Chủ Nhật, 22/9/2024
Cuộc sống số
Thứ Bảy, 11/8/2012 20:28'(GMT+7)

"Lỗ hổng" quản lý thương mại điện tử

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Tin “lãnh đạo” chủ chốt của MB24 bị bắt, các chi nhánh tại Lào Cai, Bắc Kạn, Đắc Lắc... bị cơ quan chức năng sờ gáy, khiến các thành viên của MB24, những người đã trót dại “gửi tiền cho gió” hoang mang. Rồi, qua phương tiện thông tin đại chúng, họ nhận ra những tháng ngày "nói ra tiền" của MB24 đã hết. Còn nhớ, cách đây không lâu, người ngoài cuộc gọi Tổng giám đốc MB24 là siêu lừa, siêu lách luật. Những người am hiểu về thương mại điện tử (TMĐT) còn cho rằng: Mấy người này (MB24) mà không bị cơ quan chức năng bắt thì đúng là chuyên lạ đời. Họ cũng tỏ bày xót xa khi những người mua gian hàng của MB24 không biết ăn phải bùa mê gì mà lại cứ tưởng tượng ra viễn cảnh “Không làm mà vẫn cứ giàu có!”.

Thế mới biết MB24 lừa phỉnh giỏi cỡ nào! Mỗi người chấp thuận lời mời của họ khi gia nhập MB24 phải bỏ 5,2 triệu đồng mua gian hàng ảo. Sau đó, chỉ việc giới thiệu người tham gia là được hưởng 30% hoa hồng/5,2 triệu đồng của người mà mình giới thiệu. Để lôi kéo được các hội viên, MB24 luôn chọn những địa điểm sang trọng, chọn những người có uy tín về lĩnh vực TMĐT đến để thuyết phục người tham gia. Vì có người nói hay, lại đánh trúng vào lòng tham của con người, nên đã có khoảng 30.000 người đóng tiền mua gian hàng ảo của MB24. Và, cũng chỉ sau gần một năm hoạt động, MB24 đã thành lập 51 chi nhánh tại 32 địa phương.

Chỉ khi MB24 bị Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VCOM) khai trừ, chấm dứt tư cách hội viên thì nhiều địa phương, nhiều thành viên của MB24 mới… ngã ngửa. Dư luận đặt câu hỏi: Tại sao MB24 chưa được cấp phép “sàn giao dịch điện tử” mà vẫn ngang nhiên hoạt động? Tại sao 51 chi nhánh của MB24 đều treo biển hiệu “Sàn giao dịch TMĐT muaban24.vn”? Tìm hiểu kỹ mọi người mới vỡ lẽ, sở dĩ MB24 làm được như thế là do sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng, khiến nhiều người dân tin tưởng MB24 có sàn giao dịch điện tử đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động.

Sự việc từ MB24 cho thấy, việc trao đổi mua bán trên mạng trực tuyến ở nước ta chủ yếu diễn ra giữa các cá nhân với nhau. Kiểu giao dịch này không đủ ràng buộc về mặt pháp lý và tạo ra kẽ hở cho những kẻ nói khoác thừa cơ trục lợi. Mặt khác, TMĐT là lĩnh vực mới và phát triển nhanh, nên Nghị định về TMĐT ban hành từ năm 2006 có thể đã không còn phù hợp. Mới đây, Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao nhiệm vụ dự thảo nghị định mới về TMĐT để thay thế nghị định hiện hành và việc quản lý TMĐT sẽ được tiến hành thắt chặt hơn, chuẩn mực hơn, nhưng trong thời gian chờ khi nghị định mới được ban hành và có hiệu lực thì người dân phải tỉnh táo trước những chiêu lừa dạng như của MB24. Trước khi tham gia vào việc kinh doanh TMĐT, người tham gia cần phải tìm hiểu kỹ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, những ràng buộc về mặt pháp lý xung quanh kinh doanh TMĐT. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần phát huy hơn nữa vai trò tuyên truyền phổ biến, làm rõ cho người dân hiểu rõ, hiểu đúng về loại hình kinh doanh TMĐT để tránh bị các "siêu lừa" dụ dỗ. Các doanh nghiệp vi phạm rất cần được xử lý nghiêm.

Thương mại điện tử là một phương thức mua bán sản phẩm hay dịch vụ một cách văn minh, hiện đại cần khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, để TMĐT phát triển một cách lành mạnh, thực sự đem lại lợi ích cho xã hội thì phải hoàn thiện các văn bản pháp quy, đồng thời ứng dụng các giải pháp kỹ thuật hiện đại để ngăn chặn bằng được các lỗ hổng như trường hợp MB24/.
 
(Lê Xuân Đức/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất