Thứ Bảy, 5/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 5/11/2013 15:48'(GMT+7)

Lo ngại về "phim khùng", "phim nhảm"... tại Liên hoan phim

 Bài viết này đề cập tới phim truyện điện ảnh tham dự Liên hoan phim lần thứ 18 (LHP 18), vì đây là khu vực tập trung sự chú ý của dư luận; cũng vì phim truyện điện ảnh luôn được coi là gương mặt, sức sống của mỗi nền điện ảnh dân tộc. Trong những năm qua, mỗi Liên hoan phim tạo điều kiện cho giới làm nghề và công chúng yêu điện ảnh có cái nhìn toàn cảnh về tình hình sản xuất và chất lượng phim trong hai năm (khoảng cách giữa hai kỳ Liên hoan), và cũng là cơ hội để có thể hình dung về viễn cảnh sản xuất phim trong thời gian tới. Từ thực tế của LHP 18, có thể nói bức tranh toàn cảnh là khá nhợt nhạt, thiếu sinh khí và phơi lộ một số non kém nghề nghiệp vốn đã thể hiện từ các năm trước; nếu không nói phần lớn các bộ phim được trình chiếu còn đưa tới nỗi e ngại cần phải xem xét.

 Trước và sau LHP 18, giới truyền thông hầu như đều cho rằng, ngày hội điện ảnh lần này có hai điểm nổi trội: 23 phim dự thi (con số chưa Liên hoan nào trước đây đạt tới); và lượng phim do tư nhân đầu tư chiếm 19 trong số 23 phim. Ðây là tỷ lệ rất đáng mừng, bởi phù hợp với chủ trương xã hội hóa, xu thế phát triển trong sản xuất phim. Ðiều này cũng chứng tỏ ngành văn hóa, quản lý điện ảnh ở nước ta và đông đảo nghệ sĩ làm phim không dè bỉu, định kiến, mà ngược lại còn đặt hy vọng vào tiềm năng mới mẻ này. Song với Liên hoan 18, tỷ lệ ấy chưa phải là niềm vui, vì vẫn còn một thực tế khác, như tại cuộc họp báo trước ngày khai mạc, đạo diễn, NSND Ðào Bá Sơn - Chủ tịch Ban Giám khảo phim truyện điện ảnh, đã phân loại chất lượng như sau: trong 23 bộ phim dự thi có một phần ba phim khá và tốt; hai phần ba phim trung bình và kém. Tuy ông không tách riêng ra phim kém là bao nhiêu, thì một số tờ báo vẫn gọi số phim kém ấy là "phim rác", "phim khùng", "phim thảm họa", "phim mì ăn liền", "phim nhảm",... Số phim này tấp nập, đông tới độ một số báo đã cho rằng chúng chiếm vị trí "áp đảo", "thượng phong" trong 23 bộ phim dự thi LHP 18! Một kết luận khác, đáng tiếc, không tờ báo nào tiếp tục đẩy tới là số phim được gọi là "khùng", là "nhảm" đều do đơn vị tư nhân sản xuất! Tại sao lại né tránh, không đả động tới thực tế này? Vì thiết nghĩ, từ gút thắt ấy có thể tìm hiểu một phần tương lai phim truyện điện ảnh ở nước ta trong vài năm tới. Hello cô Ba, Hít: Hoàng tử và Lọ Lem, Ranh giới trắng đen, Yêu anh em dám không, Hiệp sĩ guốc võng, Cưới ngay kẻo lỡ, Săn đàn ông... là các phim đã ra rạp, đã chiếu cho báo giới xem trước ngày LHP 18 khai mạc và chuyện lỗ lãi như thế nào vẫn là điều mù mờ. Còn chất lượng các bộ phim này ra sao, báo chí đã dành nhiều trang viết. Ở đây chỉ trích lại từ phát biểu của ông Ðào Bá Sơn: "Một số phim quá đặt nặng tính kinh doanh, số tiền đầu tư ít, cẩu thả, xem nhẹ nghệ thuật cho nên báo chí gọi "thảm họa" là vì vậy. Khuynh hướng trình bày cái ác, khai thác bạo lực nhiều khi lấn át cái hay, cái đẹp của chủ đề và làm ảnh hưởng đến hiệu quả chung của tác phẩm".

 Vẫn là quy định các hãng phim tư nhân tự chọn phim tới LHP dự thi, nhưng có thể trước đây LHP còn giữ được sự trang trọng, ít nhiều có vẻ xa cách, cho nên phim tư nhân dự thi được chọn lọc kỹ hơn? Còn với LHP lần này, việc thi thố có vẻ dân dã, vui vẻ cho nên có tình trạng "tháo cũi sổ lồng"? Cũng có thể các năm trước số hãng phim ít hơn và quan niệm cần gìn giữ, bảo vệ uy tín của đơn vị nhiều hơn; còn bây giờ là lúc "người người làm phim, nhà nhà làm phim" cho nên phim có chất lượng kém nhiều hơn? So sánh quả là khó, song lại có thể rút ra nhận xét chung là khi quy trình làm phim bị giản lược, cái thường được gọi là ngôn ngữ điện ảnh như bị xếp sang một bên; tiền bạc và thời gian đầu tư cho một bộ phim càng giảm thiểu càng tốt,... sẽ dễ đưa tới "phim nhảm", "phim thảm họa" na ná như tiết mục hài có thêm bớt tình tiết, chi tiết và thu vào ống kính. Nói cách khác, từ đó làm cho phim truyện điện ảnh không khác phim truyện truyền hình là bao, càng không khác so với một số tiết mục hài thường xuất hiện trên màn ảnh TV!

 Sẽ là thiếu khách quan, không công bằng khi chỉ thấy "phim thảm họa" hay "phim khùng" là hình ảnh đại diện duy nhất cho phim tư nhân tại LHP 18. Các nhà sản xuất hai bộ phim Scandal - Bí mật thảm đỏ và Thiên mệnh anh hùng đã được trao một Bông sen Vàng và một Bông sen Bạc. Victor Vũ được trao danh hiệu Ðạo diễn xuất sắc nhất; nữ diễn viên Vân Trang - người sắm vai chính trong cả hai phim trên, được bầu chọn là Nữ diễn viên sắm vai chính xuất sắc nhất. Sự tặng thưởng này - dĩ nhiên - đã khẳng định tài năng của những người làm phim và tính chuyên nghiệp cao của các khâu tạo dựng nên một bộ phim. Ba bộ phim Lấy chồng người ta, Ðường đua, Lửa Phật dù doanh thu nhiều ít ra sao, cả ba đều là các tác phẩm được làm ra bởi sự tâm huyết, ngẫm nghĩ dài lâu, những gửi gắm, sự đầu tư tiền bạc thích đáng. Có thể vì không hợp với tiêu chí của LHP 18, các tác phẩm này chưa đạt giải cao nhưng chúng đã thể hiện rõ tính chuyên nghiệp của công việc làm phim và hứa hẹn một loại tác phẩm điện ảnh vẫn sinh lời mà vẫn in đậm dấu ấn nghệ thuật.

 Còn về các yếu kém để xuất hiện các định danh "phim khùng", "phim nhảm". Trước hết cần thấy rằng làm phim điện ảnh số vốn đầu tư rất lớn. Ðầu tư một lượng tiền như vậy, nhà sản xuất tư nhân phải đối mặt với vô số rủi ro khác nữa. Mà làm gì thì rốt cuộc vẫn phải trả lời câu hỏi: Bao giờ đồng tiền đầu tư sẽ trở về, số tiền vốn ấy sẽ "nở ra" hay teo tóp đi? Từ đó có thể hiểu vì sao nhà sản xuất lại chọn chi phí thấp nhất, từ chọn đề tài, triển khai quay và chi phí cho các khâu khác... Do đó phim có nhợt nhạt, sơ lược, chứa đựng cả trăm thứ chủng chẳng, vô lý cũng là điều dễ hiểu. Rồi nữa là thị hiếu và sự yêu - ghét của người xem ở từng lứa tuổi, từng vùng miền, của năm này năm khác cũng là nỗi lo của nhà sản xuất, vì phim có hấp dẫn người xem mới bán được vé, mới hy vọng có lãi. Khoảng hai chục năm trở lại đây, xem ra phim do tư nhân sản xuất còn lúng túng, bị động trong việc khai phá con đường đến với người xem. Chạy theo sở thích của số đông để xem nhẹ giá trị tư tưởng - nghệ thuật của bộ phim ư? Hay chưa nghiên cứu, phân tích để nắm bắt được thị hiếu của người xem? Trong một bài trả lời phỏng vấn, đạo diễn Vũ Ngọc Ðãng - tác giả khá thành công với loạt phim hút khách tới rạp như Những cô gái chân dài, Bỗng dưng muốn khóc, Ngôi nhà hạnh phúc, Ðẹp từng centimet, Hotboy nổi loạn, sau khi nhấn mạnh "cái cũ" rất nguy hiểm kể cả về phương diện khai thác đề tài lẫn cung cách thể hiện của điện ảnh xứ mình, đã nói về một trong các điểm yếu của việc sản xuất phim tư nhân như sau: "Nhiều đạo diễn, nhiều nhà sản xuất ở ta lúc này đang đi sai đường mà không tự nhận thấy, khi họ đánh giá khán giả ở mình quá thấp, cho tới lúc chính họ sẽ bị khán giả coi thường và trả họ về lại với con số không?". Cần phải nhắc tới áp lực hữu hình khác đang đè nặng lên nhà sản xuất phim tư nhân, đó là việc các bộ phim Hollywood "hot" nhất vừa xuất xưởng đã nhanh chóng được nhập khẩu, được chiếu trong những rạp chiếu hiện đại. Ðẩy tới tình trạng doanh thu của sáu bộ phim Việt Nam chưa bằng một phần tư doanh thu của một bộ phim Mỹ ra rạp ở Việt Nam. Theo số thống kê năm 2012, doanh thu của phim Hollywood tại thị trường Việt Nam là 47 triệu USD, dự kiến năm 2013 sẽ là 50 triệu USD. Từ đó lại có một câu hỏi cần trả lời: Làm thế nào để bảo vệ, phát triển nền điện ảnh dân tộc trước sự tràn ngập (có người gọi là "xâm lăng") được hợp thức hóa như vậy?

 Sau khi LHP 18 kết thúc, trên một số tờ báo đã giới thiệu các bộ phim mới của điện ảnh tư nhân chuẩn bị ra mắt như Tiền chùa, Âm mưu giày gót nhọn, Ðại náo học đường, Tía ơi!, Tèo em... - các tên phim mà người chịu khó theo dõi phim truyện ở Việt Nam lâu nay có thể hình dung. Và đã có nhà sản xuất phim bộc bạch khá thẳng thắn: "Sau thất bại về doanh thu của Ðường đua, Lửa Phật, các nhà sản xuất phải dè dặt, cẩn trọng khi quyết định phiêu lưu đầu tư làm phim nghệ thuật hoặc nghệ thuật pha giải trí". Họ nhắn nhủ nhau tốt nhất, an toàn nhất là làm phim hài.

 Sắp tới, một số dự án dành cho sản xuất các phim nhân kỷ niệm những ngày lễ trong năm 2015 sắp được triển khai. Ðầu tư của Nhà nước sẽ đưa tới kết quả như thế nào? Nhiều tỷ đồng được chi ra để làm ra những bộ phim khiến khán giả phải tìm đến rạp, hay là sau khi công chiếu chào mừng ngày lễ, phim lại lẳng lặng đưa vào kho, chờ đến dịp này sang năm lại đưa ra chiếu lại trên vô tuyến truyền hình? Trong đêm bế mạc LHP 18, đại diện Cục Ðiện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nói: "Sẽ tính toán thay đổi điều lệ, quy định của Liên hoan phim và sẽ có sự tuyển chọn các phim dự thi". Cũng tức là rồi đây, điện ảnh của chúng ta sẽ có đủ số lượng phim để tuyển chọn? Ðược như vậy thật quá mừng. Nhưng liệu có nên phác vẽ một kế hoạch dự phòng khi phim tư nhân vẫn là "thành phần chủ lực" của LHP. Căn cứ vào thực trạng vấn đề, thiết nghĩ ngay từ bây giờ, nếu không có các biện pháp thiết thực, kịp thời, có hiệu quả để trợ giúp phim tư nhân tồn tại và phát triển, thì trong các LHP tới, liệu có xuất hiện những bộ phim mà độ "khùng", độ "nhảm" còn hơn cả những bộ phim được xem là "khùng", là "nhảm" đã sản xuất rồi ra mắt khán giả trong mấy năm vừa qua?

 

Theo Tô Hoàng/Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất