Liên hợp quốc đã nối lại vòng đàm phán về cấm vũ khí hạt nhân mà không có sự tham gia của một loạt quốc gia. Đây là một phần trong nỗ lực quốc tế nhằm đạt được một hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân mang tính ràng buộc.
Tại phiên họp ngày 15/6, các đại biểu tập trung thảo luận về phần trình bày, cụ thể là phần mở đầu và kết cấu của 14 đề mục trong dự thảo hiệp ước dựa trên văn bản được Đại sứ Costa Rica tại Liên hợp quốc Elayne Whyte Gomez - Chủ tịch chủ trì vòng đàm phán, công bố hồi tháng trước.
Các đại biểu bày tỏ hy vọng sẽ có thể đưa ra một dự thảo hiệp ước hoàn chỉnh tại phiên họp cuối cùng vào ngày 7/7 tới. Nếu được 40 nước thông qua, hiệp ước này sẽ có hiệu lực sau đó 90 ngày.
Cũng giống như vòng đàm phán đầu tiên diễn ra ngày 27/3 vừa qua, năm cường quốc về hạt nhân gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc tiếp tục từ chối tham gia sự kiện này. Nhật Bản, Đức và Triều Tiên cũng không cử đại diện tới tham dự.
Trước đó, trong một phiên họp toàn thể hồi cuối năm ngoái, Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết tổ chức các vòng đàm phán hạt với sự nhất trí của 113 quốc gia với hy vọng sớm đạt được một hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.
Những quốc gia đi đầu nỗ lực này gồm Áo, Ireland, Mexico, Brazil, Nam Phi và Thụy Điển. Tuy nhiên, các cường quốc hạt nhân là Mỹ, Anh, Pháp và Nga đều phản đối nghị quyết trên, trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan bỏ phiếu trắng.
Nhật Bản cũng nằm trong số những nước phản đối khi cho rằng việc thiếu đồng thuận trong quá trình đàm phán có thể làm xói mòn tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân./.
(TTXVN)