Theo thỏa thuận ngân sách năm 2018 của Liên minh châu Âu (EU) thông báo ngày 18/11, các nước châu Âu đã quyết định giảm khoản tiền dành cho Thổ Nhĩ Kỳ do lo ngại cách xử lý các vấn đề nội bộ của chính quyền Ankara, đặc biệt liên quan tới vụ đảo chính bất thành hồi năm ngoái.
Khoản tiền trên nằm trong gói hỗ trợ tài chính mà EU dành cho Thổ Nhĩ Kỳ, nước đang xúc tiến các cuộc đàm phán gia nhập liên minh.
Thủ tướng Đức Angela Merkel là người lên tiếng mạnh mẽ nhất, yêu cầu EU cắt giảm khoản ngân sách này sau khi Ankara tiến hành hàng loạt cuộc bắt giữ quy mô lớn trong nước.
Các nghị sỹ Nghị viện châu Âu (EP) và các quốc gia thành viên đã nhất trí giảm 105 triệu euro (tương đương 124 triệu USD) trong quỹ hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và đóng băng khoản bổ sung trị giá 70 triệu euro đã thông báo trước đó.
Trong một tuyên bố, các nghị sỹ cho biết tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ là "rất đáng lo ngại" và quyết định trên là một thông điệp rõ ràng của Brussels tới Ankara.
EU đã cam kết hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ 4,45 tỷ euro trong giai đoạn 2014-2020, nhưng đến nay mới chỉ giải ngân 360 triệu euro.
Các nỗ lực gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bị đóng băng khi nhiều nhà lãnh đạo EU chỉ trích các chính sách cứng rắn của Tổng thống Recep Erdogan sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016.
Sự kiện đẫm máu này đã khiến 246 người thiệt mạng, 2.000 người bị thương, trong đó có 103 tướng lĩnh quân đội. Tính đến nay, nhà chức trách nước này đã bắt giữ hơn 50.000 người tình nghi liên quan.
Ngoài ra, khoảng 150.000 người bị sa thải hoặc đình chỉ công tác, trong đó có nhiều tướng lĩnh, cảnh sát, nhà báo...
Một số nước phương Tây đã lên tiếng chỉ trích hành động trên của Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên, theo chính quyền Ankara, chỉ có hành động như vậy mới có thể dập tắt được mối đe dọa từ mạng lưới của giáo sỹ Fethullah Gulen, người bị Ankara coi là chủ mưu vụ đảo chính và hiện sống lưu vong tại Mỹ./.
(TTXVN)