Ngày 1/5, Ngoại trưởng nước này Bruno Rodriguez đã một lần nữa yêu cầu Chính
phủ Mỹ phải sớm đóng cửa nhà tù tại căn cứ hải quân tại Vịnh Guantanamo và trả
lại vùng đất mà họ chiếm đóng trái phép này cho Cuba.
Phát biểu với báo giới bên lề hội nghị thường niên về nhân quyền của Liên hợp
quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, Ngoại trưởng Rodriguez đã tố cáo nhà tù ở Guantanamo
là nơi các hành động vi phạm nhân quyền diễn ra thường xuyên và có hệ thống,
không tuân thủ theo bất cứ luật lệ quốc tế hay công ước nào của Liên hợp quốc.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Cuba khẳng định các tù nhân ở Guantanamo
thường xuyên bị tra tấn bằng nhục hình, không được xét xử một cách minh bạch.
Ông Rodriguez cho biết hiệp ước mà Mỹ và chính quyền cũ ở Cuba ký kết hồi đầu
thế kỷ XX là nguồn gốc để Washington chiếm giữ một cách trái phép vùng đất này
của Cuba, và Tổng thống Mỹ Barack Obama cần phải trao trả khu vực này cho nhân
dân Cuba.
Ngoại trưởng Rodriguez cũng tố cáo những thiệt hại vật chất mà cuộc bao vây
cấm vận của Mỹ gây cho quốc đảo này trong suốt hơn 50 năm qua, đồng thời nhấn
mạnh chính sách tàn bạo này đi ngược lại với Công ước Geneva năm 1948 về quyền
con người.
Cùng ngày, trước thông tin hiện có khoảng 100 tù nhân tại Guantanamo tuyệt
thực để phản đối Chính phủ Mỹ giam giữ mà không có lý do, một nhóm chuyên gia
nhân quyền độc lập của Liên hợp quốc, bao gồm Ủy ban liên Mỹ, đã nhắc lại kêu
gọi Chính phủ Mỹ đóng cửa nhà tù gây nhiều tai tiếng trên.
Thông cáo báo chí từ Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) cho
biết nhóm chuyên gia trên đã kêu gọi Mỹ phải tôn trọng và bảo đảm cuộc sống, sức
khỏe và an toàn tính mạng cho những người đang bị giam giữ ở Guantanamo, đặc
biệt trong bối cảnh cuộc biểu tình tuyệt thực đang diễn ra.
Ủy ban này cũng hối thúc Chính phủ Mỹ có các biện pháp cụ thể nhằm chấm dứt
việc giam giữ không xác định các cá nhân trên; bảo đảm những người bị giam giữ
hoặc được thả hoặc phải được xét xử đúng luật và theo các nguyên tắc của luật
nhân quyền quốc tế, đồng thời cho phép tổ chức độc lập giám sát quá trình thực
thi.
Những chuyên gia này cho biết đã nhận được thông tin chi tiết về các tác động
tâm lý và thể xác mà những người bị giam giữ tại đây đang hứng chịu do bị giam
giữ kéo dài mà không có lý do chính đáng.
Những chuyên gia nhân quyền độc lập trên đây được Hội đồng Nhân quyền Liên
hợp quốc chỉ định nhằm giám sát và báo cáo lại các vấn đề nhân quyền một cách cụ
thể.
Trước đó, ngày 30/4, Tổng thống Obama cho biết sẽ tái cam kết đóng cửa nhà tù
Guantanamo, mục tiêu mà ông đã đề cập ít nhất 3 lần trong 4 năm qua nhưng vấp
phải sự phản đối quyết liệt của Quốc hội.
Kế hoạch trên đã được ông Obama ký thông qua vào năm 2011, song quá trình
diễn ra khá chậm chạp.
Đầu tháng Giêng vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã quyết định chấm dứt hoạt động
của Văn phòng Đặc phái viên về vấn đề đóng cửa nhà tù Guantanamo, và Đặc phái
viên chuyên trách vấn đề này, ông Daniel Fried, được chuyển sang làm điều phối
viên phụ trách các chính sách trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Các nhiệm vụ của Văn phòng liên quan vấn đề đóng cửa nhà tù Guantanamo sẽ do
Văn phòng Cố vấn pháp lý của bộ trên đảm nhiệm. Quyết định trên từng được nhìn
nhận là càng khiến cho triển vọng đóng cửa cơ sở giam giữ nghi can khủng bố này
càng trở nên mơ hồ.
Năm 2002, nhà tù Guantanamo được thành lập trong khuôn viên Căn cứ hải quân
của Mỹ tại Vịnh Guantanamo, phần lãnh thổ Mỹ chiếm đóng trái phép của Cuba. Nhà
tù này đã gây tranh cãi gay gắt tại Mỹ và bị dư luận thế giới lên án vì đã giam
giữ các nghi can khủng bố trong nhiều năm mà không đưa ra xét xử.
Hiện vẫn còn 166 tù nhân tại cơ sở giam giữ này./.
Theo TTXVN