Liên hợp quốc cam kết hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan để đẩy nhanh tiến độ đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc thực hiện Kế hoạch chiến lược chung hỗ trợ Việt Nam của Liên hợp quốc giai đoạn 2017-2021.
Nhân hội nghị tổng kết công tác Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 được tổ chức vào chiều 17/4 tại Hà Nội, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Kamal Malhotra, đại diện Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam về công tác phối hợp cũng như hỗ trợ, hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.
- Thưa ông Kamal Malhotra, trong 2 năm qua (2015-2016), tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam đã có sự phối hợp, hỗ trợ cụ thể nào đối với Chính phủ Việt Nam trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu?
- Ông Kamal Malhotra: Hạn hán và xâm nhập mặn do El Nino gây ra trong giai đoạn 2015-2016 đã cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của thiên tai và các nhóm dễ bị tổn thương như người nghèo, trẻ em, phụ nữ, dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người khuyết tật và người không có đất đai thường là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Nhiều tỉnh trong số những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất còn trong tình trạng phát triển xã hội thấp, bao gồm cả suy dinh dưỡng nặng cấp tính, mất an ninh lương thực, điều kiện vệ sinh kém. Chúng tôi đánh giá cao sự lãnh đạo hiệu quả trong ưu tiên các hoạt động điều phối và các nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng.
Trong đợt hạn hán năm trước, Liên hợp quốc tại Việt Nam lần đầu tiên đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai triển khai Kế hoạch ứng phó khẩn cấp nhằm hỗ trợ nhân đạo ngay lập tức và phục hồi sớm cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất tại 18 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề.
Với sự hỗ trợ đáng kể về ngân sách từ Quỹ ứng phó khẩn cấp của Liên hợp quốc, Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Ủy ban châu Âu, cũng như từ đóng góp của nhiều nguồn bên ngoài và địa phương, khoảng 53% trong tổng số 48,5 triệu USD cần thiết đã được huy động để hỗ trợ các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất.
Cùng với Chính phủ, các tổ chức quần chúng và các đối tác phi chính phủ, nửa triệu người đã được hưởng lợi từ hỗ trợ của Liên hợp quốc, gồm 240.000 phụ nữ và 113.000 trẻ em, giải quyết các nhu cầu cấp thiết về nước sạch và vệ sinh, sức khỏe và dinh dưỡng, an ninh lương thực và phục hồi sớm để đảm bảo rằng nông dân và những người bị ảnh hưởng có thể phục hồi sinh kế.
Vào tháng 10/2016, Chính phủ cùng với Liên hợp quốc đã ban hành Kế hoạch Phục hồi hạn hán nhằm đưa ra hướng dẫn và ưu tiên đầu tư để đảm bảo khả năng phục hồi và chống chịu, ước tính nhu cầu trong năm 2017 là 368 triệu USD.
Trung bình mỗi năm, thiên tai gây ra thiệt hại tới hơn 1% GDP của cả nước, và con số ấy còn lớn hơn trong những năm như năm 2016. Các ước tính trong báo cáo “Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định” của Việt Nam cho thấy đến năm 2030, chi phí cho các hoạt động thích ứng với nguy cơ có liên quan đến biến đổi khí hậu sẽ tiêu tốn tới 3% GDP của cả nước.
Trong bối cảnh thiên tai sẽ còn diễn ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn trong tương lai, tôi trân trọng nỗ lực của Chính phủ tập hợp sự hiện diện của tất cả các quý vị ở đây hôm nay, để chúng ta cùng nhau rút ra những bài học kinh nghiệm và thúc đẩy quan hệ hợp tác thêm vững mạnh trong thời gian tới.
Liên hợp quốc luôn sẵn sàng hỗ trợ công tác quản lý rủi ro từ cấp trung ương đến địa phương, nhằm đảm bảo mọi cơ chế đều được cân nhắc lồng ghép rủi ro thiên tai và các nỗ lực đối phó với rủi ro được triển khai một cách có hệ thống. Hơn thế nữa, chúng tôi có thể hỗ trợ xây dựng các cơ chế pháp lý, chính sách, thể chế và cơ chế tài chính ở các cấp, cũng như duy trì tính công khai minh bạch và cơ chế giải trình liên ngành.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh một lần nữa, chuẩn bị sẵn sàng cho công tác phục hồi trong tình huống khẩn cấp đóng vai trò hết sức quan trọng và cần thiết đối với việc xây dựng khả năng phục hồi sau thiên tai và đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
- Liên hợp quốc sẽ hợp tác như thế nào với Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới (giai đoạn 2017-2021), thưa ông?
- Ông Kamal Malhotra: Theo khung Sendai, nhiệm vụ của Liên hợp quốc là bổ trợ cho các nỗ lực của Chính phủ và ứng phó kịp thời khi có thiên tai, nhằm đảm bảo hiệu quả ứng phó tốt hơn và quyền của những người dễ bị tổn thương nhất được bảo vệ.
Liên hợp quốc cũng có nhiệm vụ xác định các chỉ tiêu chưa hoàn thành của các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đồng thời hỗ trợ thực hiện các chỉ tiêu đầy tham vọng của các Mục tiêu phát triển bền vững. Trong những thập kỷ gần đây, do kinh tế tăng trưởng vững chắc, Việt Nam đã đạt được các kết quả ấn tượng trong giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ, cải thiện tuổi thọ và phúc lợi.
Liên hợp quốc cam kết hợp tác lâu dài với Chính phủ, và tôi vui mừng thông báo rằng trong Kế hoạch Chiến lược chung của Liên hợp quốc giai đoạn 2017-2021, mà tôi hy vọng sẽ sớm được ký kết, chúng tôi đã thành lập một Nhóm Công tác chung về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và tăng cường khả năng chống chịu nhằm gia tăng hỗ trợ cho phương pháp tiếp cận lấy con người làm trung tâm để xây dựng chương trình có tính đến yếu tố rủi ro và tăng cường khả năng chống chịu.
Dưới sự lãnh đạo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và vai trò là phó Trưởng Nhóm của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Nhóm sẽ quy tụ 10 cơ quan Liên hợp quốc với nhiều kinh nghiệm và mạng lưới toàn cầu để hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam.
Ngoài ra, với tư cách Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc, tôi sẽ trực tiếp chỉ đạo Nhóm Quản lý Ứng phó Thiên tai của Liên hợp quốc, cả trong giai đoạn dự phòng cũng như khi thiên tai xảy ra.
- Ông đánh giá thế nào với cam kết của Việt Nam trong việc đưa công tác quản lý rủi ro thiên tai vào trung tâm của Chương trình Phát triển Quốc gia và việc thành lập Tổng cục Phòng chống và Kiểm soát thiên tai trong thời gian tới?
- Ông Kamal Malhotra: Tôi trân trọng cam kết của Việt Nam trong việc đưa công tác quản lý rủi ro thiên tai vào trung tâm của Chương trình Phát triển Quốc gia, bởi điều này cũng đồng nghĩa với việc chú trọng cách tiếp cận bền vững và lâu dài giải quyết bền vững các yếu tố dễ bị thương tổn.
Về khía cạnh này, tôi muốn nhắc lại rằng việc đầu tư nhiều hơn để nâng cấp hệ thống quản lý rủi ro thiên tai và lên kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai, cải thiện hiệu quả dự báo và cảnh báo sớm, tăng cường khả năng phục hồi của những dịch vụ công cộng cơ bản cấp địa phương sẽ giúp tiết kiệm kinh phí trong tương lai, và quan trọng hơn hết là cứu được nhiều người hơn.
Tất cả những Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội và những Chương trình Mục tiêu Quốc gia đều cần được lồng ghép quản lý rủi ro. Các công cụ như Chương trình Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và tầm nhìn cho công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm sẽ đóng vai trò chủ chốt. Tăng cường năng lực tiếp cận và chia sẻ thông tin giữa các bộ ngành sẽ giúp đẩy nhanh nỗ lực tích lũy hiểu biết về rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt chú trọng đến các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em, nhằm đảm bảo mọi thành phần xã hội đều được hưởng lợi, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Sự trở lại thường xuyên và cực đoan hơn của hiện tượng El Nino nhắc nhở chúng ta tầm quan trọng của việc đầu tư cho các hoạt động phát triển lâu dài dựa trên cơ sở gia tăng khả năng chống chịu. Ngay từ bây giờ, công tác nâng cấp hệ thống quản lý rủi ro thiên tai sẵn có, hệ thống dự báo và cảnh báo sớm, kế hoạch phát triển và chuẩn bị sẵn sàng lồng ghép quản lý rủi ro liên ngành, tăng cường đầu tư xây dựng khả năng phục hồi của cộng đồng và của các dịch vụ công cộng cơ bản sẽ giúp tiết kiệm chi phí và cứu được hàng triệu người trong tương lai.
Việc thành lập Tổng cục Phòng chống và kiểm soát thiên tai là bước tiến quan trọng và đúng hướng và tôi tin rằng Tổng cục sẽ có đầy đủ nguồn lực để đẩy nhanh công tác ứng phó và phục hồi. Chúng ta ghi nhận tiềm năng của những nguồn lực quan trọng, như cơ chế tài chính cấp tỉnh về Phòng chống thiên tai cần được củng cố để đóng vai trò chính trong việc quản lý hiệu quả thiên tai và hỗ trợ các hoạt động của cộng đồng và các ngành. Công việc này đòi hỏi hợp tác hiệu quả với các bên liên quan, bao gồm các tổ chức quần chúng, Hội Chữ thập Đỏ, các tổ chức phi chính phủ, khối doanh nghiệp tư nhân và các bên sẽ đóng góp để vận hành các kế hoạch có lồng ghép rủi ro thiên tai.
Nhân dịp này, thay mặt cho các cơ quan Liên hợp quốc, tôi xin một lần nữa cam kết hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan để đẩy nhanh tiến độ đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc thực hiện Kế hoạch chiến lược chung hỗ trợ Việt Nam của Liên hợp quốc giai đoạn 2017-2021 mà tôi hy vọng sẽ được ký kết sớm với Chính phủ Việt Nam./.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Thắng Trung (TTXVN)