Liên Hợp Quốc hôm qua xác nhận đơn của Nam Phi rút khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế sẽ có hiệu lực sau một năm, tính từ ngày 19/10.
Chính phủ Nam Phi đã bắt đầu thủ tục rút khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế sau
những tranh cãi liên quan đến chuyến thăm của Tổng thống Sudan Omar
al-Bashir tới Nam Phi tháng 6/2015.
Nam Phi là một nước thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế, phải
có nghĩa vụ bắt giữ bất cứ ai theo lệnh bắt của Tòa án Hình sự Quốc tế,
trong đó có ông Omar al-Bashir là người đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế
truy nã với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, chống lại loài người và
tội diệt chủng.
Bất
chấp đề nghị của các công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế, Nam Phi đã
không bắt giữ ông Omar al-Bashir và để nhà lãnh đạo này rời khỏi Nam Phi
sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Phi (AU) năm
ngoái.
Người phát ngôn
Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết, Tổng thư kí Liên Hợp Quốc Ban
Ki-moon lấy làm tiếc về quyết định của chính phủ Nam Phi. Theo ông
Dujarric, Nam Phi đã đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển và
hình thành của Tòa án Hình sự Quốc tế, với việc nước này là một trong
những nước đầu tiên kí vào Qui chế Rome- Qui chế thành lập ra Tòa án
quốc tế này.
Tòa án Hình sự
Quốc tế thành lập vào tháng 7/2002 và có 124 nước thành viên. Đây là cơ
quan pháp lí đầu tiên với quyền hạn xét xử quốc tế, có thể khởi kiện,
truy tố đối với các tội ác chống loại loài người, diệt chủng và tội ác
chiến tranh.
Hôm 12/10 vừa
qua, Hạ viện Burundi cũng đã bỏ phiếu nhất trí thông qua việc rút khỏi
Tòa án Hình sự Quốc tế, sau khi Liên Hợp Quốc khởi động cuộc điều tra
các cáo buộc lạm dụng nhân quyền tại quốc gia này. Trong khi đó, Kenya
và Namibia cũng cảnh báo sẽ rút khỏi tòa án này./.
Theo VOVnews