Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 13/12 đã quyết định gia hạn
thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga liên quan
cuộc khủng hoảng tại Ukraine, trong bối cảnh căng thẳng xung quanh vụ
đụng độ gần đây giữa Moskva và Kiev trên biển Azov tiếp tục gia tăng.
Tại hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra ở Brussels (Bỉ), Chủ tịch Hội đồng
châu Âu Donald Tusk tuyên bố liên minh này nhất trí gia hạn các biện
pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga do không nhận thấy tiến triển trong
việc thực thi thỏa thuận Minsk nhằm chấm dứt xung đột tại miền Đông
Ukraine.
Ngoài các biện pháp trừng phạt kinh tế, EU còn áp đặt các biện pháp nhằm
vào những cá nhân, tổ chức có liên quan việc Nga sáp nhập bán đảo
Crimea, cũng như liên quan cuộc xung đột tại Ukraine.
EU lần đầu tiên áp đặt các biện pháp trừng phạt Moskva vào tháng 7/2014.
Các biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các lĩnh vực kinh tế của Nga,
trong đó có hoạt động kinh doanh dầu mỏ chủ lực.
Đầu tuần này, EU cũng đã liệt thêm 9 người vào "danh sách đen" vì dính
líu tới cuộc bầu cử ở các khu vực do lực lượng đòi độc lập ở miền Đông
Ukraine kiểm soát hồi tháng trước.
Quan hệ Nga và Ukraine căng thẳng kể từ năm 2014 khi Moskva sáp nhập trở
lại bán đảo Crimea. Tình hình đã bị đẩy lên nấc thang nghiêm trọng mới
sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine với cáo buộc các tàu này xâm
phạm lãnh hải ngày 25/11vừa qua.
Hai nước đã đưa ra những thông báo trái chiều về vụ việc. Hải quân
Ukraine cho rằng Nga đã cho tàu chặn đường qua Eo biển Kerch, không để
hai tàu chiến loại nhỏ cùng một tàu kéo Ukraine đang từ Biển Đen đi qua
eo biển này để vào biển Azov.
Tuy nhiên, Nga cáo buộc Ukraine không thông báo trước về việc 3 con tàu
qua eo biển Kerch, đồng thời cho biết các tàu của Ukraine đã đi lại một
cách nguy hiểm và phớt lờ những chỉ dẫn của phía Nga nhằm kích động căng
thẳng, buộc Moskva phải ngăn chặn các tàu Ukraine xâm phạm bất hợp pháp
vùng biển Nga. Viện lý do mối đe dọa từ Nga, Ukraine đã ban bố tình
trạng chiến tranh trong 30 ngày tại 10 vùng giáp biên giới Nga, Biển Đen
và biển Azov, bắt đầu từ ngày 26/11, và ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối
với công dân Nga là nam giới trong độ tuổi từ 16-60.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng vụ việc tại Biển
Đen là một "sự cố biên giới" và việc Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko
ban bố tình trạng chiến tranh là "một phản ứng thái quá"./.
(TTXVN)