Tuy nhiên, động thái trên lại gây ra
sự phản ứng giận dữ từ đảng ZANU-PF của Tổng thống Robert Mugabe.
Trong
bối cảnh Zimbabwe chuẩn bị bỏ phiếu về bản hiến pháp mới vào tháng Ba, các ngoại
trưởng EU đã nhất trí chấm dứt lệnh phong tỏa tài sản và cấm thị thực đối với
những thành viên nhất định trong chế độ cầm quyền của Zimbabwe.
Hoan
nghênh sự tiến bộ về chính trị, các ngoại trưởng nói trong một tuyên bố rằng EU
sẽ lập tức đình chỉ lệnh cấm đi lại đối với sáu thành viên chính phủ và xóa tên
21 trong số 112 người và một trong số 11 thực thể khỏi một danh sách đen của
EU.
Tuy nhiên, đảng của Tổng thống Mugabe đã chỉ trích các quyết định nêu
trên của EU là “sự sỉ nhục và hết sức phi lý.”
Phát ngôn viên Rugare
Gumbo của đảng này tuyên bố: “ZANU-PF sẽ không bao giờ chấp nhận bất cứ sự dỡ bỏ
các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp một cách có điều kiện hay bất cứ sáng kiến
tư lợi nào nhằm thúc đẩy lợi ích kinh tế của các quốc gia phương Tây. Việc dỡ bỏ
các biện pháp trừng phạt phải được tiến hành vô điều kiện và toàn diện. Chúng
tôi cho rằng quyết định dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp
hiện nay là nhằm phục vụ lợi ích của những nước muốn có kim cương từ các mỏ của
chúng tôi.”
Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng Morgan Tsvangirai của
Zimbabwe cùng ngày đã giới thiệu những người phụ trách mới của các ủy ban nhân
quyền và bầu cử ở nước này, trước thềm các cuộc bỏ phiếu quan trọng trong năm
nay./.
Theo Vietnam+