Chủ Nhật, 24/11/2024
Bảo hiểm xã hội
Thứ Ba, 14/2/2023 8:52'(GMT+7)

Linh hoạt các giải pháp tăng thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội). Ảnh tư liệu: Dương Ngọc/TTXVN

Bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội). Ảnh tư liệu: Dương Ngọc/TTXVN

Nhiều giải pháp hiệu quả

Theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến, căn cứ vào các chỉ tiêu được giao, ngay từ đầu năm, đơn vị đã tạm giao chỉ tiêu thu và phát triển người tham gia, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Bảo hiểm xã hội quận, huyện tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch. Bảo hiểm xã hội các quận, huyện cũng tham mưu cho 30 UBND quận, huyện giao chỉ tiêu cho UBND phường, xã ngay từ đầu năm.

Đồng thời, Bảo hiểm xã hội thành phố tham mưu cho UBND thành phố có văn bản chỉ đạo UBND các quận, huyện, phường, xã phối hợp với cơ quan Công an thống kê các doanh nghiệp tư nhân và chủ hộ kinh doanh cá thể chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn. Trên cơ sở thống kê này, cùng với số liệu của Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngay từ tháng 1/2023, Bảo hiểm xã hội Hà Nội đã triển khai rà soát để tổ chức hội nghị khách hàng, phát triển đối tượng và đạt kết quả tốt.

Tính đến hết 31/1, số người tham gia bảo hiểm xã hội là trên 1,98 triệu người, tăng so với thời điểm 31/12/2022 là 1.525 người. Đây là kết quả nổi bật bởi chưa năm nào trong tháng 1, Hà Nội phát triển được số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Về bảo hiểm xã hội tự nguyện, các năm trước, số người tham gia thường giảm tới 3-4 nghìn người, nhưng tháng 1/2023 chỉ giảm 649 người. Trong tháng 2 dự kiến sẽ phát triển đạt con số ở thời điểm cuối năm 2022.

Còn đối với Bắc Giang, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết, cuối năm 2022, trong phiên chất vấn của HĐND tỉnh đã đưa nội dung về vấn đề nợ đọng, chậm đóng của một số doanh nghiệp; nhiều sở, ngành cùng tham gia trả lời chất vấn, mang lại hiệu quả cao. Cách làm này đã góp phần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, các sở, ngành, địa phương đều nhận thấy đây nhiệm vụ chung phải quan tâm, chỉ đạo quyết liệt.

Nhận định 2023 tiếp tục là năm có nhiều khó khăn, thách thức, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cho các phòng, Bảo hiểm xã hội các huyện ngay từ đầu năm; đánh giá tình hình của từng doanh nghiệp, phân tích các nhóm tiềm năng, mong muốn tham gia và các nhóm khó khăn để có giải pháp phù hợp.

Đánh giá về công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thời gian qua, ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, năm 2022, tại nhiều doanh nghiệp, đơn hàng sụt giảm đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh, việc làm, thu nhập của doanh nghiệp và người lao động. Mặt khác, do hậu quả của đại dịch COVID-19, đời sống của nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tác động mạnh đến công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kịp thời xây dựng các kịch bản chỉ đạo, điều hành phù hợp, nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; linh hoạt áp dụng các hình thức thu, nộp tiền đóng trực tiếp hoặc trên Cổng Dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia, tổ chức dịch vụ thu và cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Bảo hiểm xã hội các địa phương cũng luôn bám sát, tuân thủ nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phối hợp chặt chẽ với các ngành trong việc tổ chức thực hiện chính sách, tổ chức các hội nghị vận động, tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân bằng nhiều hình thức linh hoạt. Các đơn vị cũng tổ chức thanh tra chuyên ngành đột xuất để đôn đốc thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Nhờ đó, năm 2022, toàn ngành đã đạt được những kết quả rất tích cực, hoàn thành vượt chỉ tiêu phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được Chính phủ giao, giảm số tiền chậm đóng.

Năm 2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp linh hoạt, hiệu quả ngay từ đầu năm. Đến hết tháng 1/2023, cả nước có gần 17,3 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt tỷ lệ bao phủ 37,4% lực lượng lao động trong độ tuổi; tăng 648 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022.

Giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến cấp huyện, cấp xã


Ghi nhận những nỗ lực của toàn ngành trong công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trên cơ sở nhận định những khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu Bảo hiểm xã hội các địa phương rút ra bài học kinh nghiệm hay để triển khai, nhân rộng trong toàn đơn vị. Cùng với đó, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương đưa chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vào Nghị quyết của HĐND các cấp, giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến cấp huyện, cấp xã; tham mưu kế hoạch, nội dung giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu được giao.

Bảo hiểm xã hội các địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, Sở Kế hoạch - Đầu tư và các ngành liên quan nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, việc sử dụng lao động, chi trả tiền lương và các khoản bổ sung khác để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra yêu cầu đơn vị đăng ký tham gia và nộp đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Các đơn vị rà soát, đánh giá, mở rộng mạng lưới tổ chức dịch vụ thu và nhân viên thu; chủ động bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, tổ chức hội nghị khách hàng vận động theo nhóm người tham gia tiềm năng; thường xuyên kiểm tra hoạt động của nhân viên tổ chức dịch vụ thu, đảm bảo tuân thủ các quy trình, quy định; giao chỉ tiêu phát triển người tham gia cho từng tổ chức dịch vụ thu.

Ông Nguyễn Thế Mạnh cũng lưu ý Bảo hiểm xã hội các địa phương giao trách nhiệm theo dõi đơn vị sử dụng lao động, các tổ chức dịch vụ thu cho từng lãnh đạo và cán bộ liên quan để đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động nộp đủ số tiền phát sinh phải thu trong tháng và số tiền chậm đóng của những tháng trước, đôn đốc tổ chức dịch vụ thu hoàn thành chỉ tiêu đã cam kết với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Đồng thời, linh hoạt về hình thức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đối với các doanh nghiệp chưa đăng ký đóng hoặc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp không đầy đủ; kiên quyết xử phạt đối với các hành vi vi phạm./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất