Nhân Ngày thế giới phòng chống bệnh ung thư (4/2), Liên hợp quốc đã cho
lưu hành Bản báo cáo đặc biệt của Viện nghiên cứu quốc tế về ung thư,
với nhận định bi quan rằng trong những năm gần đây, căn bệnh quái ác này
có tốc độ phát triển quá nhanh tại mọi khu vực trên Trái Đất, và tiếp
tục là nguyên nhân gây tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới.
Báo cáo trên cho biết trong năm 2012, trên toàn thế giới có hơn 14 triệu
người bị chết vì các loại bệnh ung thư khác nhau. Các chuyên gia của
Viện nghiên cứu quốc tế về ung thư cảnh báo nếu con người không sớm tìm
được biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tốc độ phát triển như hiện nay của
căn bệnh này, thì sau 20 năm nữa, mỗi năm nó sẽ cướp đi ít nhất 22 triệu
nhân mạng.
Theo số liệu thống kê phục vụ nghiên cứu khoa học của Viện trên, ung thư
phổi là loại phổ biến nhất trong những năm gần đây, trong đó riêng năm
2012 có 1,8 triệu ca, tiếp đến là ung thư vú với 1,7 triệu người bị
mắc,... Tỷ lệ tử vong cao nhất vẫn ở các bệnh nhân ung thư phổi, tiếp
đến là ung thư gan và dạ dày. Về địa lý, nơi có số người tử vong lớn
nhất do ung thư là ở những quốc gia nghèo đói nhất ở châu Á, châu Phi và
các khu vực Trung Mỹ, Nam Mỹ.
Các chuyên gia của Viện nghiên cứu quốc tế về ung thư cho rằng để giảm
tốc độ phát triển quá nhanh như hiện nay của bệnh ung thư, trách nhiệm
lớn lao đang thuộc về các nhà khoa học, sớm nghiên cứu và tìm ra thuốc
và phương thức điều trị mới, cảnh báo mọi người về sự nguy hiểm của căn
bệnh quái ác này. Ngoài ra, các biện pháp "tự cứu mình" của tất cả mọi
người cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng, trong đó có việc thay đổi
lối sống, tự giác từ bỏ các thói quen có thể dẫn đến ung thư, như dùng
rượu, thuốc lá,...
Không chỉ có thế, để bệnh ung thư không thể thỏa sức hoành hành như hiện
nay, còn rất cần sự ra tay của tất cả các quốc gia trong việc bảo đảm
môi trường sống tốt nhất cho mọi người dân và thiết lập hệ thống y tế
đầy đủ, hiện đại để chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả căn bệnh ung
thư./.
(Vietnam+)