Thứ Ba, 1/10/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 31/1/2012 21:13'(GMT+7)

Liên kết trong phân phối - yếu tố quan trọng để doanh nghiệp nội không bị thua trên sân nhà

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu thị trường nước ngoài, thị trường bán lẻ Việt Nam có tiềm năng và hấp dẫn hàng đầu thế giới chỉ sau Ấn Độ, Nga, xếp trên cả Trung Quốc. Tốc độ gia tăng nhu cầu tiêu dùng ở Việt Nam đang kéo theo tiềm năng phát triển thị trường bán lẻ và hệ thống phân phối là rất lớn. Nếu như năm 2000, chi tiêu bình quân đầu người của Việt Nam mới là 2,8 triệu VND/người/năm, thì đến nay, con số này đã tăng gần gấp 3 lần. Từ năm 2000 đến nay, doanh số bán lẻ ở thị trường Việt Nam tăng trung bình 20%/năm và đã đạt trên 20 tỷ USD/năm.

Sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam còn thể hiện ở chỗ, với dân số khoảng 86 triệu người, trong đó có tới trên 50% dưới 30 tuổi là một khu vực cực kỳ tiềm năng bởi nhu cầu và hành vi mua sắm rất cao, thậm chí đi trước nhu cầu (chưa cần thiết nhưng vẫn thích mua) và khả năng chi trả (mua trả góp). Ngay cả tầng lớp lớn hơn 30 tuổi trở lên do tác động của xu thế phát triển kinh tế và hội nhập cũng đã chuyển hành vi mua sắm từ “ăn chắc, mặc bền” sang “ăn ngon, mặc đẹp” và không thuần túy khi mua sắm chỉ vì tính năng sử dụng của sản phẩm. Điều này cũng lý giải thêm rằng, không phải ngẫu nhiên mà thị trường Việt Nam hiện đã có mặt những “đại gia” lớn trên thế giới trong lĩnh vực bán lẻ như Metro Cash & Carry, Bourbon (BigC), Parkson… và thu hút sự quan tâm lớn của các tập đoàn như Walmart, Carrefour, DiaryFam... Nhiều dự án phát triển bất động sản lớn tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng đã được các tập đoàn phân phối của nước ngoài “xí chỗ” để kinh doanh.

Thị trường bán lẻ nhiều tiềm năng, mở ra cơ hội lớn bao nhiêu thì lĩnh vực phân phối của Việt Nam lại phát triển mờ nhạt bấy nhiêu trước sức ép hội nhập. Theo ông Phạm Thanh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần EPIC Trí tuệ kinh doanh (Hà Nội), hệ thống phân phối của Việt Nam còn yếu kém so với các nhà phân phối nước ngoài trên 3 phương diện là thiếu năng lực về vốn và kinh nghiệm; thiếu tính chuyên nghiệp; thiếu hợp tác và liên kết chuỗi (sản xuất - phân phối - bán lẻ).

Bên cạnh việc thiếu vốn và kinh nghiệm, tính chuyên nghiệp của hệ thống phân phối Việt Nam hoạt động quy mô còn nhỏ, lẻ và chồng lấn. Các nhà phân phối Việt Nam thường chọn các sản phẩm bị cạnh tranh gay gắt trên thị trường để phân phối và ít có đủ năng lực xoay chuyển, tìm kiếm sản phẩm mới có thế mạnh để thay thế. Thiếu tính hợp tác và liên kết chuỗi thế nên mức độ cung cấp sản phẩm của nhà sản xuất cho nhà phân phối thiếu ràng buộc chặt chẽ ảnh hưởng lớn đến cơ hội, uy tín cũng như hiệu quả kinh doanh.

Theo ước tính, cả nước hiện có khoảng gần 400 siêu thị, trung tâm thương mại và khoảng trên 1.000 cửa hàng tiện lợi hoạt động ở hầu hết các tỉnh, thành. Tuy nhiên, các trung tâm thương mại và siêu thị nội địa hoạt động riêng lẻ, công nghệ quản lý thấp, hệ thống chuỗi cung cấp sản phẩm cho khu vực này rất không đồng bộ, mang nặng tính truyền thống. Trong khi đó, số siêu thị và trung tâm thương mại liên doanh với nước ngoài chỉ chiếm khoảng hơn 10%, thế nhưng lượng hàng hóa phân phối lưu thông lại chiếm tới trên 60%. Điều này cho thấy, tính chuyên nghiệp, quy mô và hiệu quả hoạt động của các nhà phân phân phối cho hệ thống siêu thị bán lẻ, trung tâm thương mại liên doanh tại Việt Nam cao hơn nhiều các doanh nghiệp nội địa.

Lợi thế của các doanh nghiệp phân phối đa quốc gia là quy mô lớn, mạng lưới rộng, giàu kinh nghiệm, công nghệ quản lý tiên tiến, hiện đại, năng lực tài chính dồi dào, thương hiệu mạnh, có mối quan hệ rộng với nhiều nhà sản xuất và bán lẻ tạo nên sức ép cạnh tranh quá lớn đối với các nhà phân phối Việt Nam.

Phân phối có thể coi là “mạch máu” của nền kinh tế. Việc xây dựng một hệ thống phân phối trong nước đủ mạnh cần phải được quan tâm thích đáng hơn nữa. Giáo sư Tiến sĩ Ngô Kim Thanh - Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, yếu tố quyết định sự sống còn của hệ thống phân phối trong nước chính là ý thức liên kết. Tức là, cần phải tăng cường có chất lượng hơn nữa sự liên kết giữa các nhà sản xuất, các chủ tiệm tạp hóa, các cửa hàng, sạp hàng ở chợ… thành một khối thống nhất để hình thành một kênh phân phối đủ mạnh kinh doanh theo xu hướng hiện đại đối trọng với hệ thống phân phối của các tập đoàn đa quốc gia.

Nhà nước thay vì tìm biện pháp tổ chức lại hệ thống phân phối bán lẻ thì nên có những chính sách ưu đãi về đầu tư cơ sở hạ tầng phân phối, ưu tiên và tập hợp các nguồn lực trong lĩnh vực phân phối bị phân tán nhỏ lẻ thành hệ thống nhất quán có chiều sâu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp phải biết định vị mình trong hệ thống phân phối để đưa ra chiến lược phù hợp với các chiến lược sản phẩm, thương hiệu và marketing. Phải xác định được rõ ràng đặc tính sản phẩm phân phối, đánh giá đúng thị trường mục tiêu và hành vi mua sắm của người tiêu dùng để chia nhỏ phân khúc thị trường một khi cần thiết. Khi lựa chọn và xây dựng chiến lược phân phối cần cân nhắc nguồn lực hiện có và mức độ tham gia vào hệ thống bằng cách tự phân phối tới người tiêu dùng hay thuê tổng đại lý phân phối và lựa chọn các khâu trung gian thích hợp. Phải thường xuyên xem xét, đánh giá chiến lược phân phối của mình so với các đối thủ để có sự điều chỉnh khi cần thiết. Chiến lược phân phối nhất thiết phải phù hợp với các chiến lược sản phẩm, thương hiệu, và marketing mới có thể đưa ra được phương án bán hàng hiệu quả./.

Lan Ngọc - Bộ Công thương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất