Năm 2015 đang được kỳ vọng là năm bứt phá của du lịch Ninh Bình
và Thanh Hóa trong sự liên kết, khai thác những tiềm năng của hai địa
phương. Ðây cũng là hướng đi mới mang tính chiến lược để phát triển du
lịch một cách bền vững ở hai vùng đất mang đặc trưng của phía nam đồng
bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Có thể thấy một điểm chung của Ninh Bình và Thanh Hóa là sự phong phú
nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Cả hai vùng đất này
đều đậm đặc những giá trị lịch sử và văn hóa truyền thống, tâm linh của
dân tộc, đồng thời hội tụ cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp và độc đáo
với hai Di sản thế giới là Thành Nhà Hồ và quần thể Khu di tích danh
thắng Tràng An. Trong đó, Ninh Bình nổi bật bởi các giá trị văn hóa,
giá trị địa mạo, địa chất và cảnh quan thiên nhiên kỳ thú nổi trội,
mang tính toàn cầu, nơi lưu giữ những dấu ấn về lịch sử tiến hóa tự
nhiên của phía nam vùng đồng bằng Bắc Bộ cùng dấu ấn về tiến trình giao
hòa văn hóa của cư dân Việt cổ. Tại đây còn lưu giữ quần thể các di
tích cổ, đặc sắc cách đây hàng trăm năm với đền thờ Vua Ðinh Tiên
Hoàng, đền thờ Vua Lê Ðại Hành thuộc cố đô Hoa Lư xưa và quần thể danh
thắng Tràng An, một điểm đến du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái hiếm
có của Việt Nam. Trong đó, có khu văn hóa tâm linh Bái Ðính với những
công trình kiến trúc Phật giáo đồ sộ tọa lạc trên khuôn viên rộng chừng
700 ha cùng Khu du lịch Tam Cốc- Bích Ðộng được ví như "Vịnh Hạ Long
cạn" với các núi đá, hang động, sông suối, đầm nước chứa đựng vẻ đẹp
thiên tạo nguyên sơ...
Trong khi đó, Thanh Hóa vốn nổi tiếng là miền đất cổ với nền văn hóa
Ðông Sơn rực rỡ cùng hệ thống những di chỉ, di tích dày đặc như Núi Ðọ,
hang Cong Moong chứa đựng những bí ẩn của người tiền sử đang được khám
phá bên cạnh Thành Nhà Hồ, Khu di tích lịch sử quốc gia Lam Kinh với
các kiến trúc đá có một không hai, các đền, đình, chùa, nhà thờ cổ
kính, nơi ghi dấu sức lao động, khả năng sáng tạo của ông cha, nơi yên
nghỉ của các đời Vua Lê và hoàng hậu. Một thế mạnh là xứ Thanh còn có
hơn 100km bờ biển với các bãi tắm đẹp bằng phẳng cùng các khu du lịch
sinh thái lý tưởng: Vườn quốc gia Bến Én, Pù Hu, Pù Luông, Tam Quy và
một hệ thống hang động kỳ vĩ xen kẽ...
Du lịch Ninh Bình và Thanh Hóa có điều kiện thuận lợi là vùng trung
chuyển giữa hai đồng bằng, có sự tiếp nối và liên kết mang tính tự
nhiên, bổ trợ lẫn nhau trong phát triển. Cũng chính vì vậy, sự hợp tác
chặt chẽ sẽ phát huy được thế mạnh và tiềm năng sẵn có, thúc đẩy du
lịch phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự hợp tác cần một tầm nhìn mang
tính chiến lược lâu dài mà trước mắt là những hoạt động liên kết nhằm
triển khai hiệu quả Năm Du lịch quốc gia 2015 với chủ đề kết nối các di
sản thế giới của hai tỉnh. Cũng từ đây đặt ra nhiều vấn đề trong liên
kết xây dựng sản phẩm và các tua, tuyến du lịch kết nối di sản, quảng bá
hình ảnh về một điểm đến du lịch vùng lôi cuốn du khách.
Theo các chuyên gia du lịch tại cuộc tọa đàm về liên kết du lịch Ninh
Bình và Thanh Hóa mới đây, một trong những yếu tố đầu tiên khi đề cập
đến sự kết nối du lịch là việc cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông
nối các điểm đến giữa hai tỉnh và với các địa phương khác đưa khách
đến. Ðể kịp thời chuẩn bị cho Năm Du lịch quốc gia 2015, cần nhanh
chóng nâng cấp tuyến quốc lộ 45 nối các điểm du lịch Tràng An - Ninh
Bình với Khu di tích Lam Kinh, Thành Nhà Hồ và khu du lịch biển Sầm Sơn
của Thanh Hóa. Cùng với giao thông, cơ sở hạ tầng lưu trú, khu du
lịch, vui chơi, giải trí cũng cần được đầu tư nâng cấp và xây mới để đáp
ứng nhu cầu của du khách và số lượng khách ngày càng cao trong thời
gian tới. Trong xây dựng sản phẩm du lịch, các chuyên gia đã khuyến
cáo, hai địa phương nên tập trung vào du lịch văn hóa, tâm linh, lấy đó
làm trọng tâm phát triển dựa trên thế mạnh liên kết của các di sản là
quần thể danh thắng Tràng An - chùa Bái Ðính - Thành Nhà Hồ và Khu di
tích Lam Kinh. Bên cạnh đó, Ninh Bình và Thanh Hóa cần kết hợp du lịch
văn hóa, tâm linh với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển, tạo sự đa
dạng trong các gói sản phẩm du lịch phục vụ du khách, giúp tăng thời
gian lưu trú của họ khi cùng một điểm đến, một tua du lịch được tận
hưởng nhiều loại hình du lịch khác nhau.
Một trong những yếu tố không thể thiếu trong liên kết du lịch hai
tỉnh là sự hợp tác, đổi mới công tác truyền thông, quảng bá về điểm
đến, triển khai hiệu quả phương thức xã hội hóa trong lĩnh vực này với
sự tham gia của các doanh nghiệp và những người làm du lịch. Các chuyên
gia về du lịch cho rằng hai tỉnh nên phối hợp hiệu quả việc tuyên
truyền trên một trang website về Năm Du lịch quốc gia 2015 để cung cấp
thông tin chung đến đông đảo du khách về các di sản với các ngôn ngữ
tiếng Việt, tiếng Anh và ngôn ngữ các nước là những thị trường quan
trọng mà du lịch Ninh Bình và Thanh Hóa đang hướng đến. Bên cạnh đó,
ngành du lịch hai tỉnh cần nâng cao chất lượng dịch vụ và năng lực quản
lý nhà nước. Việc tổ chức tốt dịch vụ, quản lý và tạo dựng được một
môi trường trong sạch và kinh doanh lành mạnh, không có nhiều tiêu cực
sẽ góp phần tạo niềm tin, nâng cao uy tín của điểm đến, quảng bá thu
hút đông du khách.
Hợp tác liên kết hiệu quả sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp để phát triển
du lịch, đó là kỳ vọng của du lịch Ninh Bình và Thanh Hóa trong năm
2015.
TheoNhanDan