Thứ Tư, 2/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 26/1/2012 10:59'(GMT+7)

Dấu ấn Chính phủ mới

Bộ trưởng Đinh La Thăng thăm hỏi công nhân Công ty Công trình Giao thông 422

Bộ trưởng Đinh La Thăng thăm hỏi công nhân Công ty Công trình Giao thông 422

Cuối tháng 7, đầu tháng 8-2011, sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cùng các thành viên Chính phủ bắt tay ngay vào các vấn đề cấp bách thực tiễn đặt ra. Đó là mô hình tăng trưởng, cấu trúc nền kinh tế, lạm phát tăng cao, các vấn nạn xã hội đã tồn tại dai dẳng và trở thành bức xúc hàng ngày của người dân...

Thủ tướng cùng các vị tư lệnh ngành tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 về ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, hoàn thiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, sát sao hơn với nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế. Chính sách điều hành đầy quyết tâm, sự xông xáo, dám làm, dám thể hiện trách nhiệm của nhiều thành viên Chính phủ đã tạo ra một bầu sinh khí mới mẻ của Chính phủ nhiệm kỳ mới. Chính điều này đã tạo nên dấu ấn, được xã hội, nhân dân khích lệ. Ngay sau khi phát biểu nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã truyền đi thông điệp, đó là lựa chọn 3 đột phá để thực hiện. Đề án tái cấu trúc nền kinh tế được yêu cầu xây dựng từ hơn 2 năm trước, nay đã hình thành rõ nét thể hiện qua khẳng định của Thủ tướng coi đây là nhiệm vụ trọng tâm 5 năm tới. Chính phủ đã trình Quốc hội 3 mũi nhọn, tái cơ cấu đầu tư công, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và cải tổ hệ thống ngân hàng.

Song song đó là nhiệm vụ cụ thể của từng ngành được chỉ rõ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng; Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì đề án tái cơ cấu đầu tư công; Bộ Tài chính chủ trì đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Hàng loạt các hội thảo quy tụ đầy đủ các chuyên gia kinh tế hàng đầu cũng được Bộ Tài chính tổ chức để hoàn thiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức hội nghị công bố kiên quyết cắt giảm đầu tư công… Tất cả những chuyển động mạnh mẽ, cụ thể, rõ việc, rõ người đã được Chính phủ triển khai dồn dập trong những tháng cuối của năm 2011, cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của bộ máy mới.

Trên thực tế, những chuyển biến tích cực của nền kinh tế đang được ghi nhận: lạm phát chậm lại; nhập siêu, bội chi ngân sách giảm; xuất khẩu tăng và đà tăng trưởng phục hồi tốt hơn. Tuy nhiên, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10, tròn 3 tháng sau ngày nhận nhiệm vụ, Chính phủ vẫn thẳng thắn nhận trách nhiệm về mình khi một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt yêu cầu. Tân Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam luôn luôn khẳng định: Chính phủ không né tránh, không tô hồng thực tế, ngược lại Chính phủ luôn nghiêm túc nhìn nhận các yếu kém, trì trệ trong công tác điều hành.

Chính sự quyết đoán, dám thể hiện cá tính một cách có trách nhiệm của những tư lệnh ngành đã thực sự tạo nên dấu ấn ngay những tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ mới. Ngày đầu tiên nhậm chức Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã gây ấn tượng mạnh khi tuyên bố “là tư lệnh ngành, tôi muốn được toàn quyền như tướng khi ra trận”. Và ngay sau đó, ông đã đi ngay vào 2 lĩnh vực khó khăn nhất là chậm trễ tiến độ xây dựng và ùn tắc giao thông. Ông thường xuyên thị sát công trình, “trảm” tướng, thay nhà thầu khi để chậm tiến độ; họp ngay với Hà Nội bàn biện pháp chống ùn tắc giao thông... Ông cũng dành thời gian đi xe buýt; kêu gọi cán bộ nhân viên trong ngành, kêu gọi người dân đi xe buýt để tránh kẹt đường. Bên cạnh các vấn đề vĩ mô đó, Bộ trưởng cũng không quên gửi thư khen một nhân viên gác đường tàu dù bụng mang dạ chửa vẫn dũng cảm bảo vệ một em bé; không quên chỉ đạo ngay lập tức cho thôi việc lái xe và nhân viên xe buýt có hành vi làm nhục hành khách...

Tất cả những việc đó, dù có cả điều không được tán đồng hoàn toàn nhưng cách ông làm khiến xã hội “nóng” theo. Những thông điệp “làm lãnh đạo thì không được quan liêu”, “nếu phát hiện ai tiêu cực tôi đuổi ngay”, “làm lãnh đạo thì phải biết hy sinh, ai muốn tự do đừng làm lãnh đạo nữa”... đã tạo nên phong cách Đinh La Thăng.Cùng với Bộ trưởng Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã khiến người dân phấn khởi khi chọn quản lý giá các mặt hàng thiết yếu là công việc đầu tiên cần xử lý. Ông cam kết sẽ minh bạch bằng được chuyện lỗ lãi của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, điện lực... Và với thế mạnh làm kiểm toán nhiều năm, “nắm rõ lỗ lãi của các doanh nghiệp trong lòng bàn tay”, ông đã được dư luận đặt niềm tin khi lần đầu tranh luận với Bộ Công thương về cách điều hành giá xăng dầu.

Dù chưa đủ thời gian để kiểm nghiệm cũng như chưa thể khẳng định rằng Chính phủ mới sẽ giải quyết hết những yếu kém bấy lâu nay, nhưng dấu ấn mới nằm ở thái độ quyết liệt, nói đi đôi với làm của một số thành viên Chính phủ mới thể hiện tình thần dám làm và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình, là tín hiệu vui người dân mong đợi trong năm mới.

(Theo SGGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất