Chủ Nhật, 6/10/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 13/3/2011 11:44'(GMT+7)

Lịch sử hơn 100 năm cà phê Đắk Lắk

Cây cà phê tại huyện Krông Pắk (đồn điền cà phê CADA cũ).

Cây cà phê tại huyện Krông Pắk (đồn điền cà phê CADA cũ).

Ven theo quốc lộ 26, từ TP Buôn Ma Thuột đi Nha Trang, chúng tôi đến huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, những rẫy cà phê trải dài xanh mướt, hàng triệu cây cà phê đang thời kỳ ra hoa kết trái hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Nơi đây, gần 100 năm về trước, đồn điền cà phê CADA được thành lập, là một trong những đồn điền ra đời sớm trong quá trình khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp ở Đông Dương vào năm 1922. Cùng lúc đó trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có tổng cộng 26 đồn điền cà phê khác được thành lập.

CADA là từ viết tắt của cụm từ Compagne Argicole D’Asie (Công ty Nông nghiệp Á Châu), với diện tích ban đầu 2.000 ha, là một đồn điền cà phê lớn nhất ở Đắk Lắk. Lúc đồn điền cà phê CADA được thành lập, cũng là lúc giai cấp công nhân đồn điền cà phê CADA ra đời, họ là nạn nhân của nạn cướp đoạt ruộng đất và bần cùng hóa, trong đó người Êđê, Mnông chiếm tới 70% dân số.

Từ năm 1922 cho đến trước năm 1945, dưới chế độ bóc lột của thực dân Pháp, người công nhân bị đối xử vô cùng tàn nhẫn, đời sống hết sức cơ cực. Trước tình thế đó, đội ngũ công nhân ở đồn điền cà phê CADA và các đồn điền khác liên tục đứng lên đấu tranh để tự giải phóng trong những năm 1927, 1932, 1935, 1940.

Xã Ea Yông, huyện Krông Pắk

Một số Đảng viên ở nhà đày Buôn Ma Thuột đã đứng ra thành lập Hội Việt minh CADA, đội Tự vệ CADA, Ban lãnh đạo công nhân và đây cũng là nơi ra đời Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên trong công nhân cà phê, gọi là Chi bộ đồn điền, đánh dấu sự trưởng thành về chất của đội ngũ công nhân đồn điền cà phê CADA và công nhân ở Đắk Lắk.

Từ đó, công nhân đồn điền cà phê CADA đã biến nơi này thành nơi hoạt động cách mạng và là nơi giành được chính quyền cách mạng đầu tiên trong toàn tỉnh Đắk Lắk vào năm 1945.

Những hiện vật, ảnh, tư liệu về lịch sử đồn điền cà phê CADA được trưng bày trong  khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần III năm 2011, đã chứng minh rằng lịch sử đã ghi nhận ở đồn điền cà phê CADA “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” mà nòng cốt là lực lượng công nhân.

Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, công nhân đồn điền cà phê CADA còn tham gia vào cuộc tổng tiến công, nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và mùa xuân 1975 giải phóng Đắk Lắk, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Cơ sở sản xuất đồn điền cà phê CADA cũ.

Sau ngày giải phóng, tỉnh Đắk Lắk đã sớm quan tâm đến việc phát triển cà phê. Ngày 12/11/1975, UBND cách mạng tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định trưng thu tài sản, đất đai ở các đồn điền, đồng thời vận động 75 hộ cá thể hiến tặng gần 2.000 ha đất cà phê, trên cơ sở đó thành lập cà phê Thắng Lợi, Ea hồ, 10-3, Đức Lập do Công ty quốc doanh nông nghiệp tỉnh trực tiếp quản lý. Đồng thời một loạt các công ty quốc doanh thuộc Trung ương quản lý cũng ra đời.

Từ sau 1986 nhờ chính sách đổi mới kinh tế của Đảng và nhà nước, tỉnh Đắk Lắk đã chủ trương trồng mới, thâm canh rộng rãi trong nhân dân, từ đó bắt đầu hình thành các vùng tập trung chuyên canh cà phê lớn ở thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện lân cận.

Hiện nay, khoảng 15% diện tích cà phê trên địa bàn Đắk Lắk thuộc các công ty, doanh nghiệp, hơn 85% diện tích cà phê là của người dân tự trồng và quản lý. 

Cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh ĐắkLắk, chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, với diện tích cà phê lớn nhất của cả nước 190.700 ha, sản lượng trung bình 400.000 tấn/năm. Ngành sản xuất cà phê tại ĐắkLắk đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 500.000 người.

(Theo: Thế Phong/VGP News)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất