Các cơ quan cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực leo thang với các cuộc giao tranh dữ dội tại hàng loạt các khu vực ở Syria, trong đó có các vùng ngoại ô thủ đô Damascus, thành phố Aleppo và Raqqa.
Phát biểu với báo giới ngày 5/7, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephan Dujarrik cho biết các vụ tấn công khủng bố xảy ra tại tỉnh Idlib đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều dân thường.
Các cuộc tấn công và giao tranh tối 4/7 ở ngoại thành Damascus và Aleppo cũng khiến nhiều người thiệt mạng và phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng dân sinh.
Quan chức Liên hợp quốc cũng quan ngại về sự an toàn của hàng chục nghìn dân thường không thể rời khỏi Raqqa, nơi đang diễn ra chiến dịch chống phiến quân tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Theo ông, từ ngày 1/4 đến nay, gần 190.000 người dân đã phải chạy trốn khỏi Raqqa.
Theo người phát ngôn Dujarrik, Liên hợp quốc và các đối tác đang triển khai các đợt viện trợ nhân đạo cho những người dân phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn tại Syria, trong đó có người dân của tỉnh Raqqa, Hasek và Deir ez-Zor.
Ông kêu gọi các bên xung đột tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cứu trợ nhân đạo và có trách nhiệm đối với sự an toàn của dân thường và cơ sở hạ tầng dân sinh.
Về tình hình thực địa tại Syria, phóng viên TTXVN tại Trung Đông cho biết ngày 5/7, người đứng đầu Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở Syria, ông Sipan Hemo, đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị một chiến dịch quân sự quy mô lớn tại Aleppo và khu vực Afrin khi cho rằng việc chính quyền Ankara triển khai quân đội gần các khu vực do người Kurd kiểm soát ở Tây Bắc Syria là lời "tuyên bố chiến tranh" và có thể gây ra các cuộc xung đột trong vài ngày tới.
Ông Hemo tuyên bố YPG sẽ không chấp nhận các hành động tiềm ẩn nguy cơ từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, cùng ngày, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus nhấn mạnh nước này không tuyên bố chiến tranh nhưng các lực lượng của Ankara sẽ đáp trả mọi hành động thù địch.
Ông cho rằng những động thái của phía Ankara không phải là tuyên chiến mà chỉ đang chuẩn bị để ứng phó với các mối đe dọa tiềm tàng. Do đó, nếu Ankara nhận thấy hoạt động của YPG ở miền Bắc Syria là mối đe dọa, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có hành động đáp trả.
YPG là lực lượng quan trọng trong Các Lực lượng dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn trong nhiều tháng qua đã tiến hành chiến dịch nhằm giành lại thành phố Raqqa từ tay IS.
Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi YPG như một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK) tại Syria, đảng phái vốn bị Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đặt ngoài vòng pháp luật. Trong khi đó, Mỹ lại xem YPG như một đồng minh quan trọng trong chiến dịch chống IS tại thành phố Raqqa, thành trì của IS tại Syria./.
(TTXVN)