Phó Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh qua đại dịch, thế giới rút ra bài học về tầm quan trọng của việc đảm bảo tiếp cận bảo trợ xã hội, giúp tăng cường an ninh kinh tế và lương thực trong thời kỳ khủng hoảng.
Ngày 8/2, Liên hợp quốc cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chi tiêu toàn cầu cho hoạt động bảo trợ xã hội từ tháng 12/2020-5/2021 đã tăng gần 270%, đạt mức 2.900 tỷ USD.
Phát biểu tại phiên họp thứ 60 của Ủy ban Phát triển Xã hội theo hình thức trực tuyến, Phó Tổng thư ký về kinh tế và xã hội tại Liên hợp quốc Lưu Chấn Dân nhấn mạnh cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng cùng nhiều hình thức suy giảm quyền lợi khác.
Ông cho rằng đại dịch đã làm nổi bật vai trò quan trọng của các chính sách xã hội. Qua đại dịch, thế giới rút ra bài học về tầm quan trọng của việc đảm bảo tiếp cận bảo trợ xã hội, giúp tăng cường an ninh kinh tế và lương thực trong thời kỳ khủng hoảng.
Về phần mình, ông Abdulla Shahid, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76, cho biết phiên họp lần này cần giải quyết những vấn đề còn tồn đọng nhằm chấm dứt đại dịch.
Ông Shahid lưu ý rằng các biện pháp bảo trợ xã hội tuy đã tăng đáng kể, song việc triển khai còn chưa đồng đều, đặc biệt là giữa các nước phát triển và đang phát triển.
Ông cho rằng các nước thành viên cần coi đại dịch là một cuộc khủng hoảng, đồng thời cũng là một cơ hội. Theo đó, các quốc gia cần đề ra mục đích táo bạo và tham vọng, song song với nỗ lực tích cực triển khai hành động.
Quan chức này cũng kêu gọi các nước thành viên nỗ lực để giai đoạn hiện tại không chỉ được ghi nhớ bởi đại dịch mà còn đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử nhân loại.
Theo đánh giá mới nhất của Liên hợp quốc, thế giới hiện không thể đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) cơ bản về xóa nghèo cùng cực.
Nếu không có các hành động quyết liệt, số người sống trong cảnh nghèo cùng cực dự kiến sẽ lên tới 600 triệu người, tương đương 7% dân số thế giới vào năm 2030./.
Theo TTXVN