Ngày 5/9, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc cho biết đã có có hơn 5.000 thường dân thiệt mạng trong cuộc xung đột tại Yemen kể từ tháng 3/2015 đến nay và nhóm khủng bố cực đoan al-Qaeda đã mở rộng phạm vi hoạt động sang thành phố Taizz, Tây Nam Yemen.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi, Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc ở khu vực cho biết Yemen hiện đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới đang tiếp diễn, mà nguyên nhân trực tiếp do xung đột vũ trang ở nước này.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Mohammad Ali Alnsour, người đứng đầu Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc ở Trung Đông và Bắc Phi cho hay khủng hoảng nhân đạo ở Yemen là hệ quả của sự kết hợp giữa xung đột, dịch tả lan tràn và bất ổn lương thực.
Theo ông, trong 27,4 triệu người dân Yemen, có tới 18,8 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo và hơn 10 triệu người cần trợ giúp khẩn cấp.
Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc cũng khẳng định cuộc khủng hoảng ở Yemen hoàn toàn là một thảm họa do chính con người gây ra và các vụ không kích của lực lượng liên quân do Saudi Arabia đứng đầu tham chiến tại Yemen phải chịu trách nhiệm cho hầu hết thương vong dân sự tại đây. Theo đó, các vụ tấn công xảy ra ở khắp mọi nơi, từ trường học, khu dân cư, bệnh viện, chợ, đám tang, thậm chí là ngư dân và tàu thuyền dân sự.
Kể từ tháng 3/2015 đến ngày 30/8 vừa qua, đã có ít nhất 5.144 thường dân thiệt mạng, trong đó ghi nhận hơn một nửa do các vụ không kích của liên quân quốc tế.
Hiện Liên hợp quốc hối thúc các bên liên quan trong cuộc xung đột Yemen nhanh chóng chấm dứt hoạt động giao tranh để hạn chế thiệt hại cho người dân, đồng thời tạo điều kiện nhanh chóng thực hiện các biện pháp cứu trợ nhân đạo, trong bối cảnh nạn đói và dịch tả đang lan rộng ở quốc gia Trung Đông này.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, kể từ tháng 4 đến nay, đã có hơn 2.000 người Yemen tử vong do mắc bệnh tả./.
Theo TTXVN