Donald Trump lúc này có lẽ là tiếp tục gây
sức ép nhằm hướng tới một thỏa thuận thương mại có lợi cho nước Mỹ, qua
đó chứng minh rằng những tổn thất bấy lâu nay với nền kinh tế và người
tiêu dùng Mỹ đã đem lại kết quả xứng đáng.
Chẳng cần chờ những màn trả đũa tiếp theo, cũng có thể thấy rằng cuộc
chiến thương mại Mỹ-Trung đã bước vào một giai đoạn leo thang căng thẳng
mới với những diễn biến bất định và kéo dài./.
Vũ Hùng (qdnd.vn)