Đây là tuyên bố được Đặc phái viên Liên hợp quốc về tái thống nhất đảo Cyprus Espen Barth Eide đưa ra ngày 24/7.
Trả lời phỏng vấn của các phóng viên, Đặc phái viên Espen Barth Eide cho
biết: "Chúng tôi đã có một tình huống phức tạp... Chúng tôi đã không
thể ghép nối lại với nhau để đi đến một thỏa thuận cuối cùng. Tuy nhiên,
tôi sẽ không từ bỏ và Liên hợp quốc cũng vậy. Tại thời điểm này tôi
không muốn đưa ra bất cứ ảo tưởng sai lầm nào."
Ông Espen Barth Eide đã trở lại đảo Cyprus để chuẩn bị cho cuộc đàm phán
đầu tiên với các nhà lãnh đạo cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ và
người Cyprus gốc Hy Lạp kể từ khi các cuộc thảo luận do Liên hợp quốc
làm trung gian về tái thống nhất đảo Cyprus đổ vỡ hôm 7/7 vừa qua tại
khu nghỉ dưỡng Crans-Montana ở Thụy Sĩ.
Các cuộc đàm phán mới đây giữa Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nicos
Anastasiades, đại diện cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp và lãnh đạo
cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Akinci đã kết thúc hôm 6/7
vừa qua mà không đạt được thỏa thuận thỏa thuận nào, trong đó có vấn đề
về một thỏa an ninh mới của một "nhà nước liên bang" tương lai trên đảo
Cyprus, nhằm xác định quyền hạn của các quốc gia bảo trợ, kể cả quyền
can thiệp quân sự.
Đảo Cyprus bị chia cắt sau cuộc đảo chính của những người Cyprus gốc Hy
Lạp vào năm 1974 dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm nửa phía Bắc của
hòn đảo này và hậu thuẫn thành lập "Cộng hòa miền Bắc đảo Cyprus."
Tuy nhiên, đến nay cộng đồng quốc tế chỉ công nhận Cộng hòa Cyprus do người gốc Hy Lạp quản lý.
Liên hợp quốc đã nhiều lần tổ chức các cuộc đàm phán giữa hai cộng đồng
để tìm ra giải pháp thống nhất hòn đảo phía Đông Địa Trung Hải này, song
chưa đạt được kết quả./.
Theo TTXVN